Niềm hạnh phúc nghề của bác sỹ Trang là được đón tiếng khóc đầu tiên chào đời của các bé sơ sinh |
Câu nói của sản phụ ấy khiến những giọt nước mắt thương cảm của cả kíp mổ đã rơi. Nhắc lại ca mổ đẻ xảy ra từ 2 năm trước, gương mặt bác sỹ Đồng Thu Trang, khoa đẻ A2, Bệnh viện phụ sản Hà Nội vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khó tả.
Ca mổ đẻ đầy kỷ niệm xảy ra cách đây 2 năm, sản phụ trẻ đó là sinh viên. Bạn này vào bệnh viện cấp cứu vẫn ôm theo túi quần áo. Phòng cấp cứu chuyển bạn ấy lên khoa đẻ, nhưng bạn ấy không có người nhà đi theo. Nét mặt hoang mang, lo lắng, bạn nói như khóc: “Em không có ai bên cạnh đâu, bố mẹ đã từ em rồi, bố cháu bé cũng không muốn nhận con. Tiền em cũng không có đồng nào, nhưng em muốn sinh con…”.
Bác sỹ Trang trong một ca mổ đẻ cho sản phụ |
“Thấy gương mặt tội nghiệp, tái mét, run rẩy với cơn đau chuyển dạ cùng nỗi sợ hãi của bà mẹ lần đầu đi sinh con mà bơ vơ, các bác sỹ chúng tôi không ai bảo ai, người đi xin sữa, người đi xin cháo, động viên bạn ăn để lấy sức đẻ con” – bác sỹ Trang kể.
Đẻ xong, bạn lại bị băng huyết, chảy máu rất nhiều. “Có lẽ do nạo hút thai nhiều lần trước đó, nên sản phụ bị đờ tử cung sau đẻ, chúng tôi dùng tất cả các biện pháp phục hồi, nhưng tử cung của bạn ấy không thể khắc phục được, đành phải cắt bỏ tử cung để giữ tính mạng cho người mẹ” – bác sỹ Trang cho biết.
Trước khi ra viện, người mẹ ấy ôm chặt đứa con trai kháu khỉnh nghẹn ngào cảm ơn bệnh viện và nói, dù khó khăn đến đâu, em cũng không bao giờ bỏ rơi con của em. “Bạn ấy lại một mình ôm con, đeo túi xách lẻ loi gọi xe xuất viện, nhìn cách bạn ấy ôm con âu yếm, gương mặt người mẹ trẻ ấy chứa chan hạnh phúc. Hình ảnh tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ trẻ ấy cứ thế lan toả trong chúng tôi” – bác sỹ Trang kể.
Bác sỹ Trang dịu dàng thăm khám cho sản phụ, động viên sản phụ chờ đợi giây phút sinh con |
Gần 5 năm chính thức cầm dao mổ đẻ, bác sỹ Trang cũng không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu ca, bởi có ngày chị thực hiện khoảng 10 ca, hay nhiều hơn cũng là chuyện bình thường. Dẫu đã quen tay với tất cả các ca sinh mổ, nhưng bác sỹ Trang khẳng định: “Trước khi vào ca mổ, có thể mình phải suy nghĩ, ca đẻ này khó vậy, sản phụ có phát hiện thêm bệnh khác thì mình phải mổ như thế nào để sản phụ an toàn, lấy em bé ra như thế nào để em bé an toàn, không bị sang chấn bất cứ gì”. “Khi đã bước vào phòng mổ, mình phải bình tĩnh, sáng suốt nhất, bởi mình đang chịu trách nhiệm rất lớn trước tính mạng không chỉ của một người, mà 2 mạng người trong tay. Nên khi vào mổ là chỉ tập trung vào đôi tay, không chủ quan, lơ là một giây nào với bệnh nhân”.
Bác sỹ Trang (thứ 2 bên trái sang) thực hiện ca mổ đẻ cho sản phụ |
Theo bác sỹ Trang, nghề bác sỹ sản khoa khó nhất là mang lại sự an toàn và thoải mái tinh thần cho bệnh nhân. Phòng đẻ lúc nào cũng ồn ào đủ thứ tiếng rên rỉ, kêu la của các sản phụ, vật vã, đau đớn, tiếng xin đi mổ, tiếng kêu khóc không chịu được nữa… Mỗi chị em khi sinh con đều trải qua một cảm giác rất đau đớn, chưa bao giờ họ gặp phải, nhất là cơn đau kinh hoàng khi sắp sổ thai. Nếu bác sỹ động viên, khích lệ kịp thời, chỉ dẫn cách rặn đẻ cho sản phụ, cách lấy hơi, cách thở để giảm bớt cơn đau thì nhiều chị em sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Lo cho sự bình an của mẹ con sản phụ, đôi lúc trở về với mái ấm nhỏ bé của mình, trong bác sỹ Trang lại gợn lên nỗi áy náy khi con gái (hơn 4 tuổi) nhiều lần hờn trách mẹ: “Con nhớ mẹ lắm”, “Lâu rồi con chưa được ăn cơm có cả bố và mẹ”, “Mẹ chỉ yêu các em bé ở bệnh viện, chả yêu con gì cả”… Chị chỉ biết xoa đầu con: “Xin lỗi con, vì mẹ là bác sỹ sản khoa”.
Yêu nghề, niềm hạnh phúc gia đình chị phải chắt chiu từng giây phút để mái ấm nhỏ ở bên nhau |
Chị và chồng cùng làm ở một bệnh viện, nhưng hiếm lắm mới có một bữa cơm sum vầy đúng nghĩa ở nhà. Có hôm, thấy vợ mệt, ngoài ca trực của mình, anh lại xin trực thay vợ. “Dù khác khoa, nhưng anh ấy cũng có thể mổ đẻ, khám thai, làm mọi công việc của vợ một cách tận tuỵ nhất” – bác sỹ Trang cười tươi kể về người vừa là chồng, vừa là đồng nghiệp.