Nữ cán bộ có biệt tài cảm hóa người "phía bên kia"

06:00 | 31/05/2018;
Tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chị Phan Thị Sâm là cơ sở cách mạng quan trọng. Dù bị địch bắt, từ tra tấn dã man đến dụ dỗ, mua chuộc nhưng chị luôn giữ vững niềm tim, kiên cường tập hợp bạn tù lên án hành động của kẻ thù.

Chị Phan Thị Sâm (tên thường gọi Phan Thị Sốt), sinh ngày 20/2/1907 tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam.

Là một cán bộ đấu tranh chính trị, trong quá trình tham gia cách mạng, chị đã trực tiếp hướng dẫn quần chúng đấu tranh, tuyên truyền cảm hóa, giác ngộ những người tham gia chính quyền "phía bên kia" trở về với cách mạng. Mặc dù bị địch bắt tra tấn dã man nhưng chị quyết không khai, một lòng bảo vệ cơ sở cách mạng.

biu-tnh-phn-i-ch-m-dim-trong-khng-chin-chng-m.jpg
Biểu tình phản đối chế độ Mỹ - Diệm trong kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1941, chị Phan Thị Sâm làm liên lạc, cứu tế cho cách mạng thôn Giáng La, giúp cơ sở cách mạng không bị lộ. Năm 1945-1946, chị làm tổ trưởng tổ phụ nữ thôn cùng các đồng chí trong chi bộ phát động nhân dân khởi nghĩa dành chính quyền. Trong các năm từ 1949-1951, chị làm công tác phụ nữ ở thôn, tham gia ban chấp hành  phụ nữ xã, tích cực tham gia cứu thương, tải đạn, vận động nhân dân tham gia hũ gạo nuôi bộ đội, thương binh.

Trong những năm 1954-1955, chị đã vận động nhân dân ra đồng ngăn chặn xe không cho địch phá lúa. Khi bà con bị thương, chị có mặt chăm sóc, đưa người bị thương lên chính quyền (cũ) khiếu nại, đòi bồi thường.

Từ năm 1956-1959, chị bị giam ở nhà lao Vĩnh Điện và ở Sài Gòn. Mặc dù bị đánh đập dã man nhưng chị vẫn một lòng với cách mạng. Cuối năm 1959, không khai thác được gì, địch buộc phải thả chị về. Để tránh lộ bí mật, tổ chức quyết định bố trí chị ở lại Sài Gòn hoạt động phong trào đô thị. Tại đây, chị đã nhận đưa đón cán bộ ở quê vào hoạt động, chuyển tài liệu cho đồng chí Phan Xuân Thúy và một số cán bộ nằm vùng ở Trường Đua – Sài Gòn, trực tiếp vận động cảm hóa, giác ngộ người tham gia ngụy quyền trở về cách mạng.

Ngày 31/1/1967, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, địch đã tàn sát 145 đồng bào và trẻ em tại làng Thủy Bồ - Điện Thọ. Chị đã khôn khéo lừa địch lấy súng, đạn trang bị cho du kích.

Tháng 10/1969, có 3 tiểu đoàn địch, trong đó có cảnh sát dã chiến và lính trung đoàn 51 ngụy mở cuộc càn quét xã Điện Thọ, bắt đồng bào ta vào khu Cẩm Lý, bắt 25 người mà chúng cho là thuộc diện thanh lọc xuống Hội An giam giữ, trong đó có chị Phan Thị Sâm. Dù bị chúng tra tấn dã man, dụ dỗ, mua chuộc song chị vẫn kiên cường, không khai báo, không nhận tội. Chị còn tập hợp bạn tù tổ chức tuyệt thực, lên án hành động tàn sát của chúng. Chị đã dùng dao tự cắt cổ mình trước mặt quân thù để phản đối hành động bắt người của chúng, buộc chúng phải đưa chị đi cấp cứu và thả những người bị bắt.

Chị Phan Thị Sâm qua đời vào năm 1979. Chị được khen thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 2 Huân chương giải phóng hạng Ba.

Chị vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo quyết định số 622/QĐ-CTN ngày 26/4/2018 của Chủ tịch nước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn