Nổi mụn cứng vùng kín là do đâu?

10:26 | 21/08/2024;
Nổi mụn cứng ở vùng kín là tình trạng phổ biến, hầu hết các nguyên nhân gây ra đều không đáng lo ngại.

Mụn cứng ở vùng kín thường xuất hiện xung quanh phần ngoài của cơ quan sinh dục. Các mụn này có thể do lông mọc ngược, nang lông bị nhiễm trùng, u nang, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục và các tình trạng sức khỏe khác gây ra.

Mụn cứng ở vùng kín có thể được điều trị bằng các biện pháp khắc phục tại nhà và thực hành vệ sinh tốt, nhưng một số mụn khác cần được điều trị y tế.

Dưới đây là 7 nguyên nhân khiến vùng kín nổi mụn cứng:

1. Lông mọc ngược

Lông mọc ngược là nguyên nhân phổ biến gây ra các mụn cứng ở vùng kín. Cạo, tẩy lông và nhổ lông vùng kín là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng lông mọc ngược.

Lông mọc ngược phát triển khi nang lông cong xuống và ẩn bên trong da. Điều này dẫn đến "phản ứng dị vật" đặc trưng bởi tình trạng viêm, sẩn ngứa và mụn mủ, tăng sắc tố (da sẫm màu).

Nếu mụn cứng do lông mọc ngược, bạn không nên nặn hay gãi chúng vì sẽ làm vấn đề trầm trọng hơn. Tình trạng này có thể tự khỏi.

Để ngăn ngừa lông mọc ngược, bạn không nên cạo khi da khô, cạo theo hướng lông mọc và sử dụng kem cạo râu. Đảm bảo thay lưỡi dao cạo thường xuyên và không bao giờ sử dụng dao cạo đã cùn.

2. U nang âm hộ

U nang là những cấu trúc giống như túi chứa đầy chất lỏng có thể phát triển ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể. Phần lớn các u nang không đáng lo ngại, nhưng đôi khi chúng có thể là ung thư hoặc tiền ung thư. Do đó, điều quan trọng là bạn nên thăm khám sức khoẻ định kỳ.

U nang tuyến Bartholin - đây là khối u không phải ung thư, hình thành ở cả hai bên môi lớn. Ước tính có khoảng 2% phụ nữ phát triển ít nhất một khối u trong đời. Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 20.

Loại u nang này xảy ra khi tuyến Bartholin - tuyến chịu trách nhiệm bôi trơn tình dục bị tắc nghẽn. Nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc nhiễm trùng E. coli.

U nang tuyến Bartholin phát triển rất chậm và thường không đau, do vậy hầu như mọi người đều không thấy xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, một số phụ nữ báo cáo rằng họ cảm thấy khó chịu nhẹ hoặc khó tiểu.

Các u nang không phải ung thư phổ biến khác có thể hình thành ở âm hộ bao gồm:

+ Milia: Các nang nhỏ, vô hại trông giống như mụn đầu trắng và có xu hướng tự lành

+ U nang biểu bì: U nang cứng, không đau và phát triển chậm còn được gọi là u nang bã nhờn hoặc nang keratin

+ U mỡ: U nang không đau và phát triển chậm, mềm khi chạm vào

+ U hạt sinh mủ: Một nốt sẩn đỏ phát triển nhanh, dễ chảy máu và có thể đóng vảy hoặc nhẵn

3. U nang âm đạo

U nang âm đạo là tình trạng phổ biến. Nguyên nhân gây u nang âm đạo có thể do chấn thương, sinh nở, phẫu thuật, tuyến bị tắc hoặc khối u không phải ung thư ở niêm mạc âm đạo. Đôi khi tình trạng này cũng không thể xác định được nguyên nhân.

Một số loại u nang âm đạo như:

+ U nang ống Gartner: Đây là u nang bẩm sinh (có từ khi sinh ra) thường không được phát hiện cho đến khi lớn tuổi.

+ U nang Mullerian: Một u nang khác hình thành từ vật liệu phôi thai còn sót lại có thể không có triệu chứng nhưng cũng có thể dẫn đến chảy máu âm đạo hoặc khó tiểu.

Phần lớn nang ống Gartner, nang Müller đều có kích thước nhỏ, không đau và không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn không nên nặn hoặc chọc u nang. Để làm dịu u nang tại nhà, bạn có thể thử ngâm mình trong nước ấm trong 10 đến 15 phút vài lần một tuần. Thêm 1/4 cốc muối Epsom có thể giúp giảm đau thêm.

4. U mềm lây

Bệnh u mềm lây là một bệnh nhiễm trùng do virus có thể gây ra các nốt mụn nhỏ, nổi lên ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Có thể chỉ có một hoặc cả một cụm mụn. Mặc dù chúng thường không đau, nhưng có thể trở nên khá ngứa.

U mềm lây có xu hướng nhẵn và cứng với một vết lõm ở giữa. Chúng có thể có màu hồng, trắng hoặc màu da. Nhiễm trùng lây lan qua tiếp xúc da kề da tình dục hoặc không tình dục. Nó thường gặp nhất ở trẻ em, người lớn hoạt động tình dục và những người bị suy giảm miễn dịch.

U mềm lây thường khỏi trong vòng 6 đến 9 tháng. Hoặc không bạn cũng có thể điều trị bằng liệu pháp lạnh, điều trị tại chỗ với các thành phần như cantharidin, kali hydroxit, imiquimod, iốt và axit salicylic,...

5. Mụn cóc sinh dục

Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến, do virus papilloma (HPV) gây ra. 85% đến 95% mụn cóc sinh dục là do chủng HPV 6 và 11 gây ra.

Có ít nhất 100 loại HPV khác nhau. Hầu hết virus HPV được coi là tương đối vô hại. Những một số loại có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung.

Mụn cóc trông giống như những khối u thô ráp, có màu da hoặc màu trắng xám trên da. Mụn cóc sinh dục thường có hình dạng giống súp lơ, nhưng một số thì phẳng và thường không gây đau. Thỉnh thoảng, loại mụn này gây chảy máu nhẹ, cảm giác nóng rát, khó chịu, ngứa hoặc kích ứng ở bộ phận sinh dục.

Một số mụn cóc rất nhỏ. Tuy nhiên, bạn thường có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy chúng. Đôi khi mụn cóc tập trung thành từng nhóm hoặc trở nên rất lớn.

Các cách điều trị mụn cóc sinh dục bao gồm: liệu pháp lạnh; phẫu thuật cắt bỏ mụn cóc bằng kéo cắt tiếp tuyến, cạo cắt tiếp tuyến, nạo, laser hoặc phẫu thuật điện; thuốc chống phân bào (podofilox) , dung dịch hoặc gel bôi tại chỗ để loại bỏ mụn cóc; kem Imiquimod (3,7%).

Mặc dù khi đã loại bỏ mụn cóc sinh dục, loại mụn này vẫn có thể tái phát. Vì hầu hết các chủng HPV tồn tại trong cơ thể rất lâu, thậm chí kéo dài suốt cả cuộc đời.

6. Bệnh Fox-Fordyce

Bệnh Fox-Fordyce là một rối loạn không phổ biến gây ra tình trạng viêm mãn tính của tuyến mồ hôi apocrine. Đây là những tuyến được tìm thấy ở những vùng có nhiều nang lông, đặc biệt là bẹn, nách và xung quanh núm vú.

Trong thời gian bùng phát, các tuyến apocrine trở nên to ra và bị viêm gây ra các nốt sần ngứa dữ dội, cứng và có màu da trên môi lớn.

Vì tuyến apocrine chịu trách nhiệm sản xuất mồ hôi liên quan đến căng thẳng, nên bùng phát có thể do căng thẳng về mặt cảm xúc và những thay đổi nội tiết tố. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng triệt lông bằng laser có thể gây ra tình trạng này ở một số người.

7. Polyp ở âm đạo

Polyp sinh dục có thể hình thành trong tử cung (polyp nội mạc tử cung), trên cổ tử cung hoặc ít phổ biến hơn là trong âm đạo. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ polyp ở vùng kín như béo phì bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tuổi, những thay đổi trong hormone sinh dục steroid.

Polyp có màu từ đỏ tím đến xám hoặc trắng. Kích thước của khối u cũng khác nhau. Một số triệu chứng khi có polyp ở tử cung như khí hư âm đạo và chảy máu giữa các kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.

Polyp nhỏ hoặc không gây ra triệu chứng không cần điều trị. Đối với những polyp to và có nguy cơ ác tính thì cần phẫu thuật.

Có thể phòng ngừa mọc mụn cứng ở vùng kín không?

Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn tình trạng mọc mụn cứng ở vùng kín. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng một số biện pháp như:

- Tránh mặc quần hoặc đồ lót bó sát

- Chọn đồ lót làm bằng cotton hoặc chất liệu thoáng khí.

- Rửa vùng kín hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh nhẹ

- Thực hiện tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng mỗi khi quan hệ tình dục.

- Thay ngay quần áo ướt đẫm mồ hôi

- Tỉa lông vùng kín thay vì cạo.

- Thay băng vệ sinh và tampon thường xuyên trong thời kỳ có kinh nguyệt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn