Ngày đó, GS.TS-Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đình Quang không hiểu hết ý. Do dự mãi sau này ông mới dám hỏi bà vợ của Nguyễn Tuân. Bà bảo rằng, Nguyễn Tuân day dứt điều đó bởi một lẽ, nếu ông ấy đi trước bà thì bà buồn nhưng không khổ vì bà còn tự lo cơm cháo mà ăn. Còn nếu bà đi trước ông thì không những ông buồn mà còn khổ, vì ông chẳng biết tự lo sống thế nào…
Ông từng thổ lộ rằng, ông có một nỗi buồn, nỗi cô đơn vì những người cùng thời với ông đều đã lần lượt đi xa. Ông bảo, sống lâu chưa chắc đã sướng, bởi vì người ta phải chạm vào một nỗi cô đơn không gì che lấp được. Lớp trẻ ít người biết đến thế hệ ông, chứ chưa nói đến việc chuyện trò…
Con gái Đình Quang - biên tập viên Mỹ Linh - cho biết, tuy ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng NSND Đình Quang vẫn luôn theo kịp lớp trẻ
NSND Đình Quang dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng là người luôn theo kịp lớp trẻ. Ông vẫn hằng ngày vào internet “lướt web”, chơi facebook. Trước khi đi ngủ bao giờ ông cũng đọc sách, đấy là chưa kể, ông còn đọc, nhật xét hàng chục tập kịch bản của học trò.
NSND Đình Quang được bạn bè, học trò nhớ nhất với tư cách là một người thầy mẫu mực và vui tính.
Ông từng kể câu chuyện, ông đi công tác nước ngoài về mua được chai rượu Mao Đài (thời đó rất hiếm) bèn đến rủ ông Chu Ngọc đến nhắm chơi thì gặp nhà văn Nguyễn Tuân đang ở đó. Vì ông chưa bao giờ gặp Nguyễn Tuân nên khi mời, nhà văn cũng chỉ ậm ừ nhận lời. Buổi chiều Chu Ngọc và Nguyễn Tuân đến nhà uống rượu. Ông Nguyễn Tuân kéo Chu Ngọc ra một góc bảo: “Này, Đình Quang có chơi được không?. Chu Ngọc bảo: “Nó láu hơn, nhưng vẫn là chất Nguyễn Lương Ngọc (anh cả của cố NSND) !”, cậu khéo khéo mà ứng xử với ông ấy”.
Bữa đó, còn có thêm ông Trần Đĩnh đến chơi. Khi vợ NSND Đình Quang, bà Mỹ Hạnh, kém ông tới 10 tuổi, ra rót nước mời khách, bà đã lúng túng không biết xưng hô thế nào, sau đó lễ phép chào bác và xưng… cháu với Nguyễn Tuân!
Mọi người đều cười. Thế là Nguyễn Tuân có cớ mở đầu câu chuyện bằng một cuộc bàn luận về đại từ nhân xưng trong tiếng Việt. Không khí trở nên rôm rả và thân mật.
NSND Đình Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha ông vốn là một Y sĩ giỏi chữ Hán, giỏi tiếng Pháp, mẹ ông là con gái của quan án sát tỉnh Ninh Bình.
Ông kể lại rằng, khi ông mới lên 10 tuổi, chiều chiều bố ông thường bắt ông chạy quanh sân cho khỏe. Bố ông bảo, nhỡ sau này khó khăn, có sức khỏe thì kéo xe nuôi thân cũng không sợ chết.
Với người vợ của mình, NSND Đình Quang luôn nghĩ “Ai rồi cũng đi thôi, nhưng cái kiếp chúng mình ra đi trước vợ thì đỡ khổ hơn…”.
Cậu bé Đình Quang hồi đó hỏi bố: “Nếu con chịu khó học hành không đến nỗi phải kéo xe thì làm gì?”. Cụ bảo: “Có 3 nghề mà con có thể theo học: Thầy thuốc để cứu người, thầy cãi (luật sư) để bênh người oan ức, thầy giáo hoặc văn nghệ sĩ để giáo dục, nâng cao trí tuệ và tâm hồn con người!”.
Nghe lời khuyên của cha, 9 anh em trai của ông đều làm thầy giáo và văn nghệ. Anh cả của ông là GS Nguyễn Lương Ngọc, người chủ xướng của nhóm “Xuân thu ngũ tập” và khai trương cho môn Lý luận ở bậc đại học. Anh thứ Nguyễn Đình Tiên là tác giả của cuốn “Chân dung tướng Ngụy Sài Gòn” và bài thơ “Dặm về”. Em của ông, Nguyễn Ngọc San, là giáo sư cổ văn và Hán Nôm…
Còn riêng NSND Đình Quang, ông được đào tạo bài bản về sân khấu tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau đó, ông tiếp tục tu nghiệp bằng tiến sĩ ở đại học Humboldt (Berlin, Đức).
Ông được học trò yêu mến gọi là người “4 trong 1”, là Hiệu trưởng đầu tiên của phân hiệu kịch nói và trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam với những học trò lừng danh như các NSND: Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng… Đồng thời, ông còn là nhà lý luận, nhà văn hóa và là nhà quản lý khi đảm đương cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa giai đoạn đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.
Ngoài ra, ông còn là nghệ sĩ ngâm thơ, là nhà văn với những kịch bản, truyện ngắn, bút ký…
Bây giờ thì ông đã thanh thản ở cõi vĩnh hằng. Với một gia tài về lý luận sân khấu mà ông để lại, chắc chắn, thác là thể phách, còn là tinh anh…
Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang tên đầy đủ là Nguyễn Đình Quang. Ông sinh ngày 16/7/1928 tại Hà Nội. Ông có nhiều công trình lý luận, công trình văn hóa, tiêu biểu như: "Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn" (1962), "Kỹ thuật tâm lý diễn viên" (1968), "Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý" (1978), "Bàn về sân khấu tự sự" (1982), "Sân khấu Việt Nam" (1998)… Với những đóng góp to lớn của mình, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 3 (năm 2007). Ông qua đời rạng sáng 13/7 tại Bệnh viện Đà Nẵng. |