Nông sản ùn ứ cục bộ, rớt giá thảm hại do ảnh hưởng của virus corona

11:03 | 04/02/2020;
Trước khi có dịch, giá thanh long ruột đỏ loại 1 ở Bình Thuận có mức 30.000 đến 40.000 đồng/kg nhưng hiện nay giá bán loại nông sản này chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg đối với vườn có tỉ lệ trái đẹp từ 70% trở lên. Bộ NN&PTNT đã đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thiệt hại với nông sản Việt Nam trong giai đoạn này.

Do ảnh hưởng dịch viêm phổi do Virus Corona, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề, giá thành giảm mạnh, tác động trực tiếp tới đời sống của hàng ngàn hộ nông dân.

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị "Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh corona". Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, dự báo, dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước. Đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc.

Cấp bách giải cứu nông sản ùn ứ cục bộ do ảnh hưởng virus Corona - Ảnh 1.

Khoảng 3.500 tấn thanh long bị ùn ứ tại cửa khẩu ở Lạng Sơn - Ảnh Đinh Tùng

Điểm bất lợi là các mặt hàng trái cây của nước ta là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, nên khó lưu trữ được lâu, nếu mắc kẹt thời gian dài ở các cửa khẩu thì sẽ gây ra thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, thời điểm này nhiều chợ đầu mối giao thương phía Trung Quốc vẫn chưa mở cửa do dịch cúm.

Trước khi có dịch, giá thanh long ruột đỏ loại 1 ở Bình Thuận có mức 30.000 đến 40.000 đồng/kg; nhưng hiện nay giá bán loại nông sản này chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg đối với vườn có tỉ lệ trái đẹp từ 70% trở lên.

Vì vậy, theo dự báo của Bộ NN&PTNT, tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo trong phòng chống dịch viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía.

Bên cạnh mặt hàng trái cây tươi, thì các sản phẩm từ chăn nuôi như sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019 sẽ gặp phải không ít khó khăn bởi tác động của dịch bệnh. Cùng với đó, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc đã thông báo tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020.

Cấp bách giải cứu nông sản ùn ứ cục bộ do ảnh hưởng virus Corona - Ảnh 3.

Thanh long sụt giảm giá từ khoảng 30.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg tại vườn

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu dịch viêm phổi do virus Corona diễn biến xấu hơn, lây lan trên diện rộng thì "không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Điều này dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam có nguy cơ chịu tác động ảnh hưởng rất cao".

Đến ngày 2/2, tại Lạng Sơn đang có khoảng 175 xe chở thanh long (loại 20 tấn/xe), tương đương 3.500 tấn bị ùn ứ ở cửa khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam

Bàn về giải pháp hạn chế thiệt hại với nông sản Việt Nam trong giai đoạn này, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị, địa phương nhận dạng kỹ, chính xác về tác động của tình hình dịch bệnh này đối với nông nghiệp Việt Nam, phân tích từng nhóm mặt hàng, từ đó đề ra các giải pháp. Trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và bình tĩnh cùng chung tay với doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Lãnh đạo Bộ này cũng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020 nhằm đa dạng hóa thị trường.

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân. xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn. Ngoài ra, ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.

Từ nay đến hết Rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An sẽ có một đợt thu hoạch khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8 đến 28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đến đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn.

Việc hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài, các chợ đầu mối phía Trung Quốc chưa hoạt động trở lại tạo ra tình trạng ùn ứ, dư cục bộ sẽ diễn ra.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn