Giữa tháng 5/2021, chị Nguyễn Thị T. (Hà Nội) đi khám thai định kỳ thì được bác sĩ thông báo: chị bị thiếu máu nặng và phải chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu TW. Chị cần truyền máu gấp vì thiếu máu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé.
Từ khi mang thai, chị T. luôn đi khám thai đều đặn và được biết mình bị nhau tiền đạo, dự kiến sẽ sinh mổ vào tuần thai thứ 36. Con sẽ phải sinh sớm khi chưa đủ ngày, đủ tháng, giờ lại bị thiếu máu khiến lòng chị đầy nỗi lo lắng, bất an. Chỉ cần nghĩ đến việc đứa con bé bỏng còn trong bụng mẹ có thể bị chậm phát triển và gặp nguy hiểm, chị T. quặn thắt cả ruột gan. Nằm trên giường bệnh, chị chỉ mong sao được truyền đủ máu để nuôi dưỡng con, để con được ở trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày ấy.
Trước đây, chị T. chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải truyền máu. Chị chia sẻ: “Khi khỏe mạnh, tôi chưa bao giờ nghĩ máu lại quan trọng như vậy, đến khi rơi vào hoàn cảnh này tôi mới hiểu và càng trân quý giá trị của việc hiến máu. Tôi mong sao những người có sức khỏe cố gắng vượt qua dịch bệnh, tham gia hiến máu để giúp đỡ người bệnh như chúng tôi”.
Khi mỗi ngày cả nước có thêm hàng trăm ca nhiễm Covid-19 mới, chị Trần Minh H. (Hà Tĩnh) cũng bước vào tuần thứ 37 của thai kỳ. Chị luôn hết sức giữ gìn, hạn chế tiếp xúc với mọi người để bảo vệ con trước đại dịch. Vậy mà khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ sinh con, chị phải nhập viện gấp vì tiểu cầu xuống rất thấp, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và con.
Cuối năm 2020, khi mới mang được 15 tuần, chị bất ngờ phát hiện bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Từ đó, tháng nào chị cũng phải đi khám định kỳ hoặc điều trị nội trú tại Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW.
Lần này chị nhập viện, nỗi lo âu càng lớn hơn khi dịch bệnh rình rập khắp nơi còn kéo theo tình trạng thiếu máu, thiếu tiểu cầu hết sức trầm trọng. Nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời, chị đối mặt với nhiều nguy cơ xuất huyết, thậm chí là có thể không giữ được thai nhi.
Nỗi lo không chỉ của người bệnh
BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Trước mắt, Viện đã cố gắng hết sức để sản phụ được ưu tiên truyền tiểu cầu gấp. Nhưng với tình trạng của sản phụ nếu sinh thường sẽ rất nguy hiểm. Sắp tới sản phụ còn cần truyền rất nhiều tiểu cầu để nâng chỉ số xét nghiệm lên mức an toàn hơn, đề phòng nguy cơ chảy máu cả trước, trong và sau khi sinh mổ. Không chỉ gia đình người bệnh mà cả các y bác sĩ đều hết sức lo lắng trước tình hình nguồn máu phục vụ điều trị khan hiếm như hiện nay”.
Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 trong tháng 5/2021 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị của các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc. Chỉ tính riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, từ 27/4 đến 21/5/2021, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch.
Trong hoàn cảnh nguồn máu phục vụ điều trị ngày càng sụt giảm, các ca cấp cứu, các sản phụ đang trong tình thế cấp bách cần được ưu tiên cung cấp máu và chế phẩm máu. Tuy nhiên, việc đảm bảo cung cấp chế phẩm máu với số lượng lớn cho những sản phụ có nguy cơ xuất huyết cao như chị Trần Thị H. và nhiều ca bệnh nặng khác là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong khi đó vẫn còn hàng ngàn người bệnh thiếu máu mãn tính, thiếu máu nhẹ buộc phải trì hoãn truyền chế phẩm máu. Nhiều ca phẫu thuật phải tạm hoãn, nhưng việc trì hoãn cũng không thể kéo dài vì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng cho người bệnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn