Nỗi lòng của những đứa con "khó bảo"

18:15 | 03/06/2022;
Những câu chuyện của Venn và FU đến từ cộng đồng LGBTIQ+ (đồng tính, đa dạng giới tính, song tính, chuyển giới, dị tính, liên giới tính) đã khiến người đối diện rưng rưng…

"Con là con gái"

Veen vừa tròn 20 tuổi vào tháng 3/2022- là một người đồng tính nữ đến từ Tây Ninh Pride- kể với PV Báo PNVN, từ lớp 4, cô đã phát hiện ra mình thích một bạn nữ học chung. Nhưng phải đến khi lên cấp hai, cô mới biết rằng chuyện đó hơi khác với mọi người. Đến khi vào THPT, Venn bắt đầu tham gia tổ chức về quyền bình đẳng, dự án "trường học cầu vồng" và hoạt động nhiều về giới…

Venn chia sẻ: "Có lần tôi quậy đến mức phải chuyển trường, đó là vào năm học lớp 8. Mẹ giấu ba chuyện này bởi ba tôi vốn có tư tưởng phong kiến, độc đoán. Có lần ngồi nhậu với ba, ba tôi bỗng bất ngờ hỏi: ‘Con là con trai hay con gái?’. Thoáng giật mình, tôi muốn nói thật nhưng lại không muốn ba buồn vì cực khổ khi nuôi con gái 19 tuổi nhưng lại phải thất vọng vì nó không như mình mong muốn nên tôi đã trả lời ‘Con là con gái…’. Ba tôi không biết rằng câu nói đó là sự thật, nhưng còn vế sau, tôi muốn nói với ba song vẫn giữ lại trong lòng ‘nhưng con cũng yêu con gái’".

"Thật ra, cho dù bây giờ có nói cho ba biết về giới tính thật thì cũng không quan trọng nữa vì thật ra, tất cả mọi người đều đã biết. Cả nhà có lẽ cũng biết nhưng không hoàn toàn chấp nhận bởi thi thoảng ba vẫn nói bóng gió "chắc tao mất giống quá", "đến 25 tuổi mà con chưa có bồ là ba sẽ gả cho…"… Thật lòng, tôi muốn được làm những thứ mình thích nhưng ba mẹ lại cần những thứ khiến họ an lòng nên tôi đành tạm gác lại cái tôi của mình"- Venn xúc động chia sẻ.

"Tao đẻ ra mày mà không nói được mày à?"

Còn FU một người đồng tính nam, sinh năm 1998 đến từ TPHCM, một kỹ sư liên quan đến máy móc, thiết bị. FU mở đầu câu chuyện bằng tâm trạng khá bùi ngùi: "Lĩnh vực tôi làm việc đa số là những người ‘chuẩn manly’ nên khi xuất hiện một người nữ tính như tôi, mọi người đều thấy rất lạ và đôi khi không giấu được sự kỳ thị. Thậm chí, có người còn đối xử với tôi nặng nề hơn cả sự kỳ thị".

"Kỳ thị chỉ tạo ra hai loại giá trị, đó là: Khoảng cách và đau khổ. Chỉ có tha thứ cho nhau, chúng ta mới lấp đầy khoảng cách và xóa nhòa đau khổ để đến bên nhau và yêu thương nhau…". Câu nói này tác động vô cùng mạnh mẽ đến tôi. Tôi tập chấp nhận cả sự kỳ thị, nhờ đó tôi trở nên mạnh mẽ hơn.

FU

"Tôi bắt đầu làm thêm từ hồi học THPT. Khi đi làm, tôi luôn phải xuất hiện với tâm thế một là phải nói thật tôi là ai, hai là phải im lặng; nên phớt lờ hay chống trả lại sự kỳ thị? Tôi chỉ muốn mọi người đừng coi những người như tôi là đặc biệt hay dị biệt bằng những câu nói kỳ thị ‘nhìn nam không ra nam, nữ không ra nữ’... Thực tế, khi tôi lựa chọn im lặng thì luôn có những người cố gắng bóc trần sự thật tôi là ai. Họ cố tình tước đi quyền của mỗi người khi chỉ thẳng vào tôi và nói ‘nhìn như bê đê’, ‘nó đồng tính đấy’… Dường như không ai hiểu, tôi muốn được hòa nhập với mọi người như bao người bình thường khác!"- FU tâm sự.

Nỗi lòng của những đứa con "mang tội" - Ảnh 3.

Tác phẩm sau khi tham gia lớp viết của FU và Venn.

FU cũng chưa nói thật với gia đình cậu là ai vì mỗi lần hàng xóm bàn tán về FU lại khiến ba má cậu buồn thấy rõ. Có lần hàng xóm hỏi thẳng ba "nhà ông có thằng con trai nhìn như bê đê đúng không?" hay họ nói thẳng với ba "nhà có mỗi thằng con trai mà bê đê rồi"… khiến ba của FU buồn không giấu nổi. Thậm chí, có lần ngày 29 Tết, ba má FU còn cãi nhau gay gắt chỉ vì FU không chịu cắt đi mái tóc dài. "Chỉ là mái tóc nhưng mọi người lại suy diễn rất nhiều thứ và bàn tán kinh khủng. Có ông hàng xóm còn qua tận nhà chỉ để xem mái tóc của tôi khiến ba tôi rất khó chịu"- FU kể.

"Ba rất hay nhắc đến chuyện có bạn gái, lấy vợ… nên tôi đành nói dối là tôi đã có bạn gái rồi. Mỗi lần như vậy, ba thường hỏi rất kỹ ‘bạn gái con trông như thế nào, cao hay gầy?’. Từ một lời nói dối ‘có bạn gái’ mà tôi phải nói dối quá nhiều thứ dù không hề muốn vậy. Thậm chí, ba giận vì tôi không cắt tóc nên không nói chuyện với tôi mà thường trao đổi thông qua má. Má chưa bao giờ gắt gỏng với tôi nhưng mái tóc dài của tôi cũng khiến má nổi quạu và nói tôi phải cắt tóc ngay đi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, tôi để tóc dài không ảnh hưởng đến ai, đó là quyền của tôi vậy mà ba má lại cho rằng ‘con cái thì phải nghe lời cha mẹ, phải làm theo ý cha mẹ, không được làm theo ý mình’. Đỉnh điểm là khi má nói ‘tao đẻ ra mày mà không nói được mày à?’"- FU chia sẻ với PNVN về tình huống khiến cậu cảm thấy đơn độc trong "cuộc chiến" muốn được sống là chính mình.

Venn và Fu là 2 trong số 20 thành viên đến từ cộng đồng LGBTIQ+ (có ưu tiên nhóm người chuyển giới) tham gia lớp tập huấn về kỹ năng viết phi hư cấu do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức. Khóa tập huấn hướng đến mục tiêu trang bị cho cộng đồng kỹ năng cơ bản về khai thác câu chuyện, phỏng vấn và hình thành tác phẩm viết hướng đến công chúng- một công cụ đơn giản nhưng mạnh mẽ mà bất cứ cá nhân LGBTIQ+ nào cũng có thể sử dụng để đóng góp cho phong trào chung của cộng đồng.

Tập huấn nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án thúc đẩy tiếp cận dịch vụ công của người chuyển giới do SCDI triển khai từ năm 2017.

* 24/11/2015 - Quyền của người chuyển đổi giới tính được thừa nhận

Bộ luật dân sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Điều 37. Chuyển đổi giới tính quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật". Như vậy, sẽ cần phải xây dựng Luật chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, từ 01/01/2017, Việt Nam đã cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, tuy nhiên cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch thế nào… thì chưa được quy định cụ thể

Hồ sơ dự án Luật Chuyển đổi giới tính

2022 - 2 điểm mới trong dự thảo:

- Thêm lựa chọn không yêu cầu can thiệp y tế để được công nhận là người chuyển đổi giới tính (CĐGT)

- Bổ sung Chính sách về xác định quyền, nghĩa vụ của người CĐGT sau khi được công nhận là người CĐGT

Các điểm đang thảo luận/vận động:

- Điều kiện độc thân

- Tuổi can thiệp y tế: hormone và phẫu thuật chuyển đổi

Mong đợi của cộng đồng người chuyển giới

- Các điểm mới trong dự thảo nhận được sự ủng hộ của công chúng

- Dự thảo tiếp tục lấy ý kiến của cộng đồng

- Dự thảo được trình vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 2022 hoặc năm 2023

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Quản lý chương trình hỗ trợ cộng đồng SCDI

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn