Ở thôn Khuổi Ún (xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn), ai cũng nể phục chị Lý Thị Chung (dân tộc Dao). Bởi lẽ, không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Chung còn là Bí thư Chi bộ thôn năng động, nhiệt huyết.
Chị Chung cho biết, trước đây gia đình cũng rất khó khăn. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào vài nghìn mét vuông đất đồi trồng cây ngô, cây lúa. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp còn trông vào "trời", nếu mưa thuận gió hòa thì còn có lãi, còn không thì mất trắng. Vì thế, tằn tiện lắm chị mới đủ chi tiêu trong gia đình.
Biết hoàn cảnh khó khăn của ia đình chị, các cấp Hội Phụ nữ Pắc Nặm đã đến thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật.
Sau những lần được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do UBND xã và Hội LHPN các cấp tổ chức, cùng với sức trẻ và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Chung đã thay đổi tư duy trong làm kinh tế. Chị cho rằng, nếu chỉ trồng lúa, trồng ngô đơn thuần sẽ chẳng khá lên được.
Chị nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương phù hợp với việc trồng cỏ nuôi trâu, bò. Vì vậy, với sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng. Từ số vốn ban đầu, chị đã đầu tư mua trâu sinh sản, đồng thời mua thêm lợn nái sinh sản, lợn thịt về nuôi.
Nhờ học và ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi, đàn vật nuôi của gia đình chị sinh trưởng phát triển tốt. Riêng đàn lợn, mỗi năm chị xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa từ 30-40 con. Khoảng 2 năm nay, giá lợn hơi cũng khá ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, chị trồng hơn 4.000m2 cỏ voi, hơn 7.000m2 ngô 2 vụ và nấu rượu để tận dụng bỗng cho đàn lợn. Từ mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm gia đình chị thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Ngoài chăn nuôi, chị Chung còn phát triển kinh doanh dịch vụ hàng tạp hóa, xay xát thóc để phục vụ người dân trong thôn. Đặc biệt, do gia đình ở gần chợ gia súc địa phương, chị nhận thấy nhu cầu dịch vụ xe vận chuyển trâu, bò rất lớn. Vì vậy, vợ chồng chị đã bàn bạc mua một xe tải để chở trâu, bò thuê. Hễ đến chợ phiên, khách mua trâu bò thuê gia đình chị vận chuyển rất nhiều. Chồng chị không kham hết được còn phải thuê người lái xe.
Nhờ sự năng động, nhiệt huyết vì tập thể và làm kinh tế giỏi, đầu năm 2022 chị Chung được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Ún.
Để bà con "tin, nghe, làm theo", trên cương vị Bí thư Chi bộ, ngoài việc tiên phong phát triển kinh tế, chị Chung còn dành nhiều thời gian thời gian đến các hộ dân trong thôn để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thăm hỏi, động viên bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục, tập trung chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhìn thấy gương của gia đình chị làm kinh tế giỏi, nhiều hộ dân trong thôn đã làm theo. Đến nay, một số hộ đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế mới với mức thu nhập khá, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đánh giá về chị Chung, bà Lộc Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghiên Loan, cho biết: Chị Lý Thị Chung là hội viên phụ nữ rất nhiệt tình và có trách nhiệm trong công việc. Chị Chung luôn tiên phong trong phòng trào phát triển kinh tế của Chi hội Phụ nữ Khuổi Ún nói riêng và Hội LHPN xã Nghiên Loan nói chung. Nhờ sự năng động, sáng tạo, chị Chung đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp đem lại hiệu quả cao. Chị là một trong những tấm gương phụ nữ tiêu biểu để các hội viên trong xã có thể học tập và noi theo. "Từ thành công với mô hình làm kinh tế của gia đình chị Chung, Hội LHPN xã đã mời chị tham gia chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho các hội viên, phụ nữ trong thôn. Đồng thời, Hội cũng tổ chức cho chị em, phụ nữ đến tham quan mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị Chung", bà Yến chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn