Theo bác sĩ Nguyễn Việt Phương, phụ nữ dễ bị loãng xương khi bước vào tuổi trung niên, nhất là sau khi mãn kinh. Việc cần làm để phòng, chống loãng xương là phải có chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi điều độ, cần đi khám định kỳ, đo mật độ xương để bổ sung nguồn canxi tự nhiên và hợp lý, tránh để đến lúc bệnh nặng, đau, khó vận động mới đến bệnh viện khám.
Đề tài "Hoại tử xương hàm do Bisphosphonate: báo cáo ca lâm sàng" được bác sĩ Nguyễn Việt Phương viết khi gặp một bệnh nhân nữ 83 tuổi, được bác sỹ phòng khám nội khoa chuyển sang để điều trị răng.
"Bệnh nhân lúc đó già, yếu, lưng còng, gầy gò, con gái đưa đi khám chứ không tự đi được. Bà liên tục đau nhức các răng, rồi răng tự gãy, chỉ còn chân răng. Nguyện vọng của bệnh nhân lúc đó là nhổ chân răng đi, làm răng giả để ăn nhai cho đảm bảo sức khỏe. Tôi bắt đầu quá trình điều trị cho bà, vừa chữa vừa nhổ các chân răng", bác sĩ Phương kể.
Giai đoạn nửa năm đầu sau điều trị, bệnh nhân không quay lại vì cảm thấy đã đỡ đau nhức. Nhưng sau đó, việc đau nhắc trở lại nên bệnh nhân tái khám. Lúc này, bác sĩ Việt Phương nhận thấy, tại các vùng nhổ răng của bệnh nhân, xương hàm bị lộ ra, hoại tử.
Bác sĩ Việt Phương đã cẩn thận xem lại hồ sơ bệnh án, đọc thêm tài liệu và hỏi kỹ tiền sử của bệnh nhân mới biết, bệnh nhân bị loãng xương, phải điều trị tiêm thuốc từ nhiều năm trước. Khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do dùng thuốc loãng xương thì bệnh nhân mới biết đến căn bệnh đó.
"Trước đó, khi tiêm thuốc điều trị loãng xương, chưa có bác sĩ nào nói cho bệnh nhân này biết tác dụng phụ của thuốc. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm tìm hiểu và đưa ra cảnh báo về tác dụng phụ, tai biến của loại thuốc này. Ở nhiều nước, khi tiêm loại thuốc này, bác sĩ thường giải thích rất rõ nguy cơ hoại tử xương hàm cho bệnh nhân trước khi tiêm thuốc, bệnh nhân đồng ý thì mới tiêm", bác sĩ Phương nói.
Hoại tử xương hàm là một trong những biến chứng của điều trị loãng xương bằng thuốc Bisphosphonate. Tuy nhiên, do đây là biến chứng hiếm gặp, lâm sàng không điển hình nên đôi khi bị bỏ sót chẩn đoán ở giai đoạn đầu, dẫn tới tình trạng tổn thương xương hàm nặng và phải can thiệp phẫu thuật.
Tỷ lệ hoại tử xương hàm tuy thấp nhưng số người dùng Bisphosphonate hiện nay tăng và tính chất nghiêm trọng của biến chứng này. Đề tài khoa học do bác sĩ Nguyễn Việt Phương nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra dự phòng vẫn là yếu tố quan trọng trong điều trị hoại tử xương hàm do thuốc.
Do vậy, trước khi điều trị với Bisphosphonate, các bác sĩ cần cho bệnh nhân thăm khám chuyên khoa răng hàm mặt để chăm sóc cũng như dự phòng loại trừ những nguy cơ. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ nội khoa và bác sĩ răng hàm mặt trong quá trình điều trị cho bệnh nhân có sử dụng Bisphosphonate.
"Với đóng góp của nghiên cứu này, tôi muốn nhắn nhủ tới các bác sĩ nội khoa cần giải thích rõ cho người bệnh biết để họ có biện pháp dự phòng trước khi xảy ra tai biến do thuốc", bác sĩ Phương chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn