Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang là cán bộ kỹ thuật, đã có hơn 11 năm gắn bó với TYM. Chị hiện đang công tác tại Phòng Giao dịch số 02 thuộc TYM - Chi nhánh Đô Lương, Nghệ An.
Chị Trang sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo của mảnh đất Hà Tĩnh. Bố mất sớm khi chị mới 15 tuổi, nên chị luôn tâm niệm: "Một mình mẹ nuôi bốn anh em chúng tôi lớn lên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nên chúng tôi luôn yêu thương nhau và tự nhủ bản thân phải cố gắng trong mọi công việc, sống tử tế và làm những điều tốt để không phụ lòng mẹ đã vất vả nuôi nấng chúng tôi để có được như hôm nay". Ra trường với tấm bằng cử nhân chị quyết định chọn TYM là nơi để gửi gắm ước mơ của mình.
Chị Trang kể, càng công tác lâu tại TYM, chị càng nhận thấy những giá trị tốt đẹp đằng sau mỗi hành động của tổ chức nên chị đã quyết tâm gắn bó và dành mọi tâm huyết cho công việc. Hơn một thập kỷ làm việc tại TYM, chị Trang đã đi đến nhiều vùng quê khác nhau của tỉnh Nghệ An. Ở nơi đâu chị cũng thấy rằng còn có rất nhiều chị em phụ nữ cần được hỗ trợ.
"Khi chuyển công tác về Anh Sơn - một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An và giáp với Lào, gần gũi và tiếp xúc hàng ngày với đồng bào ở những vùng xa xôi của tỉnh Nghệ An giúp tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của họ. Gắn bó với TYM, tôi hiểu được những ý nghĩa tốt đẹp mà TYM mang lại cho những người dân ở những vùng khó khăn", chị Trang chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, chị Trang đang quản lý 690 khách hàng, trong đó có hơn 200 người là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong những năm tháng gắn bó với hoạt động hỗ trợ phụ nữ, chị Trang chia sẻ, bản thân chị có vô vàn những kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những ngày đầu tiên khi mới về vùng cao, đường đi cơ sở của chị mỗi ngày là hàng chục cây số quanh co, gập ghềnh đường đất đá, khi mưa lớn thì sình lầy, lụt lội gần như không thể vào nổi nhà dân. Rất may mắn chị được những người dân ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) tận tình đưa đường, chỉ lối và thậm chí là bỏ công, bỏ việc để đưa chị vượt qua những đoạn đường khó để đến với các chị em phụ nữ. Những lúc như vậy, chị Trang cảm thấy vui hơn là mệt nhọc và hạnh phúc khi được gắn bó với công việc tại TYM.
Năm 2022, chị Trang là cán bộ có kết quả giải ngân cao nhất chi nhánh, góp phần đem lại nguồn vốn cần thiết cho chị em phụ nữ để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Để đạt được những thành tích như vậy, theo chị Trang bên cạnh tình yêu nghề, những cán bộ cần đặt tâm mình vào trong công việc.
"Địa bàn tôi hoạt động có đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, khả năng giao tiếp bằng tiếng Kinh còn hạn chế. Cá biệt có những phụ nữ không biết viết nên rất khó khăn trong việc làm hồ sơ vay vốn. Chắc chắn điều này cũng sẽ khiến họ gặp nhiều trở ngại khác, nhất là khả năng tiếp cận thông tin và làm việc. Vì vậy, tôi đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn, dạy chữ cho các chị em. Đến nay, nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ của các chị khi đến cụm, tự tin khi giao dịch, tự đọc và kí tên trên các giấy tờ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Mặc dù bản thân chưa làm được quá nhiều cho các chị nhưng chứng kiến những thay đổi ấy tôi thật sự rất vui", chị Trang tâm sự.
"Trái ngọt" cho những nỗ lực không ngừng của chị Trang là việc đa số phụ nữ tại đây đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của TYM để từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Chị Trang chia sẻ: "Với TYM, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nguồn vốn, chúng tôi còn đồng hành và hỗ trợ khách hàng về kinh nghiệm làm kinh tế, tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua kết nối giới thiệu sản phẩm do chính khách hàng của TYM làm ra".
"Ngoài ra, các khóa tập huấn cũng được thực hiện để các chị em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, từ đó có thể thoát ra khỏi cái nghèo", chị Trang chia sẻ thêm.
Năm 2023, Nguyễn Thị Quỳnh Trang xuất sắc giành được Giải thưởng cán bộ tín dụng tiêu biểu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do tổ chức Whole Planet Foundation trao tặng. Đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh các cán bộ tín dụng xuất sắc của các tổ chức tài chính vi mô trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến năm 2023, đã có 9 cán bộ TYM được vinh danh trong khuôn khổ Giải thưởng này.
Một trong những khách hàng nhận được sự giúp đỡ của chị Trang là người phụ nữ dân tộc Thái Trần Thị Mai (SN 1981, trú tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Gia đình chị Mai có 04 người con, kinh tế phụ thuộc chính vào nông nghiệp nên đời sống không mấy khá giả. Sinh ra và lớn lên tại một bản nghèo của xã Phúc Sơn nhưng vợ chồng chị Mai đều có chung mục tiêu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chị Mai chia sẻ, đã có nhiều dự định phát triển kinh tế được hai vợ chồng nghĩ ra nhưng đến khi bắt tay vào triển khai thì vướng mắc lớn nhất vẫn là nguồn vốn. "Đang nắng hạn thì gặp mưa rào", chị Mai biết đến TYM thông qua tư vấn và giới thiệu của chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Từ đó, những dự định làm giàu trên mảnh đất quê hương của vợ chồng chị Mai có cơ hội được thực hiện.
"Các cán bộ của TYM hướng dẫn và làm thủ tục vay vốn rất nhanh chóng. Tôi được nhận vốn sớm và phương thức hoàn trả cũng rất linh hoạt và đơn giản. Mới đầu, khi nghe cán bộ của TYM tư vấn, chúng tôi sợ bị lừa, sợ lãi suất vay sẽ cao nhưng qua nói chuyện, chúng tôi tin tưởng và mạnh dạn vay vốn", chị Mai cho biết.
Với nguồn vốn vay của TYM, vợ chồng chị Mai tập trung vào xây dựng homestay để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách. Kết hợp với đó, vợ chồng chị Mai kinh doanh buôn bán đặc sản của quê hương như thịt trâu, bò gác bếp, nuôi lợn, gà để trực tiếp bán cho du khách. Nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ của TYM cũng như cách kinh doanh sáng tạo mà cuộc sống hiện tại của gia đình chị Mai đã phát triển hơn trước rất nhiều. Gia đình chị đã có của ăn, của để và 04 người con cũng đều được học hành đến nơi, đến chốn.
"Một điều không chỉ tôi mà các chị em khác cũng đều nhận thấy đó là chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, giao lưu, học hỏi miễn phí của TYM, từ đó giúp nắm bắt được thị trường, định hướng phát triển kinh tế phù hợp", chị Mai chia sẻ.
Chị Lương Thị Tuyết (SN 1983, trú tại thôn 1, xã Linh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) cũng là một trong những tấm gương điển hình về việc sử dụng nguồn vốn của TYM để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống.
Với đặc điểm địa hình nên gia đình chị Tuyết từ lâu gắn bó với cây chè. Mặc dù rất muốn mở rộng phương thức sản xuất theo hướng trồng trọt kết hợp với chăn nuôi nhưng gia đình chị Tuyết bị hạn chế bởi nguồn vốn để phát triển. Giống như nhiều khách hàng khác, chị Tuyết cũng tìm được "chiếc phao cứu sinh" từ nguồn vốn hỗ trợ của TYM. Nhờ đó gia đình chị Tuyết đã có thể phát triển kinh tế theo hướng trồng chè kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, thông qua các nhóm khách hàng TYM, chị cũng có thể quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của gia đình mình đến nhiều người khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn