Nơi phụ nữ chưa từng bị bạo hành

14:44 | 25/07/2016;
Người Chăm ở Ninh Thuận vẫn theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò rất lớn trong gia đình và luôn dành được sự tôn trọng đặc biệt từ cánh nam giới. Trong gia đình người Chăm, không có chuyện người vợ bị chồng bạo hành.

Ninh Thuận là địa bàn có đông người Chăm sinh sống nhất cả nước, hơn 60 ngàn người. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng cộng người Chăm vẫn bảo lưu bản sắc truyền thống của riêng mình, nổi bật là chế độ mẫu hệ, thể hiện trong nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế, giáo dục, hôn nhân - gia đình và thừa kế tài sản…

Người phụ nữ Chăm giữ vai trò quan trọng trong những việc đại sự của gia đình như: hôn nhân, tang lễ, quản thủ tài sản hay giáo dục con gái. Trong hôn nhân, con gái đến tuổi lập gia đình, thì người phụ nữ chủ động trong việc hỏi chồng, cưới chồng. Con cái sinh ra nhận bên “mẹ” làm nội, mang họ mẹ. Cho dù người đàn ông có vai trò chính trong lao động sản xuất nhưng chủ gia đình luôn là người đàn bà cao tuổi. Người ra các “quyết sách” lớn và “cầm cương” trong gia đìn phải là người vợ.

01.JPG
Người phụ nữ Chăm đóng vai trò là trụ cột và là người đứa ra các "quyết sách" lớn trong gia đình

Vì theo chế độ mẫu hệ nên nhà gái tổ chức cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ. Nếu người Kinh đi đón dâu thì người Chăm đi đón rể. Việc cưới hỏi của người Kinh hầu hết do “nhà trai” lo liệu, với người Chăm việc đó hoàn toàn do bên nhà gái. Sau khi “cưới rể” về, việc dựng nhà, làm cửa cho con cũng do một tay nhà gái lo.

Người Chăm cũng quy định, chỉ có con gái được thừa kế tài sản, đặc biệt người con gái út phải nuôi dưỡng cha mẹ già nên được phần chia tài sản nhiều hơn các chị. Trong trường hợp hai vợ chồng ly hôn, tất cả con cái đều ở với mẹ. Người con trai Chăm sau khi về nhà vợ ở, thân phận giống như con gái về làm dâu của người Kinh. Khác biệt là nếu có xẩy ra ly hôn, người con trai ra đi tay trắng, hoàn toàn không được chia của cải.

“Người phụ nữ giữ vai trò quan trọng, là trụ cột của gia đình nên trọng trách đặt lên vai người phụ nữ cũng nặng nề hơn. Tuy nhiên, chúng tôi tự hào bởi luôn nhận được sự thương yêu, kính trọng tuyệt đối từ người chồng. Dù nghèo hay giàu thì người phụ nữ Chăm luôn được viên mãn về mặt tinh thần”, chị Đông Thị Mỹ Phương, Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Phú Nhuận (thôn có 100% đồng bào người Chăm sinh sống – PV), xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) chia sẻ.

06-ruoc-re.JPG
Lễ rước rể của người Chăm (Ảnh Ánh Ngọc)

“Trước đây, người phụ nữ Chăm có vai trò là trụ cột, quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngày nay, vợ - chồng khá bình đẳng nhưng người vợ trong gia đình vẫn có được “vị trí” quan trọng”, ông Trương Công Chánh – cán bộ tư pháp xã Phước Thái, huyện, tỉnh Ninh Thuận, cho biết.

Xã Phước Thái là nơi chủ yếu tập trung đồng bào người Chăm sinh sống. Bà Hán Nữ Như Bích Ngọc, Chủ tịch HLHPN xã Phước Thái nói rằng: Mỗi quan hệ vợ chồng trong gia đình người Chăm rất bền chặt. Người phụ nữ Chăm luôn giành được sự tôn trọng đặc biệt từ người nam giới. Trong suy nghĩ của người con trai Chăm, chuyện bạo hành phụ nữ được xem như điều tối kỵ, bỉ ổi. “Với người Chăm, khái niệm bạo hành rất xa lạ. Một người con trai nếu có hành vi bạo lực với người phụ nữ được xem là xấu xa, bị cả xã hội lên án, tẩy chay. Chưa bao giờ, cán bộ Hội phụ nữ phải đi giải quyết vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình”, bà Ngọc nói.

Theo thống kê từ cán bộ tư pháp xã Xuân Thái, trong vòng 5 năm qua, chỉ có 5 cặp vợ chồng ly hôn, mỗi năm có 1 cặp vợ chồng ly hôn.“Cơ chế thị trường đã tác động rất lớn đến đời sống của bà con, đến từng gia đình. Tuy nhiên, với văn hóa của mình, người Chăm vẫn giữ được mỗi quan hệ bền chặt, gia đình rất bền vững. Việc ly hôn mấy năm gần đây mới có. Với người Chăm, vợ chồng ly hôn được xem là hy hữu vô cùng”, ông Chánh nói.

05.jpg
Người con gái Chăm chủ động trong việc cưới chồng (Ảnh VOV)

Ở Ninh Thuận, người Chăm thường sống tập trung ở từng vùng, từng xã. Có lẽ nhờ cuộc sống hòa thuận, trong ấm ngoài êm, vợ chồng đồng lòng chung sức làm ăn nên hầu hết các làng người Chăm ở Ninh Thuận đều có cuộc sống rất khấm khá, tiêu biểu như xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

Xã Phước Nam người Chăm chiếm 80% dân số. Nơi đây là “thủ phủ” dê, cừu, bò lớn nhất tỉnh. Những tỷ phủ ở đây nhiều vô kể. Nhờ sức mạnh vượt trội về kinh tế nên xã Phước Nam đã dễ dàng về đích sớm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Bà Hứa Thị Mây Sum, Chủ tịch HLHPN xã Phước Nam chia sẻ: “Xã Phước Nam không chỉ mạnh về kinh tế mà còn mạnh cả về đời sống tinh thần. Các gia đình người Chăm có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau. Mối quan hệ của các thành viên trong gia đình vô cùng bền chặt. Hơn 10 năm làm công tác Hội nhưng tôi chưa từng phải đi giải quyết mâu thuẫn gia đình. Ở xã này, chưa từng xẩy ra bạo lực gia đình, người phụ nữ chưa bao giờ bị bạo hành cả”.

02.JPG
Bà Sum (bên trái) lo lắng vì gần đây đã có một số cặp vợ chồng người Chăm ly hôn

Mặc dù tự hào với truyền thống và phong tục của người Chăm luôn giữ cho gia đình được yên ấm, bền vững nhưng bà Sum cũng tỏ ra lo lắng: “Ba năm nay địa phương đang phải gánh chịu những đợt hạn hán khủng khiếp. Đàn gia súc chết rất nhiều vì nắng, khát và thiếu thức ăn. Những khó khăn về chăn nuôi đã buộc nhiều gia đình, nhất là các bạn trẻ phải xa quê hương làm ăn. Đi ra ngoài, bị tác động của những yếu tố thị trường, những mặt trái của xã hội nên người Chăm cũng đã phần nào thay đổi”.

Bà Sum cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã đã xẩy ra 3 vụ ly hôn, một con số khiến bà Sum choáng váng. “Đầu năm 2016, lần đầu tiên tôi được tòa án huyện mời lên dự một vụ xử ly hôn của một cặp vợ chồng trong xã. Tôi ngạc nhiên vô cùng bởi 10 năm công tác, tôi chưa từng thấy cặp vợ chồng nào trong xã ly hôn cả. Không chỉ 1 mà có đến 3 cặp vợ chồng ly hôn trong mấy tháng gần đây. Cả 3 cặp này đều có vợ hoặc chồng hoặc cả 2 đang đi làm ăn xa. Đây là điều đáng báo động”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn