Nồng nàn nhút dại trẻ thơ

07:22 | 16/05/2018;
Món nhút dại nào có cao sang gì lại trở nên gắn kết những đứa trẻ, hầu như tuần nào chúng tôi cũng rủ nhau cùng làm nhút. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần hình dung đến món nhút trẻ con ngày đó, tôi lại nuốt nước bọt vì thèm!
Món nhút dại của lũ trẻ chúng tôi có lẽ không có ở bất kỳ nơi nào khác. Bởi nó kết hợp giữa các vị, nguyên liệu dân dã ở vùng núi quê tôi và còn có cả sự ngẫu hứng khi chế biến của những đứa trẻ...
 
Hồi nhỏ, khi có dịp tụ tập vào những lúc rảnh rỗi hay sau giờ học nhóm, kiểu gì lũ trẻ chúng tôi cũng hò nhau làm món nhút dại. Nghe đến vậy là tất cả háo hức, lập tức mỗi đứa sẽ bắt tay ngay vào công việc “hùn sức” làm món ăn này.
nhut-1.jpg
Ảnh minh họa

 

Chúng tôi, đứa đi hái đu đủ chưa chín nhưng đã già, thêm vài chiếc lá đu đủ non để tạo vị đắng; đứa khác tất tả tìm trái mít non có những đốm trắng phủ bên ngoài, càng nhỏ càng đậm đà vị chát (còn gọi là dái mít). Nguyên liệu chính thứ ba cho món ăn là lá chua, cũng là thứ khó kiếm nhất. Thường là loại lá chua me nhỏ mọc dại trong vườn chỉ có vài tháng trong năm rồi úa.
 
Khi đó, chúng tôi lại chạy lên đồi nhà tìm lá me rừng. Có khi không tìm được lá chua thì buộc phải dùng một hai quả chanh tạo vị.
 
Để có các nguyên liệu làm nhút, có khi chúng tôi còn gõ cửa khắp các nhà trong xóm để xin. Kiểu gì cũng nhận được cái gật đầu vui vẻ kèm lời nhắn: “Chút làm xong cho ít nha!”.
 
Tất cả nguyên liệu đem về được rửa thật sạch. Đu đủ được thái lát, miếng mỏng bằng khoảng một phần ba đốt tay, lá chua cắt khúc, còn mít để nguyên trái. Đu đủ kèm lá và mít được cho vào cối giã nhẹ tay, thêm một ít muối. Phải là loại cối đá ngày trước vừa to, vừa rộng mới thích hợp để chế biến.
 
Đu đủ không được giã nát, cần giữ nguyên miếng nhưng phải mềm, ngấm muối, còn mít và lá đu đủ thì giã kỹ cho đến khi ra nước. Tiếp đó, cho lá chua, lá đu đủ non kèm theo ít trái ớt, bột ngọt và phải có thêm thìa mắm tôm rồi dùng chày trộn thật đều.
 
Thế là món ăn đã xong. Nếu dự định cho ai đó, nhút sẽ được chia phần ra từng chén nhỏ, còn lại chúng tôi dồn hết ra một tô lớn. Mấy đứa cùng chụm đầu vào, cầm đũa gắp lấy gắp để thưởng thức thành quả với đủ các vị chua, cay, mặn, đắng, thêm chút chan chát. Đó là vị chua của lá me, vị đắng của lá đu đủ, vị chát của dái mít, vị cay của ớt...
 
Chỉ ăn vài miếng là đứa nào đứa nào đứa nấy phải xuýt xoa, chèm chẹp miệng vì các vị thập cẩm nồng nàn, nhất là vị cay xè đầu lưỡi. Đó mới là lúc cảm nhận rõ nhất độ ngon của món ăn, tạo nên chất kích thích mà người ăn chỉ muốn ăn mãi không ngưng.
 
Đến những giọt nước nhút cũng được chúng tôi chia nhau ra húp lấy húp để. Món này có làm nhiều bao nhiêu cũng không bao giờ thừa. Chưa kể, nhiều người lớn cũng thường tham gia ăn ké món nhút của mấy đứa trẻ chúng tôi.
 
Tuổi thơ ở một vùng núi nghèo như quê tôi ngày đó không gắn liền với những món quà bánh hay những que kem ngọt lịm. Món nhút dại nào có cao sang gì lại trở nên gắn kết những đứa trẻ, hầu như tuần nào chúng tôi cũng rủ nhau cùng làm nhút. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần hình dung đến món nhút trẻ con ngày đó, tôi lại nuốt nước bọt vì thèm!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn