Nơi các cụ già cũng yêu và ghen… như thanh niên

22:59 | 31/07/2016;
Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng nằm ở quận Kiến An, hiện có 90 cụ già neo đơn đang nương náu. Thật ngạc nhiên khi biết, những cụ ông, cụ bà gần đất xa trời ở trung tâm này vẫn yêu và ghen như những đôi trẻ...

Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng trước cưu mang những phận đời lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Do không phân biệt lứa tuổi nên có thời điểm số người tìm đến nương náu tại đây lên đến hàng trăm người. Với đủ thành phần, lứa tuổi nên việc quản lý cũng trở nên khó khăn phức tạp.

Khoảng chục năm trở lại đây, trung tâm chỉ cưu mang người già. Hiện tại trung tâm có 90 cụ già, nữ nhiều hơn nam. Trong số đó, có gần một nửa các cụ đã nằm bất động một chỗ. Số còn lại cũng đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời, sự sống cũng mong manh như lá vàng trước gió.

13.jpg
Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng khang trang, hiện đại

Ông Vũ Huy Quang, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng nói rằng: Phải tìm đến nương náu tại trung tâm, cụ nào cũng có hoàn cảnh thương tâm. Nhiều cụ bị con cháu ruồng bỏ, nhiều cụ lang thang được trung tâm cưu mang về. Có cụ câm điếc, chữ không biết nên chẳng biết mình tên gì, quê quán ở đâu, trong khi giấy tờ tùy thân chẳng có.

Ở Trung tâm này, nhiều cụ có tên được đặt theo 12 con giáp như: Dần, Mão, Tỵ, Hợi…. Đây là tên gọi được những cán bộ ở đây đặt căn cứ vào năm các cụ được đưa về trung tâm. Với những trường hợp như vậy, đến lúc chết, trên tấm bia cũng chỉ là những tên tạm như vậy. Tên thật cũng như gốc gác của các cụ sẽ mãi mãi là một ẩn số không có lời đáp.

Người già thường đa sầu đa cảm, họ nghĩ về con cháu, về quá khứ. Với những người có hoàn cảnh bi đát như các cụ già ở Trung tâm bảo trợ xã hội, nỗi buồn, sự cô đơn càng lớn gấp bội. Tuổi già, ai cũng mong được sum vầy bên con cháu lúc cuối đời. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, các cụ đâu có “phúc phận” ấy. Các cụ phần lớn là những người vô gia cư, sống côi cút cho đến lúc nhắm mắt lìa đời.

17.jpg
Nhiều cụ đã tuổi cao sức yếu, không còn tự chăm sóc cho bản thân mình

Thế nhưng, không phải mọi thứ ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng đều xám xịt như những phận đời của các cụ. Có một điều khá bất ngờ là dù phận đời bi đát, nỗi buồn luôn xâm lẫn tâm can nhưng có không ít cụ khi vào trung tâm thì tâm hồn như trẻ ra cả chục tuổi. Sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ trung tâm, sự sẻ chia cảm thông của những người cùng cảnh đã sưởi ấm những tâm hồn già nua tưởng như chỉ có nỗi đau và nước mắt.

Các cụ đã tìm thấy niềm vui, thậm chí rất nhiều cụ đã lạc vào “vườn yêu”. Khi yêu, các cụ cũng lãng mạn, nồng nàn như bao cặp đôi trẻ. Ông Vũ Huy Quang nói rằng, mấy chục năm gắn bó vơi trung tâm ông đã chứng kiến rất nhiều mối tình đẹp. Khi yêu, các cụ cũng đưa nhau ra khuôn viên, nắm tay thậm chí trao cho nhau những nụ hôn nồng cháy.

15.jpg
Có cụ lại rất "phong độ"

Hiểu được tâm lý các cụ, trung tâm đã “tác hợp” được 10 cặp đôi. Vì các cụ tuổi đã cao, khi quyết định về ở với nhau, các cụ đã suy nghĩ rất kỹ. Bởi thế, từ trước tới nay chưa có cặp nào "nói lời ly biệt". Ông Quang cho biết: "Các cụ khi đã đến với nhau là gắn bó đến lúc lìa đời. Nhìn mọi người yên ấm, chúng tôi cũng thấy yên lòng. Khi một trong 2 người mất, người kia cũng đau buồn, chịu tang như những người vợ, người chồng thực thụ”.

Tất nhiên, có yêu thì có ghen. Các cụ yêu nhau nồng nàn bao nhiều thì ghen tuông cũng quyết liệt bấy nhiêu. Tình già khi ghen cũng chẳng khác những đôi trẻ. Cũng nước mắt, cũng giận hờn, cũng bỏ ăn, bỏ ngủ… Ông Quang nói rằng, đã nhiều lần phải đứng ra “giải quyết” vì những mâu thuẫn tình cảm của các cụ xuất phát từ ghen. Có cụ chỉ “trao nhầm” một nụ cười hay ánh mắt trìu mến cho người khác lập tức “một nửa” kia ghen lồng ghen lộn. Có lần, có một cụ gái trong bữa ăn chỉ vì “dại dột” múc cho cụ ông khác một bát canh, lập tức một cuộc cãi vã căng thẳng đã diễn ra sau đó.

Thế nhưng, ông Quang nói rằng, chuyện yêu đương hay ghen tuông của các cụ là những chuyện “rất đời”. Điều ông và những cán bộ trung tâm thấy vui là các cụ đã tìm thấy hạnh phúc ở một nửa của mình. Thứ tưởng như không bao giờ có với những phận già bất hạnh, cơ nhỡ.

14.jpg
Ông Hậu và bà Khoai đang sống những ngày rất hạnh phúc tại trung tâm

Hiện tại, trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng có 3 cặp đôi đang "dựng xây mái ấm". Ngoài cặp đôi ông ông Nguyễn Văn Khuê (76 tuổi) và bà Phạm Thị Chín (62 tuổi) như chúng tôi đã đề cập ở bài báo trước, còn có cặp đôi ông ông Trần Trung Hậu và bà Trần Thị Khoai. “Căn phòng hạnh phúc” của ông Hậu, bà Khoai nằm ở tầng 2 trung tâm.

Ông Hậu (SN1934), tuy lành lặn nhưng trong người nhiều chứng bệnh. Bà Khoai kém ông Hậu hơn 20 tuổi, dáng người phốp pháp, khỏe mạnh. Bà Khoai mồ côi từ bé. Ông Hậu vốn là lái xe cho một công ty nhà nước nhưng vì sức khỏe yếu nên nghỉ việc trước khi được hưởng chế độ hưu. Gặp nhau ở trung tâm, hai người cảm mến nhau rồi cả 2 được trung tâm cho dọn về sống chung một phòng.

Hôm chúng tôi tới thăm, bà Khoai đang lúi húi nhặt rau trong bếp, còn ông Hậu thì nằm nghỉ trên giường. "Cơm có trung tâm lo rồi nhưng ông ấy thích ăn thêm rau xanh nên tôi nhặt rau để chiều ông ấy", vừa nhặt những cuống rau mơn mởn bà Khoai vừa chia sẻ…

16.jpg
Ông Quang nói rằng, chuyện các cụ yêu thương nhau là chuyện "rất đời" và ông thấy vui vì điều đó

Hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng mà cả một đời người sống chết đi tìm. Có người suốt một đời loay hoay tìm kiếm hạnh phúc nhưng chẳng thấy. Thế nhưng, hạnh phúc lại là những điều giản dị và nhiều lúc đang ở trong chính tay mình. Những người đang sống bằng những tháng ngày vui vẻ nhất của cuộc đời tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng như bà Khoai, ông Hậu… là những người hạnh phúc!

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn