Đến hẹn lại lên, tiệc cuối năm của nhiều công ty thường có những tiết mục “cây nhà lá vườn” do các nhân sự phụ trách. Đặc biệt là trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, một số công ty không tổ chức được tiệc cuối năm nên năm nay lại càng hoành tráng, đòi hỏi cao hơn cho các tiết mục của nhân viên.
Nhưng ai cũng biết để có một tiết mục văn nghệ hay ho, đẹp đẽ chưa bao giờ chuyện dễ dàng. Những người tham gia hoạt động này phải bỏ không ít thời gian, công sức cho hoạt động này dù cuối năm luôn là thời gian bận rộn. Có lẽ vì vậy mà nhắc đến việc tập văn nghệ cho tiệc công ty, nhiều người không lấy gì làm vui vẻ.
Dù ở ngành nghề nào thì cuối năm cũng rất bận rộn, tăng ca là chuyện bình thường. Nhưng bên cạnh tăng ca vì công việc, nhiều người còn phải ở lại để tập văn nghệ, chuẩn bị cho tiết mục trong tiệc công ty.
Hải Nam - nhân viên một công ty tài chính là một trường hợp điển hình. Ngày nào anh cũng phải ở lại tăng ca từ 18 - 19h30, trong đó 1 - 2 buổi là giải quyết công việc còn 3 - 4 buổi để bàn tiết mục văn nghệ với đồng nghiệp trong phòng.
Hà Trang (SN 1996, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) cùng đồng nghiệp cũng phải tranh thủ buổi tối, sau khi tan ca để tập luyện. Mỗi tuần nhóm cô sẽ tập 2 buổi là thứ 3 và 5 để tiết kiệm tiền biên đạo và không ảnh hưởng nhiều đến công việc riêng. Mỗi buổi tập muộn nhất là kéo dài đến 10h đêm.
Trong khi đó Lan Anh (SN 2000) đang làm việc trong ngành kiểm toán thì cùng đồng nghiệp tập văn nghệ vào chiều chủ nhật, khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Nguyên nhân là bởi cuối tuần thảnh thơi hơn nên sẽ dễ tập trung đông đủ mọi người hơn.
Thực tế không phải ai cũng có năng khiếu hay hào hứng với việc tập văn nghệ ở công ty. Tuy nhiên họ vẫn phải tham gia vì nhiều lý do khác nhau.
Ở công ty Hải Nam, tiết mục văn nghệ sẽ tính vào chỉ tiêu khen thưởng tháng 11 của team. Nếu không đạt sẽ bị khiển trách vì không có tinh thần tập thể, thiếu gắn kết với các đồng nghiệp nên mọi người phải tham gia.
Với 2 buổi tập, Hà Trang cũng phải báo với gia đình và sắp xếp công việc riêng của mình. Cô cho biết 6h tan làm đã mệt lắm rồi, bây giờ còn phải tập văn nghệ nên càng thấy uể oải và kiệt sức nhưng đây là việc tập thể nên vẫn cố gắng.
Minh Trang - nhân viên văn phòng tâm sự rằng mình không thể nhớ nổi các tiết mục văn nghệ hàng năm. Bởi lẽ cô còn bận phải suy nghĩ, lựa chọn và tập luyện để có một tiết mục đặc sắc. Trong khi đó công việc vẫn còn chất đống nên mỗi dịp này Minh Trang đều thấy rất áp lực. Cuối cùng mọi người quyết định thuê biên đạo để được hướng dẫn biểu diễn, tập mệt một chút nhưng còn hơn không biết làm gì.
Tập văn nghệ chắc chắn sẽ tốn một khoản không nhỏ, tiết mục càng đầu tư thì lại càng tốn kém. Hầu hết các công ty đều sẽ trích chi phí hỗ trợ nhưng thực tế thì con số chỉ mang tính hỗ trợ, nếu thiếu thì nhân sự vẫn phải tự bỏ thêm.
Lan Anh cho biết ở cơ quan mình, mỗi phòng được hỗ trợ cố định 5 triệu đồng cho tất cả các khoản. Nhóm của cô vẫn đang trong giai đoạn tập luyện, chưa tính toán cụ thể nên chưa rõ sẽ phải đóng thêm tiền hay không.
Còn công ty Hà Trang, ngoài tiền hỗ trợ còn trao giải cho các tiết mục văn nghệ nên ai cũng muốn đầu tư hoành tráng. Các khoản chi cơ bản gồm có thuê biên đạo, trang phục, đạo cụ, trang điểm,... và phải hô hào mọi người đóng góp thêm. Nhờ đông người nên số tiền đóng thêm cũng không quá lớn, chỉ khoảng vài trăm nghìn. Về phần thưởng thì thường là tiền mặt nên nhóm của Hà Trang sẽ bù vào chi phí phát sinh hoặc để đội văn nghệ liên hoan.
Tiệc cuối năm được tổ chức để tổng kết một năm đã qua và chuẩn bị đón năm mới còn văn nghệ mang tính giải trí, làm tăng không khí nhộn nhịp. Những hoạt động này chỉ vui khi được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, hơn nữa không phải ai cũng có năng khiếu trong lĩnh vực múa hát. Nhưng bây giờ đây gần như là hoạt động bắt buộc, không tham gia thậm chí còn bị khiển trách. Có lẽ đây cũng chính là lý do mà một số nhân viên luôn tìm cách trốn văn nghệ, tránh tiệc cuối năm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn