Nỗi trăn trở của một nữ trí thức Huế xa quê

08:25 | 22/04/2019;
Nếu Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường là một miền cỏ thơm thì với cây bút người Đức gốc Việt Thái Kim Lan là một miền ký ức thơm - mùi thơm cổ kính, thanh nhã, vừa u hoài vừa đẹp đẽ, vừa trầm sâu vừa lấp lánh... Điều đó thể hiện rõ trong tập sách ‘Mai rồi mưa tạnh trong xuân’.

Sinh ra tại Huế và theo học ngành triết học và Đức ngữ tại Việt Nam và Đức, Tiến sĩ Thái Kim Lan tốt nghiệp Đại học Ludwig-Maximilian tại Muenchen năm 1976. Bà sống và làm việc tại Munich tới năm 2007 với tư cách giảng viên môn triết học so sánh Đông - Tây. Thái Kim Lan còn là người đồng sáng lập Tổ chức Hữu nghị Đức - Việt thứ 2. Ngoài các ấn phẩm về triết học, Thái Kim Lan còn viết sách, sáng tác thơ và dịch một số tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ Đức sang tiếng Việt.

Thái Kim Lan là một người trí thức đa tài, luôn mang trong mình nỗi trăn trở đối với văn hóa truyền thống của dân tộc. Dẫu xa quê lâu năm, nhưng mọi hoạt động của bà đều luôn hướng về dân tộc.

Tiến sĩ Thái Kim Lan trong buổi ra mắt sách "Mai rồi mưa tạnh trong xuân" 
 

Mang trong lòng nỗi say mê với áo dài truyền thống cố đô Huế, Thái Kim Lan đã từng tổ chức triển lãm áo dài, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Bà tâm sự: “Hành trình sưu tập những chiếc áo xưa của tôi đã bắt đầu như thế vào cuối thập niên 1970, khi lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam sau mười mấy năm du học. Và càng tìm, càng thấy những chiếc áo là dấu ấn của cả đời người trăm năm, càng thấy nét đẹp của những con người mang nó và làm nên nó như những tác phẩm duy nhất của một thời. Tâm trạng của tôi lúc ấy có lẽ cũng giống như tâm trạng của vị vua nhà Nguyễn muốn tìm lại bóng dáng người yêu xưa: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng – Xếp tàn y lại để dành hơi” (Thơ của vua Tự Đức/Nguyễn Gia Thiều)”.

Cái tâm ý lưu hương cũ ấy đeo đuổi Kim Lan suốt đời. Ngay trong tập tản văn mới nhất Mai rồi mưa tạnh trong xuân, nó cũng mang đậm dấu ấn hoài vọng của Thái Kim Lan.

Tập tản văn chất chứa những nỗi niềm ký ức của Thái Kim Lan về những người bà, người mẹ nơi xứ Huế thuở xưa, với đầy điều đẹp đẽ.

Tản văn "Mai rồi mưa tạnh trong xuân" do NXB Kim Đồng ấn hành 
 

Hình ảnh người mẹ hiện ra trong từng trang văn của Mai rồi mưa tạnh trong xuân vừa gần gũi lại vừa thấm đẫm nhân hậu, khiến độc giả cảm động, đồng thời tìm được những nét đồng cảm chân thành.

Thêm nữa, nói như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, “Huế là biểu tượng mạnh mẽ trong tập tản văn của Thái Kim Lan”, Huế là quê hương, là đất nước, là ngọn nguồn của đam mê.

Huế có gì khiến người nhớ nhung khôn nguôi thế? Huế hiện lên với tất cả những điều sống động, thân thương nhất. Mỗi trang viết về Huế đều chất chứa những rung động tinh tế, êm ái. Ở đó, lung linh vô vàn, niềm yêu thương vô cùng, Thái Kim Lan bảo, Huế có những cơn mưa.

“Mưa! Làm mưa, ước là mưa đã theo tôi từ thuở gặp mưa, quên mình đi trong dòng vô thức, ru mình trong chuỗi rơi, rơi xuống mãi hoài, mà chẳng có một tiếng “để làm gì” xa lạ với từng giọt mưa vọng lên trong triền miên ấy”.

Viết những lời đẹp đến thế, viết sáng trong và êm ái đến thế, Thái Kim Lan hẳn đã bao lần đắm mình đi trong mưa Huế, mái tóc đen bay bay nối dài những cơn mưa vào miền mộng mơ. Ấy thế, xa Huế đến thế, nhớ nào cũng đầy lên, nhưng nỗi nhớ mưa dai dẳng, hiện hữu luôn luôn.

Cứ ngỡ mình là cơn mưa, “đang ôm trái đất vào lòng, quay theo trái đất, rảo bước trên đất, theo mưa mà bay, theo mưa mà rơi, theo mưa mà vô cùng trời đất... Để rồi, một mai, chẳng có nơi đâu là chốn xa nhà”. Vì mưa ấy, Trịnh Công Sơn nói “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”, nhưng Thái Kim Lan không cần đến cơ cớ ấy, bởi người ôm vào lòng cả cơn mưa, để mưa quện vào mình, đến đi nơi đâu, Huế không ở đây, nhưng Huế vẫn luôn ở đây.

"Mai rồi mưa tạnh trong xuân" như một miền ký ức thơm về Huế của Thái Kim Lan
 

Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói, là “một miền cỏ thơm”, với Thái Kim Lan có lẽ là một miền ký ức thơm, mùi thơm cổ kính, thanh nhã, vừa u hoài vừa đẹp đẽ, vừa trầm sâu vừa lấp lánh... Những cảm giác ấy cứ đan bện vào nhau, chảy hòa lẫn nhau, tạo nên ngọn nguồn của yêu dấu. Huế của Mai rồi mưa tạnh trong xuân, là đắm mình trong một miền thơm thảo kỳ diệu, để ngẩn ngơ, để trầm lắng.

Có phải bởi vì Huế nên ngôn ngữ Thái Kim Lan dùng trong Mai rồi mưa tạnh trong xuân thanh thoát, thi vị, chậm rãi đến thế. Lại thêm cái nét uyển chuyển, đầy nhạc tính, đọc văn chương ấy mà như đang nghe tiếng nhạc xa vắng trên dòng sông Hương, dưới bầu trời đêm huyền ảo. Đọc Mai rồi mưa tạnh trong xuân như lặng nghe lời tâm tình người Huế, đất Huế, trong buổi trà sớm, sương còn đọng êm ái trên vòm lá xanh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn