Ngày 4/12, BS CKI Trần Phước Bình, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ nên đã phẫu thuật nối chi thành công cho một bệnh nhân bị máy cắt cỏ cắt lìa cổ chân.
Trước đó, vào ngày 28/11, bệnh nhân Đ.T.Đ, 59 tuổi (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) được đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thương tổn rất nặng, đứt lìa hoàn toàn cổ chân bên phải.
Được biết khoảng 3h chiều cùng ngày, bệnh nhân đang làm cỏ cùng với con trai tại nông trường, vô tình bị máy cắt cỏ gãy và văng trúng làm đứt lìa hoàn toàn cổ chân. Bệnh nhân được sơ cứu và băng cầm máu tại chỗ, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Tại đây, đánh giá khả năng có thể giữ được chân nếu bệnh nhân được phẫu thuật nối kịp thời, êkip bác sĩ của bệnh viện tuyến trước đã tư vấn cho thân nhân chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau tai nạn 4 giờ, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, quy trình báo động đỏ được kích hoạt ở nhiều chuyên khoa như khoa Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật mạch máu, Khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy. Bỏ qua nhiều thủ tục hành chính, chưa đầy 30 phút, bệnh nhân đã được đưa đến phòng mổ để tiến hành nối chi.
Do trong mỗi tua trực của khoa Chấn thương chỉnh hình đều có 1 bác sĩ chuyên về vi phẫu để phẫu thuật cho những trường hợp đặc biệt. Nhờ vậy, ngay trong thời điểm đó, tại khoa Gây mê Hồi sức, êkíp đã chia thành 2 êkíp mổ: 1 êkíp xử lý giữ lại phần chân và 1 êkíp phẫu thuật nối lại toàn bộ gân, mạch máu để cứu sống bàn chân và gân xương thần kinh...
Ca mổ bắt đầu từ 20 giờ ngày 28/11 và kết thúc lúc 2h sáng ngày 29/11. Ngày 4/12/2020, kiểm tra tình trạng tổng thể của bệnh nhân sau 6 ngày hậu phẫu cho thấy, bàn chân rất hồng, ấm, có cảm giác biết được, vận động được các ngón bàn chân, vết mổ khô tốt, tình trạng bệnh nhân rất ổn định và phấn khởi vì không dám nghĩ có thể giữ được bàn chân của mình.
Theo bác sĩ, ở những trường hợp đứt lìa chi, một trong những yếu tố quan trọng giữ được chi cho bệnh nhân đó là phải sơ cứu kịp thời, băng và cầm máu ngay tại chỗ. Sau đó, chuyển đến trung tâm y tế gần nhất để được xử lý và bảo quản phần chi đứt lìa theo đúng cách đồng thời đảm bảo cho chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân được ổn định. Và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có khả năng thực hiện phẫu thuật với kỹ thuật cao, càng nhanh càng tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn