Cải tiến kỹ thuật soi trực tiếp và quy trình nuôi cấy định danh Malassezia
Theo TS.BS Trần Cẩm Vân, Trưởng Khoa xét nghiệm Vi sinh- Nấm- Ký sinh trùng (BV Da liễu TƯ) nấm Malassezia là nấm men ưa Lipid, thường hiện diện trên vi hệ da người và sống ký sinh ở đó.
Malassezia có một loạt hệ thống Enzym thủy phân chất béo của cơ thể vật chủ để tổng hợp dinh dưỡng thiết yếu cho quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng mà không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng lại trở thành tác nhân gây bệnh.
Hiện nay, khoa học đã xác định nấm Malassezia liên quan đến nhiều bệnh lý như lang ben, viêm da dầu, viêm da cơ địa, viêm nang lông, vảy nến, thậm chí ung thư da. Thương tổn có thể gặp bất kỳ vùng nào trên cơ thể, nhưng thông thường khu trú vùng nhiều bã nhờn như da đầu, lưng, ngực, mặt. Ngoài ra, có thể gặp ở nếp kẽ, nang lông, vùng móng.
Tại BV Da liễu TƯ, bệnh nhân đến khám và làm xét nghiệm tìm nấm điều trị bệnh rất đông. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 40 triệu lượt đến khám và xét nghiệm tìm nấm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ dương tính khoảng 60%, trong đó tỷ lệ nhiễm Malassezia trong lang ben cao nhất là 1,45%. "Bệnh da do nhiễm nấm malassezia không tử vong, nhưng gây phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt, nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ diễn biến dai dẳng, tiến triển mạn tính nặng nề", bác sĩ Vân chia sẻ.
TS.Trần Cẩm Vân cho biết, trước đây việc xác định nấm bằng phương pháp trực tiếp, đó là lấy bệnh phẩm vảy da bằng dao cùn. Tuy nhiên, phương pháp này gây tâm lý sợ hãi, không hợp tác của trẻ nhỏ thậm chí hiệu quả không cao ở một số vị trí thương tổn như mặt, cơ quan sinh dục,… Vì thế, chị cùng cộng sự đã nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật soi trực tiếp tìm malassezia, bằng cách thay đổi hóa chất và dụng cụ thao tác lấy mẫu bệnh phẩm.
TS. Vân phân tích: Trong kỹ thuật soi trực tiếp tìm malassezia, hóa chất được dùng là KOH với nồng đồ từ 10 đến 30% pha trộn với mực Parker ink với tỷ lệ thích hợp. Dung dịch này có vai trò không những làm phân rã keratin ở lớp sừng qua đó làm trong, mềm lớp sừng, mà còn có ái tính với tế bào nấm nên bộc lộ hình thái nấm malassezia rõ nét, có thể quan sát ngay. Từ đó, giúp kỹ thuật viên dễ dàng phát hiện nấm nói chung và nấm malassezia nói riêng.
Về kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm. Nếu như trước đây kỹ thuật viên thường lấy bằng dao cùn, thì với kỹ thuật này kỹ thuật viên sẽ sử dụng băng dính trong bán trên thị trường. Băng dính này có thể sử dụng trong nhiều trường hợp mà trước đây phương pháp lấy bằng dao cùn gặp khó như thương tổn ở mặt, nếp kẽ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thường sợ hãi, thậm chí gây tổn thương. Với việc sử dụng băng dính trong, sẽ khắc phục được những khuyết điểm trên, đồng thời không gây đau đớn, nguy hiểm cho trẻ.
Để so sánh hiệu quả của phương pháp lấy mẫu bệnh phẩm bằng dao cùn và kỹ thuật cải tiến, nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm với hàng trăm bệnh nhân. Kết quả cho thấy, phương pháp soi trực tiếp tìm malassezia có nhiều ưu điểm hơn. Đó là thời gian trả kết quả, thời gian lấy mẫu nhanh hơn, và nhận định kết quả dễ dàng chính xác hơn, nhất là đối tượng trẻ em, từ đó giúp quá trình điều trị hiệu quả. Đặc biệt, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, TS.BS Vân thông tin.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Vân, phương pháp này cũng có hạn chế. Đó là do hình thái vi nấm đa dạng, kích thước rất nhỏ, xuất hiện bộ nhiễm thứ phát nhiều nhóm bệnh lý khác nhau. Ngoài ra, tùy thuộc vào trình độ, tay nghề kỹ thuật viên. Hơn nữa, nếu gặp những trường hợp nấm thoái hóa do bệnh nhân dùng các thuốc không rõ trước đó thì kết quả không rõ ràng. Do đó, thời gian tới bác sĩ Vân và đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu, cải tiến về thời gian, hiệu quả. Đồng thời, tiến hành chuyển giao cho cơ sở tuyến dưới qua đào tạo liên tục, Đề án 1816…
Bên cạnh đó, với nỗ lực và mong muốn xây dựng tiêu chuẩn đánh giá số lượng Malassezia riêng của người Việt Nam, TS. Vân và cộng sự đã dày công nghiên cứu, phân tích đánh giá tùng trường hợp cụ thể trên cả nhóm bệnh nhân và nhóm người khỏe mạnh tình nguyện.
Lý giải cho vấn đề này, TS.Vân chia sẻ: Malassezia là nấm men thuộc vi hệ da người và động vật. Do đó, có sự khác nhau về hình thái vi nấm và sự phân bố loài rất đa dạng, phong phú cũng như độc lực và khả năng gây bệnh của chúng khác biệt giữa các vùng dịch tễ trên thế giới bởi tùy thuộc nhiều điều kiện về tự nhiên, xã hội và chủng tộc. Kết quả nhóm nghiên cứu đề tài thành phố Hà Nội năm 2018 đã xây dựng thành công bộ tiêu chuẩn về chỉ số gây bệnh của Malassezia cho người Việt Nam. Điều này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang tính thực tiễn rất cao giúp ích rất nhiều cho công tác thực hành lâm sàng và cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh da liên quan đến Malassezia. Hiện tại, BV đã và đang hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiến hành công bố các chỉ số về nấm Malassezia của người Việt với thế giới.
Gồng gánh hai vai
TS. Vân tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 2005 và từng làm việc tại Đại học Y Hà Nội. Năm 2006, chị về công tác tại BV Da liễu TƯ với hai vai trò vừa tham gia công tác lâm sàng và cận lâm sàng: là bác sĩ chuyên khoa Da liễu và chuyên ngành nấm- ký sinh trùng.
Công việc hàng ngày thường bắt đầu từ 5h30 cho đến khuya bằng việc đến khám bệnh, trực đêm, đi buồng bệnh, hội chẩn ca bệnh nhân nghi nhiễm nấm khó rồi nghiên cứu khoa học, giảng viên dạy kiêm nhiệm bộ môn Da liễu Trường ĐH Y Hà Nội. Ngoài khám bệnh tại BV, trường hợp bệnh nhân hay đồng nghiệp tuyến dưới cần tư vấn, chị sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ chia sẻ kiến thức chuyên môn trong xét nghiệm và thăm khám điều trị bệnh. Nhờ sự nỗ lực, tận tâm nên bác sĩ Vân được bệnh nhân và đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến.
Trong nghiên cứu khoa học, đến nay chị đã có nhiều đề tài khoa học đăng tải trên các báo trong nước và quốc tế… được đánh giá cao cũng như nhận giải thưởng sáng tạo tuổi trẻ lần 23; giải nhất chuyên ngành Vi sinh ký sinh trùng và được ứng dụng ngay tại BV, góp phần chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân. Điển hình là sáng kiến cải tiến quy trình xét nghiệm Demodex, Candida, Malassezia.
Ngoài công việc chuyên môn, TS.BS Trần Cẩm Vân còn là Ủy viên BCH Công đoàn Y tế Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn BV Da liễu TƯ. Thời gian qua, Công đoàn BV Da liễu TƯ đã phối hợp triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động thiết thực tại BV, như tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh toàn lao động, bảo vệ môi trường; thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Đặc biệt, kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp và Công đoàn y tế Việt Nam quan tâm, hỗ trợ các Đoàn viên hưởng phúc lợi cho đoàn viên và gia đình họ. Đồng thời, phối hợp Chính quyền phát động các chương trình bảo vệ nhân viên và bệnh nhân trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Cũng trong đại dịch COVID-19, Công đoàn BV đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; thực hiện phân luồng, sàng lọc đối với trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19; thành lập Đội phản ứng nhanh nội viện ứng phó với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona. Đồng thời, đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên cả về tinh thần và vật chất, đảm bảo quyền và nghĩa vụ trong giai đoạn COVID-19 cũng như giai đoạn hậu COVID-19.
BS. Vân cho hay, để làm được điều đó, bản thân chị phải cố gắng sắp xếp quỹ thời gian hợp lý và khoa học để thực hiện tốt vai trò của bác sĩ chuyên môn và chức trách của một Chủ tịch Công đoàn BV...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn