“Noodle” năm ấy

20:00 | 03/02/2022;
Tình yêu thật ra không hề mông lung, nó chính là sự chăm sóc nhau cụ thể và thiết thực nhất. Nó khiến người bạn đời có lòng tin rằng, cuộc sống của họ được đảm bảo bởi một người luôn lo lắng giùm mình. Sự yên tâm, đó là giá trị mà tình yêu vợ chồng đem lại cho mỗi chúng ta.

Năm 2000, Đỗ Thu Nguyệt đến Nhật Bản trong chương trình "Mời thanh niên châu Á - Thái Bình Dương".

Đoàn Việt Nam có 5 người, trong nhiều hoạt động được ban tổ chức sắp chung nhóm với đoàn New Zealand. John, anh chàng tóc vàng cao lớn, là trưởng đoàn bên đó là một người vui tính, làm ở Bộ Phát triển xã hội. Nguyệt và các bạn cho John biết ở Việt Nam có khái niệm "cơm" và "phở". John cười phá lên khi Nguyệt bảo, "phở" tiếng Anh là "noodle" đó. Từ đó, John luôn được gọi với danh xưng "noodle", đến nỗi khi ai đó gọi tên thật, anh còn không phản ứng nhanh bằng biệt danh kia.

10 ngày trên đất Nhật qua nhanh. Nguyệt về nước, hành trang mang theo có địa chỉ email của "noodle". Họ có "meo" cho nhau vài lần nhưng mạng internet ở Việt Nam khi ấy chưa phổ biến, Nguyệt chưa có thói quen mở hòm thư, lâu dần, cô quên cả địa chỉ email của người bạn phương xa. Ký ức đẹp dần bị phủ lấp bởi cuộc sống bận rộn hàng ngày. Năm 2003, Nguyệt bất ngờ nhận được một lá thư gửi qua bưu điện của "noodle". Trong thư, John kể về cuộc sống của anh hiện tại, hỏi thăm Nguyệt và những người bạn Việt Nam cùng đi Nhật năm đó. John còn gửi kèm theo một bức ảnh gia đình, có vợ và 2 con trai. Thời điểm đó, Nguyệt đang là một "mẹ bỉm sữa" nên cô không có thời gian trả lời bức thư này. Có lẽ sự bất ngờ thú vị này chỉ đủ để làm cô có một vài khoảnh khắc xao xuyến vào đúng thời điểm mà người phụ nữ bận rộn nhất và hầu như không sống cuộc sống của chính mình ngày thường.

Nguyệt có gương mặt cá tính, cặp mắt xếch có lẽ là điểm gây ấn tượng khó quên với người tiếp xúc với cô. Gương mặt ấy cũng như một chỉ dấu của một cuộc đời không bằng phẳng. Vài năm sau khi sinh con, Nguyệt phát hiện ra sự lạc lòng của chồng mình. Bản tính quyết liệt, cô ly thân và dọn ra ở riêng. Đó là những tháng ngày Nguyệt không bao giờ muốn nhớ lại.

Thế rồi, cô cũng đi đến được một quyết định: xin đi học nghiên cứu sinh. Trong quyết định quan trọng này, Nguyệt không chắc là cô có mơ hồ về một dự cảm tốt đẹp trong tương lai hay không. Lý trí khi ấy chỉ bảo cô rằng: Phải đi. Phải tự thoát ra khỏi cuộc sống này. Con gái đã sang New Zealand du học từ năm 2012, bởi vậy Nguyệt cũng chọn đất nước này cho sự dịch chuyển có tính bước ngoặt của mình. Khi được trường Victoria chấp nhận, Nguyệt đã bay sang xứ sở Kiwi vào năm 2014. Thời điểm đó với cá nhân Nguyệt, là một quyết định dũng cảm. Cô đang có một chỗ làm tốt và đang "phất" trong nghề dạy tiếng Anh với thu nhập cao ở mức ngày trước cô có "nằm mơ cũng không thấy". Tuy nhiên, cô nhận thức sâu sắc rằng tiền không phải là tất cả. Nếu cứ sống trong cảnh day dứt thế, sẽ khó tránh khỏi bệnh trầm cảm. Con gái lớn đã học cấp III ở bên đó, việc của Nguyệt chỉ còn là tìm cách đưa được cả con gái nhỏ theo cùng mẹ trong chuyến du học.

* * *

Như một sự sắp đặt của số phận, cùng thời điểm Nguyệt gặp chuyện buồn hôn nhân thì John gặp trục trặc trong chuyện tình cảm. Trong những ngày tâm trạng buồn bã đó, anh giở lại album ảnh cũ. Những bức ảnh nhắc anh nhớ lại chuyến đi thú vị của mười mấy năm về trước trên đất Nhật. Cô gái Việt Nam có đôi mắt xếch gợi cảm luôn đứng cạnh anh trong những bức ảnh ngày đó. Tên cô ấy, John còn nhớ rất rõ. Năng lượng tràn đầy của những năm tháng trẻ trung dường như đã trở lại trong anh. John cũng không trả lời được tại sao mình lại bắt đầu một hành trình có vẻ như… điên rồ là tìm lại cô ấy trên mạng xã hội facebook. Đó là năm 2008. Khi ấy, Nguyệt chưa có facebook.

"Anh ấy tìm tất cả các nick Do Thu Nguyet, gặp ai cũng hỏi có phải đã tham gia chương trình ở Nhật không", Nguyệt kể.

Rồi cuối cùng, sự kiên trì của John cũng có kết quả. Hai người trở thành bạn bè trên facebook. John luôn cảm thấy một trái tim được an ủi mỗi khi "chat" cùng cô bạn gái Việt Nam. Cô ấy ngày trước luôn mồm trêu anh là "noodle". Giờ đây, trong những dòng chat, cô ấy vẫn gọi anh như vậy, khiến anh cảm thấy thật gần gũi. Rồi cô ấy bất ngờ thông báo sẽ sang New Zealand học nghiên cứu sinh. Tin này khiến John hân hoan trong suốt cả quãng thời gian chờ đón Nguyệt từ Việt Nam. Anh có cảm giác, ông trời đã xen một bàn tay vào quãng đời này của anh. Nếu không thế, sao anh lại có thể tìm được cô ấy, sau cả mấy năm lùng sục vô vọng trên facebook. Và rồi tại sao, cô ấy lại quyết định du học ở đất nước quê hương anh?

Vào thời điểm đó, Nguyệt cũng chưa thể phân tích được rõ ràng, cô mong chờ đến ngày du học là vì khát khao muốn thay đổi cuộc sống đang tù túng hay vì sự động viên với rất nhiều ẩn ý mà cô không thể không đọc được từ phía "noodle". Từ sâu trong lòng mình, hai con người tưởng như rất xa đã cảm nhận được sự gần gụi trong tâm hồn. Chỉ là, cả hai cùng đang nâng niu cho một điều lung linh đang tới.

John không che giấu tình cảm của mình, sau khi biết gia cảnh của Nguyệt qua những dòng tin nhắn. Còn Nguyệt cũng cảm giác, trái tim mình đã dần ấm trở lại. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý và sự cẩn trọng của người phụ nữ đã một lần mất lòng tin ở đàn ông, không cho phép Nguyệt vồ vập ngay với tình cảm chớm nở trong tim mình.

"Khi ở gần anh John thì càng ngày cách quan tâm tới em và bọn trẻ làm em càng yêu và tin anh ấy", Nguyệt nhớ lại.

Hành trình giữa cảm xúc của con tim và quyết định mang tính bước ngoặt cũng không ngắn. Năm 2019, Nguyệt mới chính thức trở thành "bà John".

* * *

Hạnh phúc khiến Nguyệt giờ nhìn trẻ hơn tuổi khá nhiều, da mặt mịn màng, căng bóng. Cô về sống với "noodle" năm xưa trong một căn nhà đẹp, có vườn trồng rất nhiều hoa. Càng sống với nhau, cô càng cảm nhận được tình cảm đậm đà mà anh dành cho cô.

Tình yêu thật ra không hề mông lung, nó chính là sự chăm sóc nhau cụ thể và thiết thực nhất. Nó khiến người bạn đời có lòng tin rằng, cuộc sống của họ được đảm bảo bởi một người luôn lo lắng giùm mình. Sự yên tâm, đó là giá trị mà tình yêu vợ chồng đem lại cho mỗi chúng ta. Nguyệt cảm thấy mình may mắn khi đã tìm thấy điều đó ở cuộc hôn nhân này. Mỗi ngày, tình yêu được vun đắp bởi sự dễ chịu mà cuộc sống chung mang lại. John là người chiều vợ. Anh tiết kiệm với bản thân mình, vui với việc mang lại niềm vui cho Nguyệt. Nguyệt thích làm đẹp, ưa trang điểm, anh cổ vũ. Nguyệt muốn chơi piano, anh sẵn sàng bỏ vài ngàn đô để mua tặng vợ một cái đàn mới tinh. Biết Nguyệt thích xe Mini Copper, John bỏ thời gian tìm hiểu thị trường và một ngày đẹp trời, anh rủ vợ đi thử xe rồi mua luôn.

"Niềm mơ ước của phụ nữ chỉ giản đơn là gặp được một người, ở bên bạn mỗi dịp sinh nhật sau này, cùng thưởng thức các món ăn hàng ngày với bạn, đưa bạn đi nhiều nơi, chụp nhiều ảnh, giới thiệu bạn với bạn bè anh ấy, chăm lo cuộc sống của bạn, quan tâm đến tâm trạng của bạn; Sẽ nói "chúc ngủ ngon" với bạn hằng đêm và "Chúc 1 ngày tốt lành hàng sáng".

Nguyệt đã viết như vậy trên facebook của mình, cùng những tấm ảnh tràn ngập hạnh phúc với "noodle" định mệnh của cô.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn