Tại phiên họp chất vấn chiều 7/6 theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nông nghiệp công nghệ cao.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho biết, hiện nay mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cao, nông nghiệp du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để phát triển mạnh mô hình này trong thời gian tới?
Còn đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, đặt câu hỏi về cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao thì nên kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, có 2 nhóm doanh nghiệp đầu tư nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp: nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất và đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sửa Nghị định 57 để các doanh nghiệp tiếp cận vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề không chỉ dừng lại ở cơ chế, chính sách nhà nước, mà còn là sự sẵn lòng, sẵn sàng của doanh nghiệp, của các địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu và lan tỏa.
Nếu một doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà đóng khung lại 1.000 ha - 2.000 ha để tạo ra vùng nguyên liệu, Bộ trưởng cho rằng, cá nhân không khuyến khích mô hình đó. Nên chăng doanh nghiệp có thể phát triển từ lõi của nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, từ công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ để lan tỏa cho người nông dân ở xung quanh đó. Đây là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua vai trò của chính quyền địa phương đó.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, trong quá trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 57, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham gia và sẽ có những tiếp cận với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, Bộ trưởng sẽ tìm hiểu thêm những điểm nghẽn trong quá trình tham gia vào lĩnh vực này để đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết phải có cánh đồng lớn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay đã tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao nằm trong quỹ đất đang sử dụng cho đất nông nghiệp nhưng mới có khoảng 4.710 ha đã được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao. Sắp tới sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán thêm quỹ đất đối với hộ gia đình và các điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tham gia vào mối quan hệ nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và doanh nhân để tạo ra giá trị cao.
Đặc biệt, tại phiên tranh luận, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan chưa thỏa đáng khi nói về giải pháp đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ trong lao động nông nghiệp.
Trả lời chất vấn này của đại biểu Tô Văn Tám, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, muốn tăng năng suất nông nghiệp, chúng ta cần phải giúp người nông dân nâng cao kỹ năng của mình. Bộ trưởng cho biết, giống như các quốc gia trên thế giới coi nông nghiệp là một nghề được huấn luyện và được đào tạo.
Khẳng định kỹ năng nghề nghiệp sẽ góp phần tăng năng suất lao động, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp có nhiều góc độ, có những cấp độ cao phải đào tạo cán bộ ngành, cán bộ chủ chốt. Bộ trưởng cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh Chương trình khuyến nông quốc gia lần đầu tiên ở Gia Lai để tập huấn, đào tạo kỹ năng nhận biết thị trường, nhận biết những điều kiện để canh tác cà phê đúng chuẩn, chiến lược phát triển cho người nông dân…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn