Kể về hoàn cảnh của bé N.T.N(*), ông Lê Bá Lương, Giám đốc Làng trẻ SOS Vinh, cho biết, N. bị bỏ rơi trước cổng Làng trẻ từ khi mới lọt lòng.
"Đó là một buổi tối mùa đông rét cắt da, cắt thịt. Khi 2 cháu bé trong làng đang đi dạo thì nhìn thấy hộp giấy để gần phòng bảo vệ. Đến kiểm tra thì phát hiện bên trong là đứa trẻ đã tím tái, 2 bé đã báo tin cho tôi", ông Lương kể lại.
Ông Lương và mọi người vội vàng bế đứa trẻ sơ sinh vào nhà ủ ấm, sau đó đưa ngay đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để thực hiện công tác chăm sóc ban đầu. Sau khi được cứu sống, Làng trẻ em SOS Vinh đã làm các thủ tục cần thiết, đưa cháu bé về giao cho "mẹ" Nguyễn Thị Đông (Nhà số 2) nuôi dưỡng.
"Vì T.N không được bú sữa mẹ từ nhỏ nên sức đề kháng kém. Mấy năm đầu nuôi cháu, tôi rất vất vả. Hễ trái nắng trở trời cháu lại ốm, thậm chí phải nhập viện. Giờ thì con đã khôn lớn, thông minh, nhanh nhẹn. Nhìn con lớn lên mỗi ngày, tôi hạnh phúc vô cùng", chị Đông chia sẻ.
Ngoài bé T.N, chị Nguyễn Thị Đông hiện còn làm mẹ của 8 trẻ ở làng, gồm 5 bé gái, 3 bé trai. Cháu lớn nhất năm nay học lớp 12, ít tuổi nhất là T.N năm nay mới học lớp 1.
Cũng như những đứa trẻ khác trong Làng trẻ em SOS Vinh, các "con" của chị Đông đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Các cháu đến từ nhiều huyện trong tỉnh Nghệ An nhưng đều là trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi, mất đi sự chăm sóc của cha mẹ.
Đến với Làng trẻ, các bé đã có một gia đình mới. Chị Đông xem các bé như con đẻ và các cháu cũng xem chị như mẹ ruột của mình. Giống như những người phụ nữ đến với Làng trẻ em SOS Vinh phần lớn đều không có chồng, con nên tất cả tình thương chị Đông đều dành cho các bé. "Thấy các con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, tôi hạnh phúc lắm.
Đến nay, tôi có tổng cộng 16 con, nhiều cháu đỗ đạt và đi làm, có cháu đã lấy chồng, tôi đã lên chức bà ngoại. Được về với Làng trẻ, tôi có một gia đình lớn rất vui vầy, đầm ấm", chị Đông xúc động nói.
Chúng tôi đến thăm Làng trẻ em SOS Vinh đúng vào hôm ông Lê Bá Lương đang tất bật chuẩn bị đám cưới cho "con gái" V.L.H. Cũng là trẻ mồ côi, H. được đón vào Làng từ tháng 8/2012 khi còn nhỏ. Sau khi học xong lớp 12, cháu được đi học Cao đẳng nghề, nay đã tốt nghiệp và đi làm. Hôm H. xin phép "ba" Lương đưa người yêu và gia đình nhà trai về ra mắt, ông rất xúc động.
"Nghe con báo tin mà tôi vừa mừng vừa hồi hộp. Mặc dù có hơn 200 con của Làng đã lấy vợ, lấy chồng, hàng chục đám cưới của các con mà tôi đại diện cho nhà trai hoặc nhà gái nhưng lần nào, tôi cũng hồi hộp như lần đầu. Giờ các con thành đạt và có cuộc sống tốt, chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng", ông Lương chia sẻ.
Làng trẻ em SOS Vinh là 1 trong 17 Làng cơ sở thuộc hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam và là đơn vị trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, với chức năng, nhiệm vụ là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo mô hình gia đình thay thế và các chương trình tăng cường gia đình gắn với cộng đồng, đảm bảo theo yêu cầu của tổ chức SOS quốc tế.
Làng tiếp tục đồng hành trên suốt chặng đường dài cho đến khi các cháu trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Hơn 32 năm hoạt động, đến nay, Làng trẻ em SOS Vinh đã tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục gần 800 cháu, trong đó hầu hết là trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Hiện có 129 cháu đang học phổ thông, sống tại các gia đình ở Làng và Lưu xá thanh niên nam (những cháu trai từ 14 tuổi trở lên).
Hàng trăm cháu từ Làng trẻ đã trưởng thành, rời làng đi làm, xây dựng gia đình riêng, tự lập cuộc sống, trong đó có 1 tiến sĩ và 1 nghệ sĩ ưu tú.
Làng trẻ em SOS Vinh có 15 gia đình nhưng vì nhiều lý do mà hiện chỉ có 11 nhà đang nuôi dưỡng trẻ. Ngoài các trẻ được nuôi dưỡng tại Làng, từ năm 2008, Làng trẻ em SOS Vinh đã triển khai Chương trình "Tăng cường gia đình" nhằm hỗ trợ tài chính cho thân nhân đang nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cộng đồng.
Tới nay, 540 trẻ đã được hưởng lợi từ chương trình. Hiện nay, chương trình này đang được tạm dừng để có những thay đổi phù hợp hơn với bối cảnh mới.
"Dưới sự chăm sóc, nuôi dưỡng của Làng trẻ em SOS Vinh, những mảnh đời thiếu may mắn đã tìm lại được mái ấm gia đình. Ở đó, các cháu có đủ điều kiện để học hành, được bảo vệ, chăm sóc và phát triển.
Nhiều cháu đã đỗ đạt, thành danh và mới đây, tôi nhận được tin vui khi Lê Huỳnh Đức, 1 người con của Làng, vừa được chọn là 1 trong 17 đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản 2024", ông Lương chia sẻ.
Ông Lương mong muốn, thời gian tới sẽ có thêm chính sách, kinh phí để hỗ trợ các cháu học tập, tìm kiếm việc làm. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng Giám đốc Làng trẻ SOS Vinh khẳng định sẽ cố gắng hết sức để Làng trẻ luôn là nơi mang đến cho trẻ một gia đình đầy ắp yêu thương, giúp các em hướng đến tương lai tươi sáng.
Làng trẻ em SOS Việt Nam hoạt động dựa trên sự hỗ trợ kinh phí của Làng trẻ em SOS Quốc tế, nguồn kinh phí hỗ trợ của các địa phương cùng với sự hỗ trợ của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ năm 2023, kinh phí hỗ trợ từ Làng trẻ em SOS Quốc tế bị cắt giảm và Làng trẻ em SOS Việt Nam sẽ tiến tới tự chủ tài chính như Làng trẻ SOS ở các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn cho Làng trẻ em SOS Việt Nam để duy trì hoạt động với quy mô như hiện nay.
Làng trẻ em SOS Việt Nam đang triển khai hình thức hỗ trợ đỡ đầu cho nhà gia đình tại Làng, cho các Làng trẻ em SOS cơ sở và đỡ đầu chung với mức kinh phí tối thiểu lần lượt là 300 nghìn đồng/tháng, 500 nghìn đồng/tháng và 1 triệu đồng/tháng, cùng với cam kết duy trì hỗ trợ lâu dài. Các nhà tài trợ đỡ đầu có thể lựa chọn chuyển tiền theo tháng, theo quý hoặc theo năm. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể xem xét hỗ trợ Làng trẻ SOS Việt Nam bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ học bổng, các khóa đào tạo nghề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, hỗ trợ trang thiết bị học tập, cơ sở vật chất cho các Làng nhằm đảm bảo sự chăm sóc tốt nhất cho trẻ em. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có thể xem xét đồng hành cùng Làng trẻ em SOS Việt Nam thực hiện chương trình "Tăng cường gia đình" tại cộng đồng để hỗ trợ trẻ em và tạo sinh kế cho các gia đình, nhằm ngăn ngừa tình trạng bỏ học của trẻ do điều kiện khó khăn về tài chính, ngăn ngừa sự ly tán của trẻ với gia đình, người thân.
(*) Tên một số nhân vật trong bài được viết tắt theo quy định bảo mật thông tin trẻ của Làng trẻ em SOS Quốc tế
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn