Từ tháng 5/2017, Quốc hội Pháp đã chính thức thông qua luật cấm tuyển dụng những người mẫu quá gầy. Theo Bộ Y tế Pháp, mục đích của biện pháp này là nhằm chống lại chứng nhịn ăn, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ.
Luật yêu cầu những người mẫu trước khi hành nghề phải có giấy chứng nhận sức khỏe chứng thực họ không quá gầy. Việc tuyển dụng một người mẫu mà không theo quy định này sẽ bị phạt 75.000 Euro và 6 tháng tù. Theo các bác sĩ, tại Pháp hiện có khoảng 30.000 người nhịn ăn để muốn có cơ thể như các thần tượng người mẫu của mình.
Luật ở Israel cũng cấm sử dụng những hình ảnh quảng cáo, trong đó người mẫu “nhìn thiếu cân”, kể cả việc sử dụng photoshop hoặc các chương trình đồ họa để chỉnh sửa ảnh làm cho người mẫu trông gầy hơn ngoài đời.
Năm 2015, Hiệp hội tiêu chuẩn quảng cáo Anh quốc cũng đã cấm phát một quảng cáo của hãng Yves Saint Laurent, có hình ảnh một người mẫu rất gầy lộ cả xương sườn.
LVMH và Kering lên tiếng rằng việc sử dụng người mẫu gầy trong ngành công nghiệp thời trang đã khuyến khích chứng biếng ăn hay rối loạn ăn uống vì muốn giảm cân quá mức. Nó đang hủy hoại sức lực tuổi trẻ của giới người mẫu cũng như cướp đi nhiều mạng sống. Vì thế, theo mức quy định hiện tại, người mẫu phải có kích cỡ đạt chuẩn bình thường mới được diễn trong các show thời trang của họ. Christian Dior và Saint Laurent tuyên bố họ sẽ cấm các nhà thiết kế của mình sử dụng size 32 (theo hệ thống đo kích cỡ của Pháp) hoặc size XXS, 0 (theo hệ thống đo của Mỹ) và của Anh là 4. Như vậy, các nhà thiết kế của những thương hiệu này chỉ được phép dựa vào số đo của những người phụ nữ có size 34 kiểu Pháp trở lên. Còn nam giới nhất thiết phải có size 44 hoặc hơn.
Ngoài quy định về tuổi tác và size, điều lệ này còn đề ra các biện pháp về sức khỏe và an toàn khác, như cấm phục vụ rượu cho những người mẫu dưới 18 tuổi và họ buộc phải có người bảo trợ hoặc người chăm sóc ở mọi thời điểm. Người mẫu sẽ được chỉ định một chuyên gia tư vấn tâm lý hay nhân viên trị liệu trong khi làm việc. Những thay đổi về tiêu chuẩn người mẫu sẽ bắt đầu có hiệu lực từ Tuần lễ Thời trang New York dự kiến diễn ra trong tháng 9 này.
Trước đó, các thương hiệu thời trang trên thế giới cũng đã lên tiếng chỉ trích nạn mẫu gầy và nhận được sự ủng hộ từ người trong giới. Bà Denise Hatton, giám đốc điều hành của YMCA England & Wales, đối tác sáng lập chiến dịch "Be Real" thể hiện sự tự tin của cơ thể, cho biết kế hoạch của LVMH và Kering là "bước đi đúng hướng". Tuy nhiên, bà nói thêm rằng một số phụ nữ bình thường ở Anh cũng có kích cỡ cơ thể thon thả, thậm chí mảnh mai nên các nhà tổ chức trình diễn thời trang muốn tạo sự đa dạng cho sàn diễn thời trang với đủ mọi hình dạng, kích thước, sắc tộc...
Những người chỉ trích cho rằng người mẫu trên sàn diễn thời trang quảng bá hình ảnh không khỏe mạnh và không thực tế về cơ thể phụ nữ, trong khi những người trong ngành thời trang nói quần áo của họ trông đẹp hơn trên những phụ nữ cao và gầy. Tổ chức từ thiện về chứng biếng ăn Beat cho rằng hình mẫu lý tưởng mà ngành thời trang tạo nên có thể làm trầm trọng và kéo dài bệnh biếng ăn; do đó, tổ chức này khuyến khích việc quảng bá hình mẫu phụ nữ khỏe mạnh và cân đối trong ngành thời trang.