Mới đây, chương trình "Người kể chuyện đời" đã lên sóng với sự tham gia của nghệ sĩ ưu tú Phú Quý, một nghệ sĩ cải lương kiêm danh hài nổi tiếng. Ông từng là ngôi sao ăn khách, góp mặt trong hàng trăm vở cải lương và hài kịch từ những thập niên trước.
NSƯT Phú Quý năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn rất phong độ, trẻ trung. Ông chia sẻ về bí quyết giữ sức khỏe của mình: "Tóc đen là do tôi nhuộm liên tục. Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã luyện sức khỏe bằng cách đá bóng. Đến khi có tuổi, không đá bóng được nữa thì tôi đánh cầu lông.
Suốt 20 năm qua, tôi vẫn đánh cầu lông miệt mài, rèn luyện sức khỏe liên tục tới tận bây giờ, nên giữ được sự dẻo dai.
Tôi cũng hạn chế bia rượu, nhậu nhẹt. Nếu bạn bè có rủ đi nhậu, tôi sẽ pha nước lọc vào bia để uống cho đỡ hại sức khỏe.
Vì vậy nên bây giờ tôi vẫn giữ năng lượng tràn trề, ca vọng cổ hơi vẫn còn khỏe lắm. Đặc biệt, tôi ca vọng cổ thường pha thêm chút hài để khán giả vui mà mình cũng vui, giữ được năng lượng tích cực".
Tiếp đó, nghệ sĩ Phú Quý tâm sự về chuyên môn trong nghề, cách hát cải lương: "Ca cải lương dù mùi đến đâu cũng phải rõ chữ, dấu sắc ra dấu sắc, dấu huyền ra dấu huyền, dấu nặng ra dấu nặng, phát âm cho chuẩn.
Tân nhạc có bát cung đồ rê mi pha son la si đố còn cải lương chỉ có ngũ cung là hò xự xang xê cống nhưng hát chữ nào phải ra chữ đó.
Ở thời của tôi, những nghệ sĩ cải lương đi trước tôi mê nhất là ông Thành Được, ông Út Trà Ôn. Tôi vinh dự vì từng được hát chung với NSND Út Trà Ôn, đệ nhất danh ca miền Nam. Tôi còn hát chung với Thanh Sang, Mỹ Châu. Tất cả họ đều là nghệ sĩ danh tiếng.
Phong cách ca cải lương của tôi là vừa giữ được độ mùi vừa pha chút hài, có như thế mới là Phú Quý".
Cũng tại chương trình, nghệ sĩ Phú Quý tâm sự về cơ duyên đến với nghề của ông: "Hồi nhỏ, nhà tôi ở Long An nghèo lắm, thích nghe cải lương nhưng không có tiền mua vé, phải chui lỗ chó vào nghe. Tôi nghe đến đâu nhớ đến đó.
Nhà tôi có 10 anh chị em, tôi là con út nên được cưng nhất. Ba tôi làm nghề chài lưới, còn mẹ tôi bán cháo cho các gánh hát về ăn. Tôi ngồi gần mẹ, nghe các nghệ sĩ hát thấy hay quá, mê quá nên học lỏm theo.
Thế rồi, tôi được các anh dẫn đi hát chùa, đình, miếu. Tôi còn nhỏ nên toàn ca vai đào. Tôi ca theo cô Ngọc Giàu mà khiến người ở dưới bật khóc.
Sau đó, tôi mê quá nên xin ba mẹ cho đi theo gánh hát. Ba mẹ tôi cũng đồng ý. Thế là tôi đợi một gánh hát về quê diễn rồi đi theo họ. Năm đó, tôi mới 16 tuổi.
Ngay từ khi bước ra sân khấu, tôi đã được chú ý. Mọi người gọi tôi là thần đồng Thanh Quý.
Tuy nhiên, tôi nhớ nhà, nhớ cha mẹ quá nên lại bỏ gánh hát về quê. Sau này, tôi lên Sài Gòn thì được một cô đàn tranh dẫn theo gánh hát khác. Nhưng chỉ được một thời gian là tôi cũng bỏ đi làm công nhân vận tải.
Ông giám đốc của tôi ngày đó mê văn nghệ lắm nên lập một hội văn công để đi giao lưu, có cả Nguyễn Ánh 9, Lê Hựu Hà, Hùng Cường… Tôi đi thi ở đâu cũng đoạt huy chương vàng, lên hẳn ti vi. Cô Kim Cương thấy được mới cho người tìm tôi. Đó là cột mốc đưa tôi đến với chuyên nghiệp".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn