Đến với sự kiện trình diễn "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" được tổ chức tại khu vực Khuê Văn Các và Giếng Thiên Quang vào tối 28/6, ở tuổi 78, NSND Trà Giang lựa cho mình một tà áo dài có gam màu nhẹ, trên nền áo có thêu hình thiếu nữ thổi sáo bên chậu hoa vàng. Và trên cái nền của tà áo dài Việt Nam ấy, bà đẹp lên một cách lạ lùng, khiến người đối diện bị cuốn hút vào "Đôi mắt biết nói của điện ảnh Việt Nam".
Khi được hỏi về tình cảm đối với tà áo dài, NSND Trà Giang biểu thị một cảm xúc rất mãnh liệt: "Tình yêu đối với tà áo dài xuất hiện trong tôi năm 17 tuổi, khi mà tôi sắp bước chân vào trường diễn viên điện ảnh đầu tiên của nước nhà. Đây là lúc tôi có chiếc áo dài đầu tiên của riêng mình, và chính cha tôi là người đã đưa tôi đi tìm vải để may cho con gái một chiếc áo dài. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, cũng như trong cuộc đời làm nghệ thuật của bản thân, cha là người đã luôn luôn dìu dắt tôi, và chiếc áo dài đó cũng là tình yêu nghệ thuật ban đầu mà người đã trao cho tôi. Cho nên, mỗi khi mặc áo dài thì tôi lại cảm thấy xúc động, vì nó khiến tôi nhớ đến người".
Được biết, NSND Trà Giang theo gia đình tập kết ra Bắc năm bà 12 tuổi. Đến năm 17 tuổi, khi đó là năm 1959, bà trở thành sinh viên của lớp đạo diễn, diễn viên khóa I của Trường Điện ảnh Việt Nam vừa được thành lập. Học cùng khóa với bà có nhiều diễn viên, đạo diễn gạo cội như: NSND Ngọc Lan, NSƯT Anh Thái, NSND Bạch Diệp...
Ít năm sau kể từ ngày ấy, NSND Trà Giang đã thành danh qua các vai diễn trong bộ phim "Một ngày đầu thu" (1962, đạo diễn Huy Vân), chị Tư Hậu (1962, đạo diễn Phạm Kỳ Nam)... Với sự thể hiện xuất sắc trong bộ phim truyện Chị Tư Hậu, năm 1963, NSND Trà Giang được lựa chọn đi dự Liên hoan phim quốc tế tại Matxcova. Trong dịp này bà đã lựa chọn mặc và may áo dài tại hiệu may mà cha bà đã từng đưa đến trước đó.
Nhớ về kỷ niệm với áo dài vào thời điểm trên, NSND Trà Giang hồi tưởng lại, kết thúc liên hoan phim, bà cùng đoàn làm phim trở về Hà Nội và có vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Văn nghệ lần thứ 3 (1/12/1962): "Khi đó tôi là nghệ sĩ trẻ nhất, mới 20 tuổi. Sau khi xem bộ phim Chị Tư Hậu và được Bác hỏi han chân tình về quá trình làm phim, tôi đã thật thà thổ lộ những tự ti, mặc cảm khi là một diễn viên của một đất nước còn nghèo, lạc hậu, không có quần áo đẹp như diễn viên các nước bạn khi giao lưu ở các liên hoan phim quốc tế. Bác đã cười hiền hậu và nói rằng: 'Phụ nữ Việt Nam rất đẹp khi mặc áo dài, cháu hãy tự hào khi mặc nó giao lưu với các nước trên thế giới'. Lời Bác dạy rất đơn giản, gần gũi, vậy mà bấy lâu tôi chưa hề nhận ra".
Lời của Bác đã giúp NSND Trà Giang hiểu thêm về những giá trị qua tà áo dài. Nó không chỉ là trang phục của phụ nữ mà nó còn là biểu tượng văn hóa của đất nước Việt Nam. Cho nên kể từ đó, mỗi khi có dịp đi dự các kỳ Liên hoan phim quốc tế, hay đến với những ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ở trong nước thì bà đều lựa chọn mặc áo dài và đều cảm thấy tự hào về tà áo dài của người Việt Nam:"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/Thơ của anh vẫn còn nguyên màu lụa trắng" (Nguyên Sa).
Chính vì vậy, trước những suy nghĩ trái chiều về xu hướng cách tân áo dài hiện nay, NSND Trà Giang bày tỏ quan điểm: "Cách tân áo dài thì cần nhưng cách tân như thế nào mà vẫn giữ được hồn của tà áo dài thì mới quan trọng, và khi làm được điều đó rồi thì mọi người tự nhiên sẽ chấp nhận sự cách tân đó. Nhưng trên thực tế, bên cạnh những cách tân làm cho tà áo dài đẹp lên, phong phú lên (đưa các yếu tố văn hóa, lịch sử vào thiết kế áo dài) thì cũng có những cách tân mà bản thân tôi không thể chấp nhận được như việc thiết kế tay áo bồng lên...".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn