Theo thời gian, cơ thể của một người có xu hướng sản xuất nhiều cholesterol hơn. Do đó nồng độ cholesterol trong máu của từng độ tuổi sẽ có thay đổi. Điều này cũng có nghĩa là tất cả mọi người nên kiểm tra mức cholesterol của mình thường xuyên, lý tưởng nhất là khoảng 4 đến 6 năm một lần.
Cholesterol là một chất béo nằm trong máu và toàn bộ các loại tế bào khác của cơ thể. Nó là một thành phần quan trọng, là tác nhân chính tạo nên màng tế bào cùng với một số nội tiết tố, đồng thời phục vụ những chức năng quan trọng khác trong cơ thể con người.
Cholesterol được đo với 3 loại như sau:
- Cholesterol toàn phần;
- LDL, hay còn gọi là "cholesterol xấu";
- HDL, hay còn gọi là "cholesterol tốt".
Đọc thêm:
- Bệnh Cholesterol cao là gì? Những điều về bệnh cholesterol cao bạn nên biết
- Tăng cholesterol trong máu vì những thói quen ăn uống này
Hầu hết chúng ta đều cần phải cố gắng để cân bằng các chỉ số trên. Mức cholesterol toàn phần và LDL nên được giữ ở mức thấp, và mức độ cholesterol HDL nên cao hơn có thể bảo vệ cơ thể con người chống lại các bệnh liên quan đến tim bao gồm đau tim và đột quỵ.
Mức cholesterol trong máu có xu hướng tăng lên theo tuổi tác. Chính vì vậy, các bác sĩ đã khuyến cáo rằng mọi người nên thực hiện các biện pháp sớm để ngăn chặn mức độ nguy hiểm của cholesterol cao khi già đi. Lượng cholesterol cao nếu không được phát hiện sớm có thể khó điều trị hơn nhiều.
Trẻ em thường là những đối tượng ít có nguy cơ mắc cholesterol cao. Do đó chỉ cần kiểm tra nồng độ cholesterol một hoặc hai lần trước khi đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ em có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cholesterol cao, cần phải theo dõi thường xuyên hơn để có phương án điều trị kịp thời.
Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng nam giới có mức cholesterol cao hơn so với phụ nữ. Nồng độ cholesterol này cũng có xu hướng tăng lên khi nam giới già đi. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là phụ nữ không thể mắc cholesterol cao. Nồng độ cholesterol trong máu của phụ nữ thường tăng khi trải qua thời kỳ mãn kinh.
Nồng độ cholesterol tiêu chuẩn hầu như không thay đổi nhiều đối với những người trưởng thành. Các sự thay đổi trong nồng độ khuyến nghị thường xảy ra do các tình trạng sức khỏe và yếu tố nguy cơ khác.
Mức cholesterol toàn phần dưới 200 miligam mỗi decilít (mg / dL) được coi là mức tiêu chuẩn đối với người lớn. Nếu nồng độ cholesterol toàn phần trong máu từ 200 đến 239 mg/dL được coi là cao ở mức giới hạn và từ 240 mg/dL trở lên được coi là cao.
Song song với đó, mức cholesterol LDL phải ở dưới 100 mg/dL là tiêu chuẩn đối với người khỏe mạnh. Mức LDL từ 100 đến 129 mg/dL có thể chấp nhận được đối với những người không có vấn đề về sức khỏe nhưng sẽ đáng lo ngại hơn đối với những người mắc bệnh tim hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Chỉ số LDL từ 130 đến 159 mg/dL là tương đối cao và 160 đến 189 mg/dL là cao. Trong khi đó nếu nồng độ LDL tăng đến 190 mg/dL hoặc cao hơn được coi là rất cao.
Ngược lại với LDL, mức HDL nên được giữ ở mức cao hơn mới tốt. Chỉ số HDL dưới 40 mg/dL được coi là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim. Chỉ số từ 41 mg/dL đến 59 mg/dL được coi là mức độ thấp. Nồng độ tối ưu cho mức HDL ở người bình thường là 60 mg/dL hoặc cao hơn.
Mức cholesterol toàn phần và cholesterol LDL có thể chấp nhận được ở trẻ em với người lớn là hoàn toàn khác nhau. Trong đó, mức cholesterol toàn phần có thể chấp nhận được đối với một đứa trẻ là dưới 170 mg/dL. Cholesterol toàn phần cao ở mức giới hạn cho một đứa trẻ nằm trong khoảng từ 170 đến 199 mg/dL. Bất kỳ kết quả về lượng cholesterol trên 200 mg/dL ở một đứa trẻ là quá cao.
Tương tự, mức cholesterol LDL của trẻ em cũng phải thấp hơn của người lớn. Khoảng cholesterol LDL tối ưu cho một đứa trẻ là dưới 110 mg/dL. Mức cao giới hạn là từ 110 đến 129 mg/dL, trong khi mức cao ở trẻ em là trên 130 mg/dL.
Khuyến cáo tốt nhất cho trẻ em và thanh thiếu niên để kiểm soát mức cholesterol là tuân thủ theo một lối sống lành mạnh, năng động. Điều này bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn. Điều này là do trẻ em ít vận động, thừa cân với chế độ ăn có nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nhiều khả năng bị cholesterol cao. Trẻ em có tiền sử gia đình bị cholesterol cao cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh.
Đọc thêm bài viết: Thực phẩm giàu cholesterol có làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng?
Ở người trưởng thành, việc bắt đầu lối sống lành mạnh càng sớm thì mức cholesterol của họ càng tốt do mức cholesterol tích tụ theo thời gian. Sự thay đổi trong lối sống cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Tất cả người lớn đều nên vận động và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên.
Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh và người lớn có mức cholesterol cao có thể muốn xem xét sử dụng thuốc vì chúng có thể giúp giảm mức cholesterol nhanh hơn so với chỉ ăn kiêng.
Cholesterol cao ở mọi lứa tuổi đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim và đột quỵ. Những rủi ro này chỉ tăng lên theo thời gian, đặc biệt là đối với những người trưởng thành không thực hiện hành động để giảm sự tích tụ cholesterol xấu trong máu.
Trẻ em nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra cholesterol một hoặc hai lần trước 18 tuổi nhưng tốt nhất là không phải trong tuổi dậy thì. Nếu trong gia đình có tiền sử bệnh tim hoặc trẻ bị thừa cân hay đang gặp các tình trạng sức khỏe khác, số lần kiểm tra có thể thay đổi.
Đối với người lớn trên 20 tuổi, nên đi làm xét nghiệm xác định nồng độ cholesterol trong máu từ 4 đến 6 năm một lần. Đối với người lớn không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào thì tần suất này là vừa đủ. Nếu bạn thuộc những đối tượng dưới đây, bạn có thể cần sự trợ giúp của bác sĩ để điều chỉnh giảm mức cholesterol:
- Người có kết quả xét nghiệm cholesterol với mức cholesterol toàn phần và LDL cao hoặc vượt quá giới hạn.
- Những người thừa cân, béo phì.
- Người có tiền sử gia đình bị bệnh tim.
Có những phương pháp mọi người có thể sử dụng để giảm mức cholesterol và ngăn chúng tăng trở lại. Trong đó phương pháp tiềm năng nhất là sử dụng liệu pháp thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và quản lý cân nặng. Một lựa chọn khác là điều trị bằng thuốc làm giảm cholesterol hoặc giảm sự hấp thụ cholesterol của cơ thể.
Ở mọi lứa tuổi, chế độ ăn ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng như nhiều chất xơ hòa tan và protein là rất hữu hiệu để giảm sự tích tụ cholesterol. Nên điều chỉnh để có lượng calo hấp thụ hàng ngày ít hơn 7 phần trăm calo từ chất béo bão hòa và ít hơn 200 miligam cholesterol trong chế độ ăn uống.
Chế độ ăn kiêng cho những bệnh nhân cholesterol cao cũng khuyến khích mọi người ăn các loại thực phẩm như trái cây, rau, các loại ngũ cốc, các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo, cá, gia cầm không da, thịt nạc...
Ngoài ra, việc quản lý cân nặng hợp lý là một phần thiết yếu khác của việc giảm cholesterol và ngăn ngừa nó tích tụ trong cơ thể. Những người thừa cân, béo phì thì việc giảm cân có thể giúp giảm LDL một cách hiệu quả.
Giảm cân đặc biệt quan trọng đối với những người có các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Mức chất béo trung tính cao.
- Mức HDL thấp,
- Nam giới thừa cân với số đo vòng eo hơn 40 inch.
- Nữ giới thừa cân với số đo vòng eo hơn 35 inch.
Hoạt động thể chất thường xuyên 30 phút mỗi ngày được khuyến khích cho tất cả mọi người. Điều này cũng sẽ giúp kiểm soát cân nặng, do đó giúp giảm cholesterol. Khi các phương pháp ở trên là không đủ để giúp cân bằng lượng cholesterol, bệnh nhân có thể cần điều trị bằng thuốc. Một số loại thuốc giảm cholesterol có thể được chỉ định, bao gồm:
- Statin - loại thuốc này ngăn gan sản xuất cholesterol.
- Chất cô lập acid mật - loại thuốc này làm giảm lượng chất béo hấp thụ từ thức ăn.
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol - làm giảm chất béo trung tính trong máu và giảm lượng cholesterol hấp thụ từ thức ăn.
- Một số loại vitamin và chất bổ sung, chẳng hạn như Niacin sẽ ngăn gan loại bỏ HDL và làm giảm chất béo trung tính.
- Acid béo omega-3 giúp làm tăng mức HDL và làm giảm chất béo trung tính.
Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/315900#_noHeaderPrefixedContent
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn