Nối thành công bàn tay bị đứt lìa

10:40 | 28/03/2016;
Bị tấn công tới tấp bằng dao, nạn nhân chỉ biết đưa tay lên đỡ. Bàn tay trái đã bị chém đứt lìa.
BV Đa khoa Kom Tum vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nối bàn tay bị đứt lìa cho bệnh nhân Nguyễn Vĩnh Sửu (43 tuổi, ngụ tại xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, Kon Tum). Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, bàn tay được nối đã hồng hào, máu lưu thông tốt. 
noi-thanh-cong-ban-tay-bi-chem-dut-lia.JPG
Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật nối bàn tay bị đứt rời
Gia đình cho biết, ngày 25/3, do mâu thuẫn cá nhân, bệnh nhân bị một người dùng dao tấn công. Bị tấn công tới tấp, bệnh nhân chỉ kịp đưa tay lên đỡ và bàn tay trái bị chém dứt rời. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến BV ĐK Kom Tum để cấp cứu. Do bàn tay bị đứt của bệnh nhân được bảo quản đúng cách, nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nối tay.

Các bác sĩ cho biết, việc cấp cứu nối lại chi chỉ có thể thực hiện được khi bệnh nhân đến sớm, phần chi đứt rời được bảo quản đúng cách và thực hiện tại các cơ sở có đầy đủ trang thiết bị cũng như đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm. Trưởng hợp của bệnh nhân Sửu, do gia đình đã cho phần bàn tay đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín rồi đặt vào thùng đá, đã giúp bàn tay bị đứt rời không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh. Vì vậy, các bác sĩ đã tiến hành vi phẫu, nối lại mạch máu, thần kinh cũng như gân cơ cho bệnh nhân. Sau 4 tiếng thực hiện, các bác sĩ đã nối thành công bàn tay bị đứt lìa của bệnh nhân.

Cách sơ cứu và bảo quản chi đứt lìa
1. Đối với bệnh nhân:
- Rửa vết thương bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý.
- Băng vết thương bằng vải sạch hay gạc vô trùng.
- Cho bệnh nhân nằm nghỉ trong khi chờ chuyển viện.
- Đối với bàn tay, ngón tay, nếu đứt lìa thì cần garô để tránh chảy máu. Cần làm đúng kỹ thuật: Dùng băng hay dây vải quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10cm. Nhớ giờ (thời điểm) làm garô và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa, cần xả garô 5 phút cho mỗi 90 phút.
2. Với phần chi đứt lìa:
- Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước sôi để nguội. Không được rửa bằng xà phòng hay hóa chất.
- Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, cột miệng túi lại.
- Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Chuyển tất cả theo nạn nhân. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là không để chi tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.
3. Với phần chi đứt gần lìa:
- Rửa phần chi đứt và băng chung với vết thương.
- Đặt các túi nhựa nhỏ chứa đá lạnh lên phần đứt gần lìa khi chuyển viện.
- Chuyển viện thật nhanh để việc khâu nối có cơ hội thành công.
Bảo quản ban đầu chi đứt lìa đúng cách và đưa đến bệnh viện kịp thời thì việc khâu nối chi là không khó.
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn