Buổi tư vấn pháp luật do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Lê Hữu Trác.
Trả lời cho câu hỏi trên của nữ sinh, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng Công an huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) - cho biết, người nào đủ tuổi mà giao cấu với người từ 13 đến 16 tuổi thì đều vi phạm Điều 142 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Pháp luật cũng không phân biệt giới tính là nam hay nữ. Đặc biệt, nếu giao cấu với người dưới 13 thì phạm Tội hiếp dâm trẻ em, dù người đó đồng ý hay không đồng ý.
Trong khi đó, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết, Bộ luật hình sự quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là đủ 14 trở lên, vi phạm những tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Theo bà Hồng, từ 14 tuổi trở lên, các em học sinh vi phạm pháp luật vào những tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước tòa. Nếu bạn gái dưới 16 tuổi cho dù đồng ý giao cấu, nếu bạn trai đủ tuổi rồi thì người bạn trai vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Thực tế có nhiều em trai bị bắt, khi ra trước tòa nói bạn gái đồng ý giao cấu, sao lại bị bắt đi tù”, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói.
Tại buổi tư vấn pháp luật, các em học sinh cũng đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, xâm hại tình dục. Em Nguyễn Thị Lan, học sinh lớp 12A1, hỏi: "Giả sử có một bạn nữ và nam nắm tay, ôm hôn nhau ngoài giờ học thì có vi phạm pháp luật không?".
Giải đáp câu hỏi này, chị H Giang Niê - Bí thư Huyện đoàn Cư M’Gar - cho rằng, đây là hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Á Đông, cũng như đối với lứa tuổi học trò. Đối với lứa tuổi học sinh thì nhiệm vụ lớn nhất khi đến trường là học tập. Nếu không định hướng đúng, không trong sáng trong vấn đề tình cảm thì sẽ rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tương lai.
Trong khuổn khổ chương trình tư vấn, Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án về bạo lực học đường đối với trẻ vị thành niên. Đây là một vụ án có thật mà TAND Quận 4, TP.HCM từng đưa ra xét xử. Đặc biệt, phiên tòa giả định có sự tham gia của đại sứ của “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” - Hoa hậu H’Hen Niê trong vai Hội thẩm Nhân dân. Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng đã trao 40 suất học bổng cho những nữ sinh vượt khó học tập tại Trường THPT Lê Hữu Trác.
Phát biểu tại chương trình, bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, trong thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn ra phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, nhất là các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường... đang dấy lên hồi chuông báo động về an toàn xã hội, an toàn học đường.
Theo bà Bùi Thị Hòa, bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân sâu xa là nhận thức về pháp luật, chính sách về các hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của trẻ em chính các em còn hạn chế, dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em phải xử lý hình sự.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho biết, từ nhiều năm nay, Hội LHPN Việt Nam đã hướng các hoạt động vào việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em gái thông qua các hoạt động phối hợp với các bộ ngành liên quan. Trong đó, chương trình tư vấn pháp luật này là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hưởng ứng chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động.
“An toàn cho phụ nữ trẻ em là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình, bền vững của xã hội. Chung tay xóa bỏ bạo lực học đường - Bạn và tôi có thể tạo ra một cộng đồng an toàn”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định.