Chiều 11/11/2017, trong buổi ra mắt cuốn sách 1987 được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, NSƯT Chiều Xuân đã khiến những người có mặt xúc động khi chia sẻ về cuộc sống của mình 30 năm trước. Chị nói, có những điều mà giờ kể lại, các bạn trẻ hôm nay sẽ cảm thấy thật khó tin, như là chuyện của ai đó rất xa xôi, chẳng hạn như chuyện bỉm sữa khi nuôi con nhỏ.
“Bình sữa cực kỳ khó mua, sữa rất hiếm, thỉnh thoảng mới mua được vài hộp sữa ngon. Khó khăn nhất là chuyện tã lót. Hồi đó chưa có bỉm, nhà nào có điều kiện thì mua được ít giấy bản ở phố Hàng Cân, hoặc xô màn về quấn cho con. Sinh Hồng Mi, tôi đi xin quần áo cũ của họ hàng về giặt sạch để làm tã lót”, nghệ sĩ Chiều Xuân chia sẻ.
Hồng Mi sinh năm 1987, là một nhân vật xuất hiện trong cuốn bút ký 1987 (NXB Trẻ) với câu chuyện khởi nghiệp thời sinh viên của các cô gái, chàng trai được sinh ra cách đây tròn 30 năm. Đây là dự án sách do nhà báo Nick M. làm chủ biên, với sự góp mặt của gần 30 tác giả sinh năm 1987. Gần 300 trang sách quy tụ hơn 30 câu chuyện xảy ra tại Việt Nam trong 30 năm qua (1987-2017), qua góc nhìn của những nhân vật vừa bước sang tuổi 30 trong năm nay.
Hơn 30 câu chuyện trải dài từ năm 1987 đến 2017 được kể dưới góc nhìn của gần 30 nhân vật sinh năm 87 - thế hệ vừa bước sang tuổi 30. Những nhân vật đó đa dạng về công việc và trải nghiệm của họ, từ những nhân viên văn phòng đến doanh nhân, hoa hậu, người mẫu, đạo diễn, diễn viên cho đến nhà báo, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, những người sống ở Hà Nội, Sài Gòn hay ở một nơi nào đó trên thế giới.
Điểm nhấn của thế hệ 1987 là họ sinh ra vào giai đoạn chuyển giao giữa thời bao cấp và thời kỳ Đổi Mới. Những cô bé, cậu bé Đinh Mão ngày ấy có thể được coi là những em bé cuối cùng của thời kỳ lịch sử này, vẫn mang chút “hương vị bao cấp” để rồi ngay sau đó bước vào giai đoạn khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin và truyền thông.
Hơn 30 câu chuyện của cuốn sách 1987 được chia làm 4 phần: Phần 1 bắt đầu từ năm 1987 là giai đoạn chuyển giao của thời bao cấp và thời kỳ đổi mới. Phần 2 bắt đầu vào năm 2000, khi Internet công cộng du nhập và tràn ngập ở Việt Nam. Phần 3 lấy mốc thời gian vào mùa thu năm 2005, khi thế hệ 1987 thi đại học và bắt đầu có những chiếc điện thoại di động đầu tiên của riêng mình. Phần 4, cũng là phần cuối, kéo dài từ năm 2010 đến 2017, khi Facebook trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.
Tất cả đều được kể dưới dạng “ẩn danh”. Nhân vật chính trong từng câu chuyện luôn luôn là một chàng trai hoặc cô gái sinh năm 1987, kể lại những biến đổi trong cuộc sống, xã hội dưới góc nhìn của họ và những suy nghĩ của từng cá nhân.
Phong cách chủ đạo của sách 1987 là những câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước, qua góc nhìn của thế hệ 1987 nhưng gần gũi với nhiều thế hệ khác trải qua những năm tháng biến động của đất nước. Ở đây không có những câu chuyện bi đát về số phận, những câu chuyện khiến người đọc cảm thấy xót xa, nghiệt ngã… Các câu chuyện trong 1987 dù vui, buồn, hạnh phúc hay đau khổ cũng đều hướng đến sự lạc quan và thể hiện tư duy tận hưởng cuộc sống hiện đại của một thế hệ. Sách 1987 không đi sâu vào các ký ức quá khứ mà hướng nhiều về tương lai, sự thay đổi trong từng thời kỳ, đặc biệt là những tác động của công nghệ lên đời sống.
Những nhân vật xuất hiện trong 1987 cũng chính là những gì gây tò mò hơn cả.
Nhìn lại cuộc sống ở tuổi 30, hoa hậu Ngô Phương Lan cho rằng “30 tuổi, tôi mới biết làm bạn thân với chính mình”. Hay nhạc sĩ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý tư duy về hành trình trưởng thành của mình là cả “sự chiến đấu với chính mình bên trong và môi trường bên ngoài để giữ gìn những giá trị cũ, song song với việc tiếp tục vươn lên trong hành trình hoàn thiện sự trưởng thành của một cá nhân thực sự rất gian nan”.
Cuốn sách được thực hiện về phần nội dung và hình ảnh hoàn toàn của những bạn trẻ sinh năm 1987, từ chủ biên của cuốn sách, nhà báo Nick M đến 2 họa sĩ Lê Mew và Capri Kira với lối suy nghĩ cá tính rất riêng. Những nhân vật gây ồn ào truyền thông hóa ra cũng có một tuổi thơ giống với các bạn cùng tuổi khác, như diễn viên “hot girl xuyên lục địa” Elly Trần, hay những ngậm ngùi về tuổi thơ không hoàn toàn màu hồng như những gì nhà báo Đinh Đức Hoàng nhớ lại.
Như lời nhà báo Đoàn Công Lê Huy, anh “Chánh Văn” thần tượng của các bạn trẻ năm nào trên tờ báo Hoa Học Trò, đã nhận xét: “Những người 1987 có một cuộc họp lớp “đại quy mô”, một hội nghị khoáng đại. Và đây, 1987 là kết quả hội nghị, là kỷ yếu hội nghị, một tập “kỷ yếu” thú vị và hấp dẫn nhất tôi từng đọc”. Nhìn vào sự giãi bày của các tác giả, những người lớn tuổi sẽ mỉm cười khi thấy họ không né tránh những sự thật gây sốc về khám phá giới tính đầu đời, xem phim “tươi mát” hay những nhận xét thẳng thắn về bố mẹ, thầy cô… Nhiều khi là những câu chuyện man mác buồn về tình yêu không thành của thời thanh xuân, cứ trôi đi tình cờ như tuổi trẻ…
Người đọc sẽ gặp lại khung cảnh đất nước bước vào giai đoạn mở cửa và những đổi thay chưa từng có, khiến thế hệ 1987 có những điều khác hẳn các thế hệ trước. Họ có âm nhạc, có phương tiện nghe nhìn mới, có cả thế giới rộng mở, như lời MC Anh Tuấn đã viết cho họ: “1987 là thế hệ lớn lên khi giao thời, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng lại nhiều trải nghiệm. Một thế hệ trải qua những gian khó của đất nước thời kỳ đổi mới, tiếp cận những chuyển biến của xã hội hiện đại để từ đó hiểu được giá trị thực của cuộc sống”.
Bao nhiêu người đã đồng hành với họ, ảnh hưởng lên đời sống tinh thần và tạo dựng cả văn hóa sống của họ, như những chương trình ca nhạc trên các kênh phát thanh truyền hình, và đến lượt thế hệ 1987, họ là những người đang viết nên cuộc sống văn hóa đương đại. Như lời bài hát Ba mươi được nhạc sĩ sinh năm 1987 Phạm Toàn Thắng viết cho chính cuốn sách, “vẫn thèm thuồng những chuyến đi trong nắng mưa, như lúc xưa, ta vẫn đang mong chờ. Mỏi gối chùng chân chỉ vài giây, ta bắt đầu lại hành trình”.