Bệnh nhân là chị Y. Vanna (54 tuổi, quốc tịch Campuchia) bị tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp và bị sỏi thận đã nhiều năm nay. Khoảng 2 tháng trở lại đây, tình trạng đau lưng và hông phải của bệnh nhân trở nặng.
Khi đi khám tại một bệnh viện tại Campuchia, nữ bệnh nhân được chẩn đoán là sỏi to thận phải vượt quá chỉ định phẫu thuật lấy sỏi nên có chỉ định cắt bỏ thận phải. Bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Quốc tế City để tham khảo giải pháp khác.
Tại đây, sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện đầy đủ các khảo sát cận lâm sàng cần thiết bệnh nhân được chẩn đoán thận phải ứ nước độ 3 do sỏi thận nội xoang. Sau phiên hội chẩn, hội đồng y khoa City Plus đã quyết định nội soi tán sỏi thận phải qua da để bảo tồn quả thận cho bệnh nhân. Đây là phương pháp ít xâm lấn, ít biến chứng, hậu phẫu nhẹ nhàng giúp bệnh nhân hồi phục nhanh nếu được phẫu thuật viên chuyên nghiệp thực hiện tại bệnh viện chuyên khoa đầy đủ trang thiết bị.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, chức năng đường tiểu tốt, không còn đau, ăn ngủ bình thường và đã được xuất viện.
ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó GĐ Y Khoa - Bệnh viện Quốc tế City cho biết, sỏi đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp, triệu chứng đôi khi âm thầm chỉ phát hiện khi có biến chứng. Biến chứng hay gặp của sỏi thận là cơn đau quặn thận do sỏi kẹt tại niệu quản gây thận ứ nước cấp tính. Bệnh nhân sẽ đau vùng hông lưng, có thể đau đột ngột từng cơn hoặc đau liên tục, dữ dội, đôi khi kèm sốt cao lạnh run.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do sỏi là biến chứng quan trọng có thể gây nguy hiểm đến sinh mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thận ứ nước do sỏi làm tắc nghẽn dòng nước tiểu kéo dài gây suy chức năng thận không hồi phục cũng là một trong những biến chứng thường gặp.
Theo BS Vân, nguyên nhân gây sỏi thận hầu hết liên quan đến rối loạn các quá trình chuyển hóa. Ngoài ra, việc ít vận động, chế độ ăn uống ít nước, thói quen nhịn tiểu, ăn quá nhiều muối, lạm dụng canxi và một số khoáng chất cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận. Khám sức khỏe định kỳ và làm siêu âm bụng giúp chẩn đoán sớm sỏi đường tiết niệu.
Hiện tại có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu hiệu quả tùy theo vị trí và kích thước của sỏi như tán sỏi qua da bằng laser, nội soi niệu quản tán sỏi, phẫu thuật nội soi lấy sỏi… Nếu phát hiện có sỏi đường tiết niệu chưa có chỉ định can thiệp cần theo dõi sát tại bệnh viện có chuyên khoa Ngoại niệu. Khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng đau tức vùng hông lưng, kèm hay không kèm theo tiểu đau, tiểu đục, sốt cao và lạnh run.
Bác sĩ khuyến cáo, chế độ dinh dưỡng cân bằng, uống đủ nước, tập luyện thể thao vừa sức, không lạm dụng khoáng chất trong dinh dưỡng và dược phẩm là cách ngăn ngừa sỏi đường tiết niệu hiệu quả.