Nghệ sĩ nhân dân Dịu Hương tên thật là Trần Thị Dịu, sinh ngày 21/10/1919 tại xã Tràng Duệ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà. Ngay từ nhỏ, cô bé Dịu đã được dạy cả hát chèo và hát tuồng nên khi lên 8 tuổi, đã được theo cha mẹ đi lưu diễn trong các phường hát miền quê, và được các nghệ nhân trực tiếp truyền nghề. Thời đó, cô đã nổi tiếng với những vai trẻ thơ như Tôn Mạnh Tôn Trọng trong vở chèo Trinh Nguyên, vai Mộng Lân trong vở Mộng Lân, vai quỷ trong Trương Viên… được khán giả vô cùng yêu thích.
Năm 1928, rạp hát Quảng Lạc ở Hà Nội mở lớp dạy nghề cho các lớp đồng ấu, bà được cha mẹ đưa lên thi tuyển. Bà trúng tuyển và được theo học mới được 3 năm thì do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không thể theo học tiếp nên đành phải trở về quê.
Năm 1933, bà đến Hải Phòng, trúng tuyển vào rạp tuồng Lạc Mộng Đài. Năm 15 tuổi, bà bắt đầu diễn tuồng và để lại dấu ấn qua những vai tướng như Lã Bố, Triệu Tử Long… Năm 1940, bà tham gia gánh hát Đồng Tâm do nghệ sĩ kiêm bà bầu Hoa Tâm làm chủ gánh. Năm 1944, bà hát ở rạp Hiệp Thành. Bà vừa diễn chèo, vừa diễn tuồng, trở thành một ngôi sao sân khấu rất được hâm mộ ở thành phố cảng.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, chồng bị giặc giết, nợ nước thù nhà, Dịu Hương tình nguyện đi theo kháng chiến. Bà rứt ruột gửi người con trai duy nhất cho chị gái và anh rể nuôi giúp. Từ đồng bằng lên miền trung du, rồi miền núi, cuộc sống cơ cực đủ trăm điều nhưng nghệ sĩ vẫn một lòng một dạ theo kháng chiến. Trong thời gian này, Dịu Hương tham gia giảng dạy, xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc, thành lập tổ văn hóa văn nghệ, chuyên diễn chèo, hát dân ca.
Năm 1948, Dịu Hương được tuyển vào đoàn quân nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm trưởng đoàn, chuyên diễn chèo, hát chèo, diễn các hoạt cảnh phục vụ quân đội. Do yêu cầu của cách mạng, năm 1950, Dịu Hương được chuyển về hội văn nghệ tham gia khai thác, nghiên cứu giảng dạy cùng với một số nhạc sĩ kháng chiến như: Lê Yên, Tô Vũ, Danh Thân, Văn Cao, Văn Thịnh, Mai Khanh….
Năm 1952, khi Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương thành lập tại chiến khu Việt Bắc, bà trở thành diễn viên của Đoàn, cùng tổ chèo với vợ chồng nghệ nhân Năm Ngũ, Năm Hảo, Cả Tam, Trần Bảng…Tại đây, bà và nghệ nhân Năm Ngũ đã cùng Trần Bảng tham gia viết kịch bản và dàn dựng vở Chị Trầm - vở chèo đầu tiên của sân khấu cánh mạng. Vở chèo này đã được Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng xem và rất khen ngợi. Bà đã được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu của Người.
Năm 1955, Dịu Hương vinh dự được chọn vào Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Liên hoan sinh viên thanh niên thế giới, đi biểu diễn tại Tiệp Khắc, Trung Quốc, Mông Cổ và nhiều nước khác. Năm 1959, Ban nghiên cứu chèo của Bộ Văn hóa thành lập, Dịu Hương cùng các nghệ sĩ chèo gạo cội như Năm Ngũ, Cả Tam, Trùm Thịnh… cùng các nhà nghiên cứu phục hồi những tinh hoa của chèo cổ. Tại đây, với sự giúp đỡ của Đoàn chèo Cổ Phong, bà đã phục hồi thành công hai trích đoạn Suý Vân giả dại trong Kim Nham và Thị Mầu lên chùa trong Quan âm Thị Kính. Nói đến NSND Dịu Hương là người ta nói đến ngay hai vai diễn để đời này của bà.
Đây được coi là hai sáng tạo kỳ diệu nhất của nghệ thuật chèo và Dịu Hương đã cùng chúng trở nên bất từ khi hai vai diễn của bà trong hai trích đoạn Súy Vân giả dại và Thị Mầu lên chùa đã được giới chèo chọn làm hai vai mẫu để truyền dạy cho các thế hệ diễn viên chèo trong hơn nửa thế kỷ qua.
Từ những năm 1960, do điều kiện sức khoẻ không tốt, bà không còn trực tiếp đứng trên sân khấu nữa mà chuyển hẳn sang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Nghệ thuật Sân khấu, đào tạo nhiều thế hệ diễn viên. Bà đã giúp rất nhiều cho những công trình nghiên cứu chèo của GS.NSND Trần Bảng, GS Hà Văn Cầu, nhà nghiên cứn Trần Việt Ngữ cũng như góp phần đào tạo các nghệ sĩ chèo tài năng nhiều thế hệ như Diễm Lộc, Thanh Hoài, Thúy Ngần, Vân Quyền, Thu Huyền…
Dịu Hương đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên năm 1984 cùng với những bậc thầy kiệt xuất khác của sân khấu truyền thống dân tộc như Năm Ngũ, Cả Tam, Hoa Tâm, Trùm Thịnh (Chèo), Nguyễn Nho Túy, Phạm Chương, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Bạch Trà (Tuồng), Phùng Há, Ba Du, Ba Vân, Tám Danh, Sỹ Tiến (Cải lương)…
Năm 2010, tưởng nhớ người mẹ, người thầy và một nghệ sĩ kỳ tài của nghệ thuật chèo, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Tuyết con dâu bà và là con gái của NSND Năm Ngũ, đã cho xuất bản cuốn sách “Nghệ sĩ nhân dân Dịu Hương, nghệ sĩ và người thầy”. Cuốn sách đã được giới chèo đón nhận hết sức nồng nhiệt.