NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Vỡ nợ 2 lần vẫn không bỏ nghề

21:37 | 03/11/2016;
Đỗ Trịnh Hoài Nam là nhà thiết kế thời trang có tiếng với các mẫu thiết kế sang trọng dành cho các nữ chính khách. Thế nhưng, ít ai biết, để có được thành công như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua muôn vàn khó khăn.

Theo nghề vì sợ... đói

Được biết, anh bắt đầu theo đuổi ngành thiết kế thời trang từ năm 13 tuổi. Với độ tuổi bé xíu như thế, anh nhận ra niềm đam mê của mình như thế nào?

Năm 12, 13 tuổi, tôi nghe người lớn nói nghề may mặc, nấu ăn không bao giờ sợ đói. Lúc đó, vừa là thời điểm xóa bỏ cơ chế bao cấp, nên hầu hết mọi người đều rất sợ đói. Ban đầu, tôi chọn theo nghề này vì muốn thoát khỏi cái đói chứ chưa phải yêu thời trang. Tuy nhiên, sau khi xem phim “Đơn giản tôi là Maria”, tôi hiểu hơn về các nhà thiết kế thời trang và ngay lập tức yêu thích công việc này.

Ở trường, chúng tôi được hướng nghiệp từ rất sớm. Con trai được học nghề điện, con gái thì học may. Tôi xin học may. Cả lớp may có mình tôi là con trai. Tôi đã xác định theo nghề nên quyết định nghiêm túc học từ đó. Ngay từ lúc ấy, tôi đã có thể tự cắt may quần áo cho mình và gia đình. 

Mẫu thiết kế hay bộ sưu tập nào khiến anh ấn tượng nhất trong suốt 30 năm làm thiết kế?

Tất nhiên, mỗi “đứa con tinh thần” đều khiến mình yêu và nhớ. Nhưng thiết kế khiến tôi ấn tượng nhất là bộ áo dài của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Bộ áo dài được lấy ý tưởng từ nét vẽ tranh của danh họa Picasso với kỹ thuật thêu trên chất liệu hoa cầu kỳ, tỉ mỉ khiến tấm áo nhìn mịn như nhung. Hay có lần, tôi thiết kế cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân bộ vest được thêu đính thủ công khi dự một sự kiện quan trọng ở nước ngoài. Bà kể với tôi rằng, nhiều người dù không quen biết đã đến hỏi bà đó là mẫu thiết kế của ai, ở nước nào? Bà đã rất tự hào nói đó là sản phẩm của một nhà thiết kế đến từ Việt Nam. Điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc, tự hào vì thời trang có thể xóa nhòa mọi khoảng cách về ngoại giao. 

14672659_1159018287507367_908902318_o.jpg
Những bộ áo dài sang trọng, tinh tế cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là các thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam dành nhiều tâm huyết nhất. Bởi anh luôn tin vào quan niệm: Thời trang sẽ xóa nhòa mọi khoảng cách về ngoại giao  

Khoảng thời gian khó khăn nhất với anh là khi nào? Anh có bao giờ có ý định từ bỏ công việc này?

Đó là khi tôi bắt đầu mở rộng kinh doanh. Tôi chủ yếu đầu tư vào việc thiết kế, không chú trọng kinh doanh nên cứ thu được bao nhiêu lại đầu tư cả vào máy móc. Sau một thời gian thì vỡ nợ. Không chỉ 1 lần mà đến 2 lần. Bình thường làm thiết kế đã rất áp lực, giờ lại thêm các khoản nợ, khó khăn càng chồng chất. Nhưng may mắn là tình yêu thời trang của tôi rất lớn nên ngay cả những lúc khó khăn nhất, tôi nhất quyết không bỏ. Tôi dặn mình phải mạnh mẽ, kiên định.  

Mỗi lần vấp ngã lại học nhiều hơn

Thiết kế thời trang cũng giống như làm nghệ thuật, dễ nổi tiếng, nhanh giàu có nên nhiều người muốn theo đuổi. Tuy nhiên, có những người dù cố gắng mấy cũng không có được danh tiếng. Anh có thể bật mí bí quyết thành công của mình?

Đúng là khi các thiết kế của mình được yêu thích thì sẽ nổi tiếng rất nhanh. Tôi thấy, rất nhiều bạn trẻ đang yêu sự hào nhoáng bên ngoài của các nhà thiết kế nổi tiếng: Được yêu mến, giàu có… mà họ không hề biết để khẳng định mình với nghề rất khó khăn, vất vả. Sau 30 năm, tôi rút ra một điều rằng: Phải yêu nghề và sống chết với nghề. Mỗi lần tôi vấp ngã, tôi càng học nhiều hơn, làm nhiều hơn để bù đắp lại thì mới có được ngày hôm nay. Hiện nay, các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội nên nếu biết cố gắng, họ sẽ nhanh chóng đạt được kết quả như ý nếu giữ được đam mê với nghề.

Làm thiết kế thời trang không tránh khỏi những lúc bị nghi đạo mẫu của nước ngoài. Với kinh nghiệm của một nhà thiết kế lâu năm, anh có lời khuyên gì đối với các nhà thiết kế non trẻ?

Đôi lúc, việc đạo mẫu cũng là một thủ pháp để truyền thông. Khá nhiều nhà thiết kế dùng cách này để được chú ý. Tuy nhiên, tôi không khuyến khích làm việc đó.

Nếu bạn là một người trẻ đang học làm thiết kế thì việc làm lại các mẫu thời trang kinh điển là rất cần thiết để nâng cao tay nghề. Nhưng, nếu đã là một nhà thiết kế thì hãy sống đúng với đam mê. Để tránh những mẫu thiết kế na ná, tôi thường có bí quyết là hãy nghĩ đến khách hàng, nghiên cứu xu hướng phù hợp nhất với họ. Bạn có thể tham khảo các nhà thiết kế nổi tiếng nhưng nhất định phải có những chất liệu riêng. Chất liệu và nét riêng của mỗi khách hàng sẽ khiến thiết kế của bạn luôn khác biệt.

2.jpg
Mẫu thiết kế lấy ý tưởng từ quốc kỳ Việt Nam của Đỗ Trịnh Hoài Nam
Đỗ Trịnh Hoài Nam sinh năm 1975 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Công nghệ may & thiết kế thời trang tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh từng giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải Ba cuộc thi Mẫu Thời trang Việt Nam lần thứ 5; giải chất liệu trong Cuộc thi Grandprix 2004; tham dự chung kết giải Mercedes Benz thời trang châu Á...

19h ngày 4/11 NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ tổ chức buổi trình diễn thời trang áo dài tại Quảng trường Lý Thái Tổ (Hà Nội) mở màn cho ngày chiếu phim Việt Nam trong khuôn khổ “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2016”. Buổi trình diễn gồm 2 phần: Phần 1 là bộ sưu tập "Thế giới như tôi thấy" – lấy cảm hứng từ cờ của Việt Nam và một số nước trên thế giới - đó là những nước có quan hệ đối tác với Việt Nam. Phần 2 là bộ sưu tập "Huyền thoại" – Bộ sưu tập áo dài trên chất liệu nhung được lấy ý tưởng từ những họa tiết trên hoàng bào in 3D và những hoa văn kiến trúc cổ của Việt Nam như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột,… được sử dụng công nghệ  dát vàng 999.
1.JPG
Các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập "Thế giới như tôi thấy" sẽ xuất hiện tại Quảng trường Lý Thái Tổ vào tối mai

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn