1. Ở xã Nhuận Đức, Củ Chi đất thép thành đồng, ai ai cũng biết Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đặng có 3 người con là liệt sỹ, 5 người là thương binh, trong đó 3 anh em Chính Nghĩa từng cùng hoạt động trong đội 5, Biệt động Sài Gòn.
Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp nữ biệt động Chính Nghĩa là sự nhẹ nhàng, ấm áp, từ dáng điệu cho đến giọng nói. Bà kể, đến với cách mạng như là một định mệnh, bởi cha mất khi bà mới lên 2 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi 8 anh chị em khôn lớn.
Bà Chính Nghĩa tâm sự, khi còn rất nhỏ, với tố chất nhanh nhẹn, bà đã trở thành giao liên, tiếp tế lương thực, cơm nước cho các cán bộ hoạt động tại xã. Vùng đất Củ Chi, cái nôi cách mạng, đã nuôi dưỡng tâm hồn của một cô bé lanh lợi, "chân sáo" ngày nào, nhanh chóng trở thành người chiến sỹ cách mạng trung kiên.
Năm 1965, đội 5, Biệt động Sài Gòn về vùng đất Củ Chi để hoạt động và tìm kiếm một cô gái dũng cảm tham gia đội. Với sự thông minh, bản lĩnh, Chính Nghĩa được mọi người giới thiệu tham gia đơn vị. Ngày 15/4/1965, Chính Nghĩa đã chính thức trở thành nữ Biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê). Sau lớp học trinh sát thực địa, Chính Nghĩa được tổ chức phân công làm giao liên giữa nội thành và vùng căn cứ Củ Chi. Gia nhập lực lượng Biệt động Sài Gòn, Chính Nghĩa được giao làm giao liên, vận chuyển vũ khí, đưa thư từ...
Tết Mậu Thân năm 1968, đội 5, Biệt động Sài Gòn được tổ chức phân công nhiệm vụ tấn công Dinh Độc Lập. Khi đồng chí Ba Thanh, lúc này là Đội trưởng đội 5, hỏi Chính Nghĩa có mong muốn gì không? Chính Nghĩa trả lời dõng dạc và quyết tâm: "Được Đảng và Nhà nước giao phó, em sẽ hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là người con của quê hương Củ Chi".
Chính Nghĩa là cô gái duy nhất trong số 15 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp đánh vào Dinh Độc Lập. Trận đánh rất gian nan, tương quan lực lượng giữa ta và địch rất lớn và Chính Nghĩa bị bắt sau đó. Trải qua 6 năm nếm trải đủ các ngón đòn tra tấn, trải qua hàng chục nhà tù khét tiếng, địch vẫn không thu thập được bất cứ một thông tin gì của tổ chức cách mạng từ cô gái trung kiên. Bà đã bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Sau hiệp định Paris, mãi đến năm 1974, Chính Nghĩa mới được trả tự do cùng hàng nghìn chiến sĩ khác bị giam cầm tại "địa ngục trần gian" này. Năm 1975, cô gái đầy nghị lực ấy lại có mặt trong đội quân tiến về Sài Gòn trong những ngày tháng Tư lịch sử.
2. Sau khi đất nước thống nhất, bà Chính Nghĩa được giao nhiệm vụ tiếp quản khu công cụ tại Gò Vấp. Năm 1976, bà công tác tại Viện kiểm sát quận Phú Nhuận. 5 năm sau, nữ Biệt động Sài Gòn chuyển sang công tác tại Tổng cục Cao su Việt Nam cho đến khi bà nghỉ hưu vào năm 1986. Ở bất kỳ vị trí nào, bà Chính Nghĩa cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bà Chính Nghĩa có mối tình lãng mạn, son sắt với chính đội trưởng đội 5, biệt động Sài Gòn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyễn Thanh Xuân, tức Bảy Bê. Chiến tranh đã khiến bà và mọi người gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng sự hy sinh, đức tính trung hậu, đảm đang truyền thống của phụ nữ Việt Nam đã giúp bà vượt qua tất cả, cùng người chồng thân yêu xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Năm 2006, ông Nguyễn Thanh Xuân qua đời. Hiện nay, bà Chính Nghĩa đang sống cùng với gia đình cậu con trai - một chiến sỹ công an nhân dân, ở ngôi nhà trên đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TPHCM. Ở tuổi 73, bà vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt chi bộ Đảng tại địa phương.
Hồi tưởng về ngày 30/4/1975, bà Chính Nghĩa tâm sự: "Đó là ngày của đoàn tụ gia đình, ngày của yêu thương, hạnh phúc vỡ òa khi non sông đã về một mối".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn