Nữ bác sĩ tự bỏ tiền thực hiện các đề tài nghiên cứu chữa bệnh cho phụ nữ

10:25 | 28/06/2019;
Khám bệnh và nghiên cứu khoa học, cuộc sống của bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan (bộ môn Cơ xương khớp, ĐH Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) gắn liền với niềm vui khỏe mạnh của bệnh nhân. Bác sĩ Thục Lan là cá nhân tiêu biểu trong ngành y có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học dành riêng cho phụ nữ.

1. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thuở nhỏ Thục Lan chơi rất thân với anh trai nên tuổi thơ gắn liền với các đồ chơi ít nữ tính. Ở trường học, bé Lan lại học rất giỏi Toán, chỉ muốn sau này trở thành phi hành gia, “chạm tay” được tới sự diệu kỳ của các vì sao.

Nhưng vào năm 1977, khi Sài Gòn mới giải phóng, gia đình Thục Lan phải đối mặt với 1 chuyện rất khó khăn, khiến cô con gái học giỏi Toán nhất nhà đã thay đổi khát vọng. Cô em gái kế Lan khi ấy mắc phải chứng bệnh tiểu ra máu ào ào, mà tài chính gia đình thì eo hẹp. Bác sĩ nói, nếu không có tiền thì không thể chữa bệnh được, gia đình có thể mang bệnh nhân về. Cả nhà chạy đôn chạy đáo, nhịn ăn nhịn uống bằng mọi cách để chữa bệnh cho em gái Thục Lan.

Năm đó, Thục Lan đang học lớp 10. Chứng kiến tất cả nỗi đau đớn thể xác và tinh thần của người thân trong gia đình khiến cô gái trẻ buồn bã và quyết đổi ước mơ. Thục Lan muốn trở thành bác sĩ, để có thể chữa được bệnh và mang lại niềm vui cho những người sống xung quanh mình.

 

chan-dung-bs-thuc-lan-0.jpg
BS Thục Lan là 1 trong những giảng viên đầu tiên góp mặt giảng dạy, nghiên cứu và khám bệnh tại Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch TPHCM

 

Nói là làm, làm là thành công. Hồ Phạm Thục Lan sau đó đã đậu thủ khoa Trường ĐH Y Dược TPHCM. Theo đúng như dự định, cô được đi học tại Liên Xô bởi thành tích xuất sắc này. Tuy nhiên, "thời thế thế thời phải thế", khi xét lý lịch thì Thục Lan bị rớt. Không được đi du học, việc vào trường Y của Thục Lan cũng bị chậm 1 năm vì các thủ tục giấy tờ. Năm 1981, Hồ Phạm Thục Lan được theo học tại ĐH Y Dược TPHCM dưới sự hướng dẫn của GS Đặng Văn Trung. Ông hướng cho cô học trò thủ khoa về bộ môn Cơ xương khớp. 

“Ban đầu tôi nghe lời thầy vào bộ môn này, cũng hơi miễn cưỡng. Nhưng càng ngày càng theo nghề, đam mê không thể cưỡng lại nổi”, BS Hồ Phạm Thục Lan nhớ lại. Khi nghiên cứu, khám bệnh, BS Thục Lan mới nhận ra rằng, đối tượng là phụ nữ bị căn bệnh loãng xương cực kỳ phổ biến và từ gốc căn bệnh này dẫn tới việc mắc căn bệnh khác đáng sợ hơn rất nhiều, nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư vú - đó chính là gãy cổ xương đùi.

BS Thục Lan là 1 trong những giảng viên đầu tiên góp mặt giảng dạy, nghiên cứu và khám bệnh tại Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch TPHCM.

 

h-phm-thc-lan.JPG
Bác sĩ Thục Lan là cá nhân tiêu biểu trong ngành y có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học dành riêng cho phụ nữ

 

2. BS Hồ Phạm Thục Lan kể: “Loãng xương là căn bệnh quá phổ biến ở nữ giới, có 30% phụ nữ bị bệnh loãng xương nhưng gãy cổ xương đùi thì chỉ từ 1-2 năm là tử vong”. Theo BS Lan, người phụ nữ thường lo tính các căn bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung… mà ít ai để ý rằng, loãng xương dẫn tới cái chết rất nhanh nếu như bị gãy cổ xương đùi. Ban đầu, bệnh nhân chỉ thấy đau, không đi lại được, nhưng thời gian ngắn sau đó thì đều tử vong với cơ chế không rõ ràng. Con số 30%-50% phụ nữ tử vong tính từ lúc mắc bệnh 1-2 năm là con số quá khủng khiếp, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả ung thư vú và cổ tử cung, tuy nhiên ít người để tâm và phòng ngừa.

“Chị em phụ nữ thường ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, bị thiếu canxi trong thực phẩm, ít uống sữa, phô mai, ăn ít rau xanh và vitamin D, nên rất dễ bị loãng xương. Khi làm nghiên cứu đề tài và khám chữa bệnh, tôi thường hỏi bệnh nhân nên đi phơi nắng vào thời gian nào để có thêm vitamin D trong người. Đa số trả lời vào sáng sớm, vì họ sợ nắng nóng làm cháy da, đen da. Điều này là hết sức sai lầm. Chị em phụ nữ Việt Nam chạy xe ngoài đường bịt khăn kín mít như Ninja, làm sao vitamin D từ mặt trời có thể thẩm thấu được vào cơ thể. Tia UV độc hại cho da thì cần bôi kem chống nắng để hạn chế sự có hại ấy, chứ cứ bịt kín hết cả người, thì không có đủ vitamin D”, BS Hồ Phạm Thục Lan khuyến cáo.

Là 1 người vợ, người mẹ, BS Thục Lan hiểu những vất vả của người phụ nữ nên tập trung nghiên cứu các căn bệnh liên quan tới người phụ nữ. Các cộng sự và học trò nữ của BS Thục Lan cũng được “ưu tiên” hơn. Tất cả các đề tài nghiên cứu, BS Hồ Phạm Thục Lan đều tự bỏ tiền túi ra để thực hiện. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch rất ủng hộ cho tinh thần nghiên cứu khoa học này nhưng ngân sách cũng eo hẹp, bên cạnh đó, BS Thục Lan vẫn phải đảm bảo tất cả thời gian khám chữa bệnh như bình thường. Do vậy, mỗi đêm, BS Thục Lan đều thức rất khuya để nghiên cứu sách vở và theo đuổi các đề tài của mình. Ngay kể cả với đề tài nghiên cứu của sinh viên, BS Thục Lan cũng đều hỗ trợ các em bằng tài chính cá nhân. 28 năm qua, hàng trăm sinh viên được BS Thục Lan hướng dẫn đề tài tốt nghiệp, cũng là chừng đó tâm sức và vật lực cá nhân của cô giáo Thục Lan đóng góp cho học trò.

 

beautyplus_20190618160531794_save.jpg
Bác sĩ Thục Lan đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.T.H

 

3. Sáng đi dạy, chiều khám bệnh, tiếp xúc và hướng dẫn cho sinh viên làm nghiên cứu, đến tối lại cập nhật kiến thức để nâng cao việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, quỹ thời gian của BS Thục Lan quá eo hẹp. Những ngày con gái của bác sĩ còn nhỏ, gần như bé con được mẹ dẫn lên bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Đến giờ, cô con gái đã lớn, theo học chuyên ngành Dược bên Mỹ, đã đi làm và hỗ trợ kinh tế giúp mẹ, theo đuổi tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học.

Đến nay, BS Hồ Phạm Thục Lan đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học dành riêng cho phụ nữ trong chuyên ngành Cơ xương khớp của mình. BS Thục Lan cũng sở hữu nhiều giải thưởng cả trong nước và quốc tế: HOSREM 2013 do thành tựu trong nghiên cứu loãng xương; “L’Oreal - UNESCO for women in science” 2015 do đóng góp cho nghiên cứu loãng xương ở châu Á và Việt Nam; Giải thưởng Vinh danh Cống hiến 2016 trong việc xây dựng và phát triển ngành Loãng xương thông quan việc tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học của Hội Loãng xương TPHCM & Hội Loãng xương Hà Nội; Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 cho các công trình nghiên cứu xuất sắc; Best oral presentation Award và Best poster Award (clinical Research) tại Hội nghị quốc tế 4th Asia-Pacific Bone & Mineral Research Meeting and Osteoporosis Fracture Prevention & Traetment Conference 2018 ở Hongkong

BS Hồ Phạm Thục Lan, tất nhiên, vẫn chưa dừng lại công việc nghiên cứu khoa học vì sức khỏe phụ nữ ở đây. Nhiều công trình nghiên cứu của BS Thục Lan vẫn đang chờ ở phía trước.

 

lan.jpg
Sáng dạy học, chiều khám bệnh, tối nghiên cứu khoa học là lịch làm việc hàng ngày của BS Hồ Phạm Thục Lan. Ảnh: Đ.T.H

 

6 đề tài phát minh, sáng chế của BS Hồ Phạm Thục Lan đã được công bố và công nhận: 

Số

TT

Tên: phát minh, sáng chế

đề tài NCKH

Chủ trì đề tài khoa học

Cấp công nhận, năm

   

1

Nghiên cứu ảnh hưởng giữa chế độ ăn chay và loãng xương

Chủ nhiệm đề tài

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, năm 2009

2

Xây dựng giá trị tham chiếu cho chẩn đoán loãng xương ở người Việt Nam

Chủ nhiệm đề tài

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, năm 2010

3

Tiên lượng loãng xương và gãy xương: vai trò của gen và các yếu tố lâm sàng

Chủ nhiệm đề tài

Chương trình hợp tác Việt Bỉ CUI, năm 2012

4

Vi cấu trúc xương trong loãng xương và thoái hoá khớp

Chủ nhiệm đề tài

Quỹ phát triển khoa học, công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, năm 2018

5

Thoái hoá khớp: tần suất, yếu tố nguy cơ và di truyền

Chủ nhiệm đề tài

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, năm 2016

6

Mối liên quan giữa loãng xương, thoái hoá khớp và các yếu tố nguy cơ tim mạch

Thành viên chính

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, năm 2018

Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan là 1 trong số những nhân vật được L'Oréal vinh danh là người đẹp có câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng qua chương trình tôn vinh nét đẹp phụ nữ "L'Oréal - Tỏa sáng nét đẹp riêng".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn