Sau Tết, cây quất cảnh trong nhà bắt đầu rụng lá, rụng quả xuống sàn nhà, cụ Bùi Văn Kiên, 71 tuổi, ở Giảng Võ (Hà Nội) khom lưng dịch dần chậu quất cảnh ra ngoài hiên hứng nắng. Chỉ có vậy nhưng cụ Kiên không ngờ sống lưng của cụ hàng ngày vẫn bình thường, nay không thể đứng thẳng lưng lên được, đau buốt tê điếng người.
Con cháu thấy cụ kêu la đau đớn, vội vã đưa cụ đến bệnh viện. Ngay lúc tới viện, cụ Kiên và người nhà đã được các bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ ở bệnh viện tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, chỉ duy nhất 1 người thân được vào trong với cụ. Nếu ai muốn vào thăm cụ, phải chờ người kia ra đổi áo trông bệnh nhân mới được vào vài phút; Thêm các khâu khử trùng tay, chân, đeo giày nylon diệt khuẩn, rồi phải qua 2-3 cửa kiểm tra, nhắc nhờ phòng dịch, đo thân nhiệt...
Vì quy định của bệnh viện khá nghiêm ngặt, phức tạp, nên con cháu cụ Kiên đã thuê người chăm cụ. Cụ Kiên bị chệch đĩa đệm, đi lại, di chuyển sinh hoạt mỗi ngày vô cùng khó khăn nhưng con cháu cũng ít lui tới bệnh viện thăm cụ, những việc đi vệ sinh, ăn uống hầu hết cụ phải nhờ người trông thuê, các y, bác sĩ giúp đỡ. Hơn 10 ngày phải dưỡng bệnh, cụ Kiên cứ đếm thời gian đằng đẵng trong nỗi cô đơn, buồn chán vì con cháu "ngó lơ" mình.
Cụ Nguyễn Thị Hoà, 80 tuổi, ở phố Cát Linh (Hà Nội) cũng chẳng khác cụ Kiên. Cụ được phát hiện ung thư xương đã 3 năm nay. Những ngày dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc sức khoẻ của cụ Hoà giảm sút. Con cháu đưa cụ vào viện nhưng do quy định khá nghiêm ngặt của nơi khám chữa bệnh giữa mùa dịch Covid-19, nên ngay cả các bạn già trong CLB người cao tuổi muốn vào viện động viên, cụ Hoà cũng chối đây đẩy: "Thôi các bà ơi, con cháu tôi còn kiêng không đến thăm tôi, các bà cũng đều già rồi, đừng vào đây nhỡ lây dịch bệnh thì khổ lắm. Đợi ít bữa tôi ra viện, các bà qua nhà tôi chơi là được rồi".
Những ngày dịch Covid-19 vẫn cam go ở khắp nơi, cụ Trần Thành Công, 83 tuổi, huyện Đông Anh (Hà Nội), bỗng dưng bị sa sút trí nhớ, khiến mọi sinh hoạt cá nhân của cụ trở nên bừa bãi, tiểu tiện lung tung khắp nhà, đôi mắt cụ dại đi, có lúc cụ không nhận ra cả vợ con mình đang đứng trước mặt. Con cháu vội vã đưa cụ vào viện chữa trị. Trước đây, lần nào cụ Công vào viện cũng có con cháu thay nhau ra vào trông nom, phụng dưỡng cụ cả bữa ăn, giấc ngủ. Tuy nhiên lần này, vì lo sợ lây nhiễm dịch Covid-19 nên con cháu cụ thuê luôn người chăm sóc cụ tại bệnh viện. Ngày nào cũng vậy, con cháu chỉ điện thoại qua zalo để nắm bắt tình hình sức khoẻ của cụ. Người giúp việc được thuê trông cụ Công chia sẻ: "Khổ thân cụ Công quá, đúng lúc dịch bệnh nên con cháu không vào thăm được. Cụ đôi lúc tỉnh táo lại hỏi các con cụ đâu mà không có ai vào đây cả?".
Khi được ra viện, trí nhớ của cụ Công cũng khá lên nhưng tinh thần chẳng khác nào người bị trầm cảm. Có lẽ giận con, cháu để cụ bơ vơ ở bệnh viện cả tuần liền nên cụ không buồn nói chuyện với con cháu. Con cháu cụ chuộc lỗi bằng việc nấu các món ngon, bổ dưỡng cho cụ nhưng cụ cũng chỉ ăn chút ít.
Chưa biết con cháu cụ Công phải mất bao thời gian để dỗ dành, động viên và lấy lại tinh thần cho cụ sau lần đi viện thời Covid-19 vừa rồi. Nỗi buồn phải đi viện giữa thời dịch Covid-19 thật nan giải với các cụ già - vốn luôn cần con cháu bên cạnh động viên, chia sẻ, dỗ dành lúc đau ốm, nay bỗng đơn côi mà không biết nên than trách con cháu vô cảm, vô tâm hay trách tại rơi vào mùa dịch bệnh?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn