Hằng ngày, công việc của chị Giàng Thị Xa, ở thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai là quán xuyến và điều hành mọi hoạt động ở cơ sở Homestay có tên SaPa Mountain. Từ vài năm trở lại đây, chị Xa đã quen với các công việc từ dọn dẹp, tiếp đón khách, trao đổi với mọi người trong gia đình phục vụ các nhu cầu của du khách từ ăn ở, đi lại, để làm sao đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của du khách. Mọi công việc làm ruộng nương, chăn nuôi đều do chồng chị Xa đảm nhiệm.
Đây là những điều rất mới trong tư duy sản xuất kinh tế của người phụ nữ Mông, bởi người phụ nữ Mông truyền thống thường chỉ làm các công việc ruộng nương, xe lanh dệt vải, may áo quần, nội trợ chăm sóc gia đình là chính. Mọi công việc tính toán làm ăn phát triển kinh tế thường là do người đàn ông trong gia đình gánh vác.
Trao đổi với chúng tôi, chị Xa chia sẻ: “Công việc của mình bây giờ rất bận rộn, vừa phải tiếp đón khách, vừa phải lên mạng xã hội để đăng bài quảng cáo để thu hút khách du lịch. Khi mời được khách thì phải báo giá, báo các dịch vụ để họ chọn lựa, chốt được rồi thì lại phải chuẩn bị mọi thứ để đến ngày giờ họ đến mình còn lo kịp cho họ”.
Nếu như làm nông nghiệp, chồng chị là người ra quyết định mọi việc thì với du lịch, chị Xa sẽ là người quyết định toàn bộ. "Vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Homestay gần như không có khách, tôi phải quay sang tập trung bán hàng thổ cẩm online để duy trì nguồn thu cho cơ sở du lịch của gia đình", chị Xa cho biết thêm.
Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, chia sẻ: “Chương trình nông thôn mới triển khai ở địa phương giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của xã, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Hội LHPN xã cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về việc phụ nữ chủ động tham gia phát triển kinh tế. Trong những năm qua, có nhiều chị em đã chủ động phát triển dịch vụ du lịch, như tổ chức làm mô hình Homestay, tham gia sản xuất hàng thổ cẩm lưu niệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Phá bỏ cách làm xưa cũ và đổi thay tư duy tài chính
Chị Hạng Thị Cở, ở xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, cho hay: “Ngày xưa thường không nghĩ đến tích lũy tiền cho gia đình, kiếm được bao nhiêu thì chi tiêu bấy nhiêu. Vì thế, đến mùa gieo trồng thì không còn tiền. Mua hạt giống và phân bón cũng phải đi vay vốn, đến mùa thu hoạch mới có tiền để trả người cho vay nên cuộc sống khi đó gặp nhiều khó khăn”.
Với lối tư duy cũ, bởi quan niệm sống tự cung tự cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ, cách làm của cộng đồng người Mông nơi đây. Bà Hạng Thị Mỷ, ở xã Hoàng Liên, chia sẻ: “Ngày xưa phụ nữ Mông không nhiều người giữ tiền, tất cả đều do chồng quản lý, người vợ chỉ biết đi làm, chăm sóc con cái. Đến mùa vụ cần chi tiêu đầu tư thì phụ thuộc chồng, nên họ không quyết định được”.
Bà Phùng Tiểu Yến, chuyên gia phát triển cộng đồng, cho hay: “Cách đây khoảng hơn chục năm, khi khảo sát đánh giá kinh tế hộ của người Mông ở Sa Pa, chúng tôi nhận thấy những vai trò quản lý kinh tế hộ của người phụ nữ là rất mờ nhạt. Cách chi tiêu của họ cũng không hợp lý, dẫn đến hàng năm đều có “điểm rơi” kinh tế. Tức là cạn kiệt tài chính trong mùa giáp hạt, dẫn đến việc phải đi vay mượn để đầu tư. Từ đó tạo ra cái vòng luẩn quẩn giữa vay nợ và trả nợ trong năm.
Đến nay, nhiều phụ nữ dân tộc Mông ở Sa Pa đã chủ động hơn trong việc quản lý tài chính, và phân bổ nguồn vốn đầu tư cho lao động sản xuất của gia đình, theo hướng ổn định và bền vững hơn. Để có được những kết quả trên, phải kể đến sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo thị xã Sa Pa, các hội đoàn thể, lãnh đạo các xã, thị trấn trong khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Ông Tẩn Vần Siệu, ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, chia sẻ: “Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở địa phương, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống kinh tế cũng khấm khá hơn, và quan trọng hơn là góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc Mông”.
* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn