Ngày 26/11/2024, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Theo đó, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm của Luật lần này vẫn nhất quán so với các quy định trước đây, trong đó nội dung: "Nghiêm cấm tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; nghiêm cấm quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng" tiếp tục kế thừa quy định của Luật Công chứng 2006.
Những quy định này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và bảo vệ uy tín, tính ổn định và độ tin cậy của các văn phòng công chứng. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên tham gia giao dịch, mà còn đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ công chứng viên chuyên nghiệp - những người mong muốn xây dựng một môi trường hành nghề công chứng nghiêm minh và đúng pháp luật.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu giao dịch và công chứng các hợp đồng bất động sản tăng cao trong thời gian qua. Tuy nhiên cùng với đó là tình trạng mở địa điểm giao dịch công chứng trái phép nở rộ. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều văn phòng công chứng đang có xu hướng đặt địa điểm giao dịch trái phép bên ngoài trụ sở chính, tại các khu vực có nhiều giao dịch bất động sản. Đáng chú ý, một số đơn vị còn núp bóng các công ty luật, công ty môi giới bất động sản để hoạt động và ẩn mình ngay khi cần, các đơn vị này ngang nhiên treo biển như: "công ty luật, tư vấn công chứng", "văn phòng luật sư và công chứng"... bất chấp các quy định pháp luật nghiêm cấm.
TS. Hoàng Xuân Trung, chuyên gia pháp lý tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: "Hành vi này không chỉ vi phạm quy định của Luật Công chứng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, hợp đồng được công chứng có thể không có giá trị pháp lý, gây rủi cho cho cả bên mua và bên bán bất động sản. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính hiện nay (từ 20-30 triệu đồng theo Khoản 4 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp) được đánh giá là chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có công cụ thông tin kịp thời để phát hiện và xử lý các vi phạm có diễn biến ngày càng phức tạp này".
Ông Nguyễn Viết Thành, một công chứng viên lâu năm nhấn mạnh: "Công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa". Việc họ không tuân thủ pháp luật và tìm cách lôi kéo khách hàng bằng mọi giá có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới uy nghiêm và trật tự của ngành tư pháp".
Theo thống kê của Nhóm nghiên cứu Đại học Luật Quốc gia và Học viện tư pháp, trong năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý gần 50 trường hợp tại Hà Nội và TP. Hồ Chính Minh vi phạm điều cấm khi tổ chức hành nghề mở chi nhánh giao dịch ngoài trụ sở. Chủ yếu các sai phạm này tập trung tại các dự án bất động sản hoặc khu vực có nhiều giao dịch nhà đất.
Trước thực trạng các văn phòng công chứng "ma" đang hoạt động trái phép và gây nhiều hệ lụy, việc tăng cường giám sát và xử lý vi phạm là hết sức cấp thiết. Các giải pháp được đề xuất như xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất, tăng mức xử phạt và thành lập tổ công tác liên ngành cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Nhóm nghiên cứu của Đại học Luật Quốc gia và Học viện tư pháp đề xuất một số giải pháp cụ thể:
1. Xây dựng hệ thống theo dõi và giám sát trực tuyến hoạt động công chứng, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đất đai.
2. Tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm: Đề xuất mức phạt có thể lên đến 500 triệu đồng và tước quyền hành nghề vĩnh viễn đối với trường hợp tái phạm.
3. Thành lập đường dây nóng 24/7 tiếp nhận phản ánh từ người dân về các trường hợp vi phạm.
Tại một số địa phương đã có những mô hình quản lý hiệu quả đáng học tập. Chẳng hạn như tại TP. Hồ Chính Minh, Sở Tư pháp đã triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động công chứng, giúp minh bạch hóa quy trình và hạn chế được các hành vi vi phạm.
Mặc dù ngành công chứng đã được xã hội hóa mạnh mẽ theo xu thế phát triển chung, song bản chất đặc thù của hoạt động này là thay mặt nhà nước cung cấp dịch vụ công, từ đó đòi hỏi mỗi tổ chức hành nghề công chứng phải đặt yếu tố tuân thủ pháp luật, giữ gìn uy tín và hình ảnh của cơ quan nhà nước lên hàng đầu. Việc theo đuổi lợi ích kinh tế cần được cân nhắc và thực hiện trên nền tảng tôn trọng các giá trị cốt lõi của hoạt động công chứng - một lĩnh vực góp phần bảo đảm an ninh pháp lý và trật tự xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn