Nôn ra mật vàng cảnh báo điều gì về tình trạng sức khỏe của bạn?

16:57 | 11/03/2024;
Chất nôn màu vàng hoặc hơi xanh thường là dấu hiệu cho thấy bạn đang nôn ra mật. Nôn ra mật vàng có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế nghiêm trọng tiềm ẩn như thoát vị khe hoành hoặc tắc nghẽn đường ruột.

Màu sắc chất nôn có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khoẻ. Trong khi một số có thể gây lo ngại, nhưng hầu hết các màu nôn mửa đều không quá đáng lo ngại.

1. Nguyên nhân gây nôn ra mật vàng

Trong quá trình nôn mửa, đường cơ ngăn cách dạ dày với thực quản - được gọi là cơ vòng thực quản dưới (LES) sẽ tự động mở ra, đẩy mọi chất bên trong ra khỏi dạ dày. Nôn màu vàng xảy ra khi mật chảy ngược từ ruột non vào dạ dày. Các nguyên nhân gây nôn ra mật vàng bao gồm:

- Trào ngược mật

Trào ngược mật xảy ra khi đường cơ giữa dạ dày và ruột non – được gọi là cơ thắt môn vị có trục trặc, khiến mật thấm vào dạ dày và sau đó là thực quản.

Trào ngược mật tương tự như trào ngược axit, trong đó axit dạ dày thấm từ dạ dày vào thực quản do cơ thắt bị rối loạn chức năng.

Trào ngược dịch mật thường phát triển sau phẫu thuật túi mật và các phẫu thuật đường tiêu hóa trên khác (như cắt dạ dày). Loét dạ dày cũng có thể làm tổn thương cơ vòng môn vị một cách trực tiếp (do gây tổn thương mô) hoặc gián tiếp (do tăng áp lực dạ dày làm gián đoạn van).

Các triệu chứng khác của trào ngược dịch mật bao gồm tiêu chảy, ợ nóng, đau bụng và có mùi hôi trong miệng. Trào ngược dịch mật có thể tự xảy ra nhưng thường xảy ra cùng với trào ngược axit.

Nôn ra mật vàng cảnh báo điều gì về tình trạng sức khỏe của bạn?- Ảnh 1.

Trào ngược mật gây ợ nóng, miệng có mùi hôi và có thể nôn ra chất nhầy màu vàng xanh (Ảnh: Internet)

- Thoát vị khe hoành

Thoát vị khe hoành xảy ra khi phần trên của dạ dày phình ra qua một lỗ hở trên cơ hoành. Việc nén dạ dày có thể gây áp lực lên tất cả các cơ vòng của dạ dày, bao gồm cả cơ thắt môn vị và LES.

Thoát vị khe hoành phổ biến hơn ở người lớn tuổi và những người mắc bệnh béo phì. Phẫu thuật vùng bụng trên, chấn thương và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) lâu dài cũng có thể làm tổn thương cơ hoành, làm tăng nguy cơ thoát vị.

Thoát vị khe hoành cũng có thể gây ợ chua, đau dạ dày, kích ứng cổ họng, ợ hơi và trào ngược.

- Tắc ruột

Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ ruột non hoặc ruột già (ruột). Tắc nghẽn đường ruột có thể do sự ứ đọng phân (trong đó phân cứng bị kẹt) và hẹp đường ruột (sự thu hẹp bất thường của đường ruột).

Những người mắc bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và lupus có nguy cơ tắc nghẽn đường ruột đặc biệt cao. Hẹp và tắc nghẽn đường ruột cũng thường gặp ở những người bị ung thư ruột kết.

Khi tắc ruột, mật có thể tích tụ (thay vì được bài tiết qua phân) và cuối cùng chảy ngược vào dạ dày và gây ra nôn mửa kèm theo mật vàng. Ngoài ra, tắc ruột còn gây ra các triệu chứng khác như:

+ Đau bụng co thắt đến rồi đi

+ Ăn mất ngon

+ Táo bón

+ Không có khả năng đi tiêu hoặc thải khí

+ Đầy bụng và sưng bụng

Nôn ra mật vàng cảnh báo điều gì về tình trạng sức khỏe của bạn?- Ảnh 2.

Khi tắc ruột, mật có thể tích tụ và chảy ngược vào dạ dày và gây ra nôn mửa kèm theo mật vàng (Ảnh: Internet)

- Nôn khi trong bụng không có gì

Khi bạn nôn quá nhiều do một trường hợp nghiêm trọng của bệnh viêm dạ dày ruột do virus (cúm dạ dày) hoặc ngộ độc Salmonella thì trong bụng bạn không còn gì để nôn. Nếu bạn tiếp tục nôn thì chất nôn sẽ là chất nhầy, axit dạ dày và mật.

Điều này có thể dẫn đến chất nôn có màu vàng xanh, dính và có thể lẫn máu (nếu các mạch máu nhỏ trong thực quản bị vỡ). Đau ngực, đau họng và vị đắng trong miệng cũng là triệu chứng phổ biến.

- Một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể làm giãn cơ vòng môn vị, khiến mật thấm vào dạ dày như:

+ Thuốc chủ vận Beta2 dùng cho bệnh hen suyễn và COPD

+ Thuốc chẹn kênh canxi dùng cho bệnh cao huyết áp

+ Nitrat dùng để điều trị đau thắt ngực

+ Xanthin dùng để điều trị bệnh gút

+ Thuốc benzodiazepin dùng điều trị chứng lo âu và mất ngủ

- Say rượu

Nôn ra mật vàng cũng có thể do say rượu.

Rượu làm tăng tốc độ túi mật tự làm rỗng. Nó cũng làm chậm sự co cơ ( nhu động) di chuyển thức ăn qua ruột. Sự kết hợp của hai điều này có thể thúc đẩy dòng chảy ngược của mật vào dạ dày, sau đó sẽ trào ngược lại nếu người đó uống rượu đến mức nôn mửa.

- Các nguyên nhân khác

Nhìn chung, bất cứ điều gì có thể thúc đẩy trào ngược axit cũng có thể thúc đẩy trào ngược dịch mật, bao gồm:

+ Hút thuốc

+ Thừa cân hoặc béo phì

+ Quá căng thẳng

+ Nằm hoặc ngả lưng sau bữa ăn

+ Ăn ngay trước khi ngủ

+ Ốm nghén

2. Cách chăm sóc và điều trị tình trạng nôn ra mật vàng

- Điều trị

Nếu bạn nôn ra mật, phương pháp điều trị sẽ tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như phẫu thuật để chữa thoát vị khe hoành hoặc tắc ruột. Sử dụng thuốc để làm giảm lượng mật xâm nhập vào dạ dày hoặc ngăn ngừa tổn thương do trào ngược mật.

- Cách chăm sóc

Một số phương pháp bạn có thể thực hiện sau khi nôn để cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn:

+ Bổ sung nước: Sau khi nôn cơ thể có thể bị mất nước, bạn nên uống nước ấm ngay sau đó. Nếu cảm thấy khó uống, bạn nên uống từng ngụm nước nhỏ và uống một cách thường xuyên.

+ Ăn uống phù hợp: Sau khi nôn bạn nên ăn những thực phẩm nhạt, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như: bánh mì nướng, bánh quy không muối, cơm, chuối.

Tránh các thực phẩm có thể gây buồn nôn và nôn như: thức ăn béo hoặc nhiều dầu mỡ, thức ăn cay, thực phẩm có đường.

Bạn cũng nên ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên hơn thay vì ăn ba bữa lớn mỗi ngày. Điều này sẽ giúp bạn tiêu hoá tốt hơn và tránh tình trạng khó tiêu, buồn nôn.

+ Tránh mùi mạnh: Mùi nồng có thể gây buồn nôn và nôn, vì vậy mọi người nên cố gắng tránh xa mọi thực phẩm hoặc chất có mùi mạnh.

Nôn ra mật vàng cảnh báo điều gì về tình trạng sức khỏe của bạn?- Ảnh 3.

Sau khi nôn nên bổ sung nước cho cơ thể (Ảnh: Internet)

3. Cách phòng ngừa nôn ra mật vàng

Có thể không thể phòng ngừa hoàn toàn tình trạng nôn ra mật vàng. Nhưng nếu bạn bị trào ngược mật, một số biện pháp sau có thể giảm thiểu nguy cơ gặp tình trạng này như:

- Ăn các bữa ăn nhẹ, nhỏ hơn nhiều lần thay vì ba bữa lớn

- Tránh nằm hoặc ngả lưng ngay sau bữa ăn

- Ăn hai đến ba giờ trước khi đi ngủ

- Kê nhiều gối dưới lưng và đầu khi nằm để mật không trào ngược

- Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì

- Giảm căng thẳng bằng các bài tập như bài tập thở sâu, thiền hoặc yoga

- Bỏ thuốc lá

- Không uống rượu

- Hạn chế các thực phẩm kích thích túi mật tiết ra nhiều mật hơn vào ruột non để phân hủy chất béo như Các loại thịt chế biến, sữa có chứa chất béo, bơ và bơ thực vật, thực phẩm chiên hoặc tẩm bột, đồ nướng...

4. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn nôn mửa và xuất hiện thêm các dấu hiệu, triệu chứng dưới đây thì nên gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay:

- Nôn mửa kéo dài hơn 24 giờ

- Máu trong chất nôn

- Đau bụng dữ dội

- Đau đầu dữ dội và cứng cổ

- Mất nước nghiêm trọng, chẳng hạn như mắt trũng, nước tiểu sẫm màu, nhịp tim nhanh hoặc ngất xỉu

- Nếu bạn nghi ngờ bị ngộ độc với thứ gì đó mới ăn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn