Bộ phim "Tiệc trăng máu" của đạo diễn Quang Dũng trở thành hiện tượng điện ảnh của năm 2020 không chỉ bởi doanh thu đáng thèm khát với phim Việt mà bởi nội dung của bộ phim chạm được vào "vùng cấm kỵ" đang ngày càng phổ biến của xã hội Việt Nam: Những kẻ lạ trong hôn nhân. Bài viết này không nhằm phân tích về bộ phim "Tiệc trăng máu" hay sự Việt hoá xuất sắc lời thoại của biên kịch dành cho một bộ phim có kịch bản nước ngoài. Bởi dù thế nào, ở phiên bản nào, Italia, Hàn Quốc hay Việt Nam thì bộ phim vẫn khai thác và phơi bày hố đen dục vọng thầm kín của con người, những thứ họ không thể chia sẻ với chồng hoặc vợ. Và đấy là một bi kịch!
Chúng ta liệu có thể an nhiên trước hiện trạng ly hôn ngày càng trở nên bình thường trong xã hội? Ly hôn dường như đang trở thành một nhu cầu đem lại hạnh phúc và sự tự do cho con người. Nó phủ nhận mọi giá trị truyền thống, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của gia đình, những thứ mà chúng ta từng coi là quý giá nhất.
Thế nên bây giờ, câu chúc phúc "Chúc hai em, hai cháu hạnh phúc đến răng long, đầu bạc" có lẽ lại trở thành một lời châm biếm sâu sắc. Bởi có thể, khi tấm ảnh tiệc cưới chưa kịp bay màu thì đôi uyên ương kia đã kịp mâu thuẫn, soạn thảo đơn ly dị và kéo nhau ra toà để "giải phóng đời nhau".
Tại sao lại như thế? Phải chăng nhận định "Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu" chính là tiền đề không thể sai và cần phải chứng minh? Phải chăng, xã hội càng văn minh thì đời sống gia đình càng bị đóng gói thành một phụ kiện có thể mua bán, gửi trả, huỷ đơn dễ dàng trên mạng?
Có thể là như thế nhưng không đúng hoàn toàn với mọi trường hợp. Ngoài những vấn đề gây tan vỡ hôn nhân thường gặp như tiền bạc, ái tình, dục vọng, sinh sản, giới tính... cuộc sống gia đình của con người hiện đại đang bị một hiện tượng phá hoại âm thầm khó phát hiện để sửa chữa: Càng sống chung, càng trở nên xa lạ.
Đó là một thực tế thật cay đắng. Chúng ta thức dậy, nhìn mặt nhau lấy lệ, rồi đưa con cái đi học theo phân công. Rồi chúng ta đốt cháy 8 tiếng tại công sở hay văn phòng. Sau giờ làm, những bữa nhậu nhẹt hay gặp mặt ngoài quán xá giam hãm chúng ta đến tận tối khuya.
Lúc này, khi chúng ta trở về nhà thì người phối ngẫu hoặc chưa về hoặc đã chìm trong giấc ngủ, còn chúng ta cũng rã rời thân xác, vội tìm lấy một cơn nồng để hồi phục năng lượng cho một ngày mai cũng như thế.
Hoặc một bối cảnh khác lạ hơn. Mọi thành viên trong gia đình thức dậy cùng nhau, trở về nhà cùng nhau. Họ vẫn có những bữa cơm thấy mặt thấy người. Thế nhưng, những thành viên đó hoàn toàn không có nhu cầu chia sẻ, trò chuyện với nhau.
Người vợ thì đắm đuối với những bộ phim lê thê, kịch tính trên TV. Người chồng lại duyên dáng, đáng yêu trong những nhóm chat trên điện thoại. Đám trẻ trong gia đình cũng "tự lập" sớm. Chúng có Vlog, You Tube và những mạng xã hội riêng phù hợp với tuổi của mình.
Kinh Thánh đã nói: "Khởi thuỷ là Lời". Lời có nghĩa là lời nói, là ngôn ngữ, là sự tiếp xúc nhân bản của con người với con người, qua đó tình cảm, sự hiểu biết lẫn nhau, sự thấu cảm được đan dệt thành mạng nhện rồi thành mạng lưới tình cảm gắn chặt mọi thành viên của gia đình với nhau.
Lời không phải là những tin nhắn vô hồn "Ck lấy hộ vk cốc nước" và "Okie vk iu" chuyển chiu chíu phần mềm nhắn tin hay Zalo rồi tan biến thứ thông tin mạng không níu kéo được một chút nhân tình. Đấy không phải là "Lời" mà Thiên Chúa tôn sùng, mà chỉ là một hình thái đã chết của "Lời" trong thời đại tân kỳ.
Hãy nhớ lại đi, khi chúng ta yêu nhau ngày xưa đó, chúng ta chỉ khao khát nhìn thấy mặt nhau, được nghe lời nói và hơi thở của nhau, được sưởi ấm hay ướp lạnh bằng bàn tay của nhau. Chứ không phải những avatar đầy hiệu ứng, những status đầy bóp nặn hay những thông điệp bị mã hoá.
Nhu cầu lớn nhất của con người là được chia sẻ, được người khác hiểu rõ mình. Nhưng đáng sợ thay, trái tim của con người lại đang thua xa thuật toán phân tích lạnh lùng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang điều khiển những mạng xã hội và thao túng cảm xúc của con người.
"AI hiểu hết tất cả" là sự thừa nhận cay đắng của con người hiện đại mặc dù chính chúng ta tạo ra chúng. Khi người vợ nấu được một món ăn ngon, chị không mong đợi những lời khen chân thành của đức ông chồng đang cắm đầu vào game hay mải chat chit trong một nhóm xã hội nào đó.
Chị cũng không mong đợi cảm xúc biết ơn, biết công sức của người đã nấu món ăn đó bởi cảm xúc đó làm sao có được khi anh ta vừa ăn vừa mải lướt điện thoại, tủm tỉm với những lời chat vô nhân hoặc giật mình khi một thông điệp nhạy cảm nào xuất hiện.
Thế nên, người vợ đó thà nấu xong, chụp ảnh thật đẹp và đăng lên Facebook hay Zalo. AI của mạng xã hội sẽ biết cần hiển thị bức ảnh đó ở đâu, với "người dùng" nào để nhận được hàng rổ ngón tay cái, hàng chuỗi tim đỏ chót và vô số những lời có cánh "có dấu hoặc không có dấu". Chị được an ủi cho công sức của mình, thậm chí sung sướng đến lịm người và ngập vào một cảm giác "nghiện" đầy êm ái. Dần dần như thế, sự giao tiếp ngoài đời thực và nhu cầu thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình bị triệt tiêu hoàn toàn, như những nốt ruồi, nốt mụn trên mặt được xử lý qua app chụp ảnh.
Cứ như thế, chúng ta đang nấu những "bữa tiệc máu" cho chính mình, hàng giờ, hàng ngày, lấy nguyên liệu từ chính gia đình mình. Chúng ta xoá sạch mọi ký ức, kỷ niệm chung về nhau để rồi một ngày kia thức dậy thấy mình đang nằm cạnh một kẻ hoàn toàn xa lạ nhưng có những ràng buộc chỉ có thể tháo bỏ ở pháp đình.
Những nhân vật góp phần làm nên bi kịch "Tiệc trăng máu" đã đốt cháy hôn nhân của mình bằng sự từ chối giao tiếp trong gia đình. Nhưng dù sao nó cũng chỉ là một kịch bản ăn khách nhất thời hay một hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình trong xã hội hiện đại. May mắn thay, chúng ta vẫn còn những cội rễ bám chặt vào truyền thống chở che.
Chúng ta vẫn có những khoảng thời gian đoàn viên như Tết Nguyên đán, thời điểm để mọi người buông bỏ công việc, ảo giác trên thế giới mạng để trò chuyện thẳng mặt người, thắt lại những sợi dây tình cảm lơi lỏng bấy lâu. Và chừng nào chúng ta còn thông cảm, chia sẻ được với nhau, chừng đó rường cột gia đình còn tồn tại.
Xã hội đang thay đổi rất nhanh chóng nhưng giá trị của gia đình là bất biến. Không thể vì xã hội tràn ngập sóng 4G, khiến việc kết nối dễ dàng hơn bao giờ hết mà chúng ta từ chối giao tiếp bằng lời nói có tốc độ 125 từ/phút. Bởi lời nói của chúng ta có tình cảm, quan tâm và thấu cảm, những thứ mà phi nhân giới bất lực trong việc mô phỏng, thay thế.
Một chiếc điện thoại có thể lưu giữ hàng triệu thông tin của chúng ta trên "đám mây" nhưng nó không thể lan toả niềm vui, chia vơi nỗi buồn, lưu giữ cảm xúc ký ức hay đem lại sự ấm áp trên cổ, trên gáy khi người chồng nhẹ nhàng bóp cho người vợ đang mải nấu mâm cỗ cúng ông bà ngày Tết.
Vậy nên, thay vì trở thành những diễn viên tiếp theo của "Tiệc trăng máu", chúng ta hãy nhìn vào mắt nhau trong phút giao thừa và nói những lời của con người!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn