Nỗi niềm 'dạy thêm, học thêm' của một giáo viên

14:02 | 13/06/2016;
Một giáo viên viết tâm thư, muốn qua báo Phụ nữ Việt Nam gửi tới Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chia sẻ nỗi niềm về chuyện “dạy thêm, học thêm”.
“Chào bác Thăng kính mến!
 
Hôm nay tôi viết thư này đề cập đến vấn đề giáo dục và dạy thêm. Mong nhận được phản hồi từ bác.
 
Theo tôi nghĩ quyền làm thêm dựa trên chuyên môn của mình là việc không sai trái với bất kỳ ngành nghề nào và người nào. Việc làm thêm nếu không sai vậy nếu luật cấm điều không sai thì luật sai hay người làm luật sai, hay người làm thêm sai? Ai sai sửa người ấy. Luật sai sửa luật, người làm luật sai kỷ luật điều chỉnh tư duy, người làm thêm sai thì phạt người sai phạm. Đằng này một người sai mà cấm tất cả. 
 Quy định cấm dạy thêm gặp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi thực tế nhu cầu xã hội. Ảnh minh họa internet.
Tôi chia học thêm có 4 dạng:

- Thứ nhất, học sinh thấy mình thiếu kiến thức cần bổ sung khi trên lớp thầy cô luôn phải dạy tới để theo kịp chương trình.

- Thứ hai, cha mẹ thấy con mình thua sút bạn bè cần cho con học thêm.

- Thứ ba, thầy cô thấy học sinh còn yếu môn nào đó, cần “vá chổ hổng” ngay nếu không sẽ mất căn bản nên đề xuất phụ huynh.

- Thứ tư là do giáo viên o ép, gạ gẫm học thêm đề kiếm lợi, nếu không đì học sinh trên điểm số.

Bốn vấn đề trên duy chỉ có cái thứ tư ta cần lên án và xử lý. Vấn đề thứ hai cần nhắc nhở phụ huynh lượng sức con em mình đừng gò ép học quá nhiều. Hai vấn đề còn lại là nhu cầu hiển nhiên, là điều cần thiết cho học sinh. Chả lẽ học sinh hổng kiến thức không thể tự chọn thầy cô mình có thể tiếp thu để bồi dưỡng? Rồi giáo viên thấy học sinh mình học kém môn nào đó mà bỏ chương trình và cả lớp để ôn cho từng em hay dạy theo chương trình rồi mặc các em? Đề cao giáo dục chất lượng nhưng chúng ta lại tự ngăn cản bồi đắp chất lượng bằng lệnh cấm liệu có phù hợp? Ai sai phạm xử lý chứ không thể dẹp bỏ cả những điều cần và nên.

Chúng ta quy trách nhiệm trẻ nhỏ không có thời gian vui chơi, sinh hoạt, bị bắt học nhiều cho dạy thêm là đúng hay sai? Ngoài một bộ phận giáo viên o ép thì hầu hết là tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh.

Ta thử bỏ việc dạy thêm qua bên và cùng xem xét: Trẻ học ở trường cả ngày, về nhà là 5-6 giờ, có trẻ 7-8 giờ mới về tới nhà vì đợi phụ huynh tan ca đi đón. Về nhà ăn cơm, tắm rửa, quây quần bên gia đình là mệt đứt hơi đi ngủ. Thử hỏi trẻ thời gian đâu học hành, soạn bài, làm bài, ôn bài, chuẩn bị bài, giải trí?! Rồi hôm sau lên trường kiến thức mới lại đến thì làm sao mà trẻ nắm được kiến thức. Áp lực quá nhiều từ nhà trường chứ không phải dạy thêm. Khi thấy con em mình yếu phụ huynh liền tìm đến học thêm. Nhưng với khung thời gian như thế lại ráng chen chúc thời gian học thêm thì học sinh càng không có thời gian coi bài sau khi học thêm nên tiến triển không được bao nhiêu. Đó là lý do đầu tiên giáo dục chất lượng ngày càng xuống. Đổ thừa thầy cô được sao hay do chương trình học dày đặc? Mà chương trình ấy từ đâu ra? Từ trên xuống hay nhà trường? Phụ huynh đăng ký chọn cho con hay các em chọn? Đấy, vấn đề đó mà giải quyết mới xong chứ đi cấm dạy thêm khi nó là nhu cầu đúng đắn thì chẳng khác nào “bực mình ruồi mà giết kiến”.

Chương trình dạy học ngày càng nặng thêm khi các em vẫn thế, não bộ vẫn thế, có khác cha mẹ là bao? Thử hỏi có ai gom được cả kiến thức nhân loại? Tài ba như Albert Einstein cũng không nắm hết kiến thức nhân loại. Mà toàn dân có phải thiên tài hết đâu, nghĩa là dạy bình dân thì dạy lược bỏ rất nhiều những kiến thức không dùng tới. Nghĩa là ta phải chấp nhận bỏ đi những kiến thức không cần thiết, kiến thức cũ, lỗi thời, chỉ học những thứ cần thiết, mới hơn. Ai trong chúng ta cũng học để ra xã hội sử dụng và xã hội cần gì ta học cái đó thôi.

Có ai ra chợ mua rau cần tích phân hay giải bất đẳng thức hay phương trình? Trẻ ra xã hội cần “tính thời gian thùng nước đầy”, hay “khi nào 2 xe ngược chiều gặp nhau”,...? Nghe có vẻ cần nhưng chưa bao giờ áp dụng ngoài thực tế tại sao ta không bỏ đi. Hãy để những ai học chuyên sâu hay chuyên ngành dùng tới học. Bắt trẻ học nhưng không sử dụng vậy học để quên hay học để làm trẻ phân tâm? Khi dạy cái gì ta phải nghĩ xem bản thân chúng ta có sử dụng cái ấy ngoài xã hội không hãy dạy.

Văn cũng vậy, trẻ có phải nhà báo hay nhà văn đâu mà bắt trẻ viết thật dài, thật hay, thật giàu cảm xúc. Quan trọng là trẻ nói được những gì mình thấy, mình hiểu, mình cảm nhận. Dù sự thật ấy không đẹp đẽ nhưng phản ánh được lối sống, con người, xã hội qua đôi mắt trẻ. Từ đấy biết mà thay đổi môi trường, bản thân, cha mẹ mà trẻ tiếp xúc để trẻ cảm nhận đúng hơn ... Đằng này viết văn phải vẽ vời, thiêu dệt thật đẹp dù không đúng sự thật, nếu không sẽ bị cho là thô tục, thiếu tính nhân văn, sai lệch nhận thức. Chẳng khác nào ta dạy trẻ nói điều dối trá ngay từ nhỏ?! Ra xã hội chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, viết thì có mẫu văn bản cả rồi. Có khi nào nói chuyện với người khác ta làm một bài văn mở bài, thân bài, kết luận? Cái đó để cho ai làm báo chí, nhà biện luận, luật sư, chính trị gia, nhà văn thì hợp hơn...

... Nhà trường dạy người ra làm việc thua người học nghề trong công ty thì sao tuyển được. Tại sao vậy? Bởi người học nghề trong công ty là học thực tế, học trong xã hội. Còn trong trường chỉ dạy trọng tâm lý thuyết, có thực hành nhưng không phải thực tế; lý thuyết nhiều mà thực hành ít, cao siêu thì lắm mà ứng dụng công việc 10% là cùng, 90% còn lại không được dạy vì phải thực tế mới học được, thiếu va chạm. Thử hỏi cạnh tranh thế nào cho được lao động các nước, đáp ứng thế nào yêu cầu doanh nghiệp?

Tôi nghĩ muốn giỏi cứ giao cho doanh nghiệp dạy, doanh nghiệp yêu cầu cần tuyển 1.000 nhân sự ngành nào đó trong 3-4 năm sau thì tính toán tuyển sinh sao cho 3-4 năm sau có 1.200 nhân sự cung cấp phòng trường hợp bỏ nghề, chuyển nghề (tất nhiên phải phân bổ tính toán theo nhu cầu từng địa phương khi tuyển sinh). Tuyển xong giao cho doanh nghiệp đào tạo và sử dụng như người lao động trong thời gian học. Doanh nghiệp được lợi là có lao động giá rẻ và có dư thời gian theo dõi để chọn những người phù hợp, giữ lại khi ra trường. Doanh nghiệp chỉ cần trả 20-30% lương chính thức trong khi sinh viên cũng thích. Vì vừa được trải nghiệm thực tế ngành mình chọn xem có thật sự phù hợp không, vừa làm ra tiền từ công sức mình từ lúc chọn ngành vào học.

Tóm lại do nhìn nhận chưa đúng, cải cách chưa đúng. Chương trình quá nặng và thừa cũng như thiếu kiến thức thực tế và dạy trong thực tế. Dẫn đến học sinh không tiếp thu nổi rồi phải học thêm, chạy điểm, mua bằng... Như vậy mà đổ lỗi cho dạy thêm liệu có đúng và giải quyết được vấn đề. Cả mấy năm cấm rồi vấn đề đã giải quyết được chưa?

Tôi không học cao như các tiến sĩ, không khả năng hoạch định hay biên soạn sách giáo khoa hoặc có thẩm quyền thay đổi một chương trình giáo dục vốn chới với không hướng đi. Nhưng tôi có nhận định như vậy mong đóng góp cho xã hội để có một cách làm đúng giúp giáo dục tốt hơn.

Thân chào Bác Thăng và mong bác có ý kiến với Bộ GD&ĐT".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn