Làm đỏ lửa "Bếp hồng" nhà Hội
Ngay sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TPHCM, Hội LHPN phường Tân Hưng Thuận đã nhanh chóng triển khai, tuyên truyền các quy định về phòng chống dịch của thành phố, cung cấp các thông tin quan trọng đến chị em, hội viên để nắm rõ tình hình, đính chính những thông tin sai lệch về dịch bệnh, giãn cách giúp người dân tin tưởng vào chính quyền và nhà nước, đồng lòng đồng sức để chiến thắng dịch bệnh.
Song song với việc tuyên truyền, cuối tháng 5/2021, Hội LHPN phường Tân Hưng Thuận còn phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức "Bếp hồng" khu cách ly. Chị Loan không ngần ngại xung phong đứng bếp. Mỗi ngày, bếp ăn nấu hơn 200 suất cơm tiếp sức đội ngũ y, bác sĩ và người dân phải thực hiện cách ly phòng dịch Covid-19.
Kể từ khi nhận nhiệm vụ nấu ăn, nữ chi Hội trưởng này luôn bắt đầu ngày mới từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ đêm. Chị luôn chân luôn tay với nhiều đầu việc từ chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng, vào hộp, phân chia từng bịch lớn, nhỏ theo nhu cầu của mỗi khu khu cách ly. Chị Loan kiêm luôn "shipper" đưa những suất ăn ấm áp tình người ấy tỏa đi khắp nơi.
Sang tháng 7/2021, hoạt động của "Bếp hồng" được đưa về từng khu phố. Trong 40 ngày đầu thực hiện, "Bếp hồng" tại khu phố của chị Loan đã phục vụ được 800 suất ăn sáng, 2.000 suất cơm trưa và chiều, 2.000 ly nước giải khát gửi đến lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch ở địa phương.
Chị Loan cho biết: "Thời gian đầu thì mọi người chưa quen nên cảm thấy rất vất vả. Việc phân công, chuẩn bị, bố trí người vào các khâu hay bị chồng chéo. Thế nhưng, sau vài ngày mọi thứ đã được ổn định, chị em dần quen với công việc. Thế là bếp ăn nấu liên tục. Mọi người ăn ngon là chúng tôi vui rồi".
F0 nhưng không nghỉ việc
Dù tích cực thực hiện các quy định phòng chống dịch nhưng dịch bệnh lây nhiễm nhanh chóng, vào tháng 8/2021, chị Loan bị nhiễm Covid-19, khiến cả gia đình trải qua nhiều lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên, chị Loan đã quen với việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con khi mắc bệnh phải làm gì, nên chị bình tĩnh và tự áp dụng vào cho bản thân.
"Lo lắng thì ai cũng có nhưng chỉ một chút thôi, sau đó tôi tìm giải pháp ngay. Tôi bình tĩnh gọi điện thoại cho chồng, nhờ anh mang quần áo, một ít chanh sả vào căn phòng gia đình đã chuẩn bị sẵn để tự cách ly. Nhờ làm công tác Hội lâu năm nay đến khi có tình huống phát sinh mình giải quyết nhanh lắm và cũng bình tĩnh hơn. Tôi còn động viên tinh thần ngược lại cho chồng và hai con nữa đấy", chị Loan dí dỏm cho biết.
Tuy là F0 đang tự cách ly nhưng chị Loan vẫn không ngừng làm việc và vận động online. Những lúc cảm thấy sức khỏe ổn định, không sốt cao, khó thở là chị tiếp tục kêu gọi bạn bè, người thân đóng góp để giúp người dân. Chị đã vận động được 140 triệu đồng mua nhu yếu phẩm, thực phẩm chia sẻ cho người dân địa phương với 280 suất.
Ngay sau khi khỏi bệnh, chị lại tiếp tục đi vận động rau, trứng, sữa cùng với các dì, chị trong khu phố, vận động các chủ nhà trọ chia sẻ khó khăn với bà con bằng việc giảm chi phí thuê phòng… Đặc biệt, "Bếp hồng" của chi hội phụ nữ khu phố 2 tiếp tục đỏ lửa sau nửa tháng tạm ngưng.
Song song với tổ chức bếp ăn, chị Loan còn tham gia hỗ trợ các đội truy vết xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhận, phân phối và chuyển rau, củ, quả, nhu yếu phẩm đến các khu cách ly, khu phong tỏa. Mô hình "Rau 0 đồng" tại khu phố của chị đã được các mạnh thường quân và nhiều người dân chung tay đóng góp. Trung bình mỗi tuần chị vận động được một đến hai chuyến xe rau, củ, quả, trái cây, mỗi chuyến gần 6 tấn từ các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh, Khánh Hòa chuyển vào. Nhiều khi, chị Loan cũng tự bỏ tiền cá nhân ra để mua rau củ tặng bà con. Trong thời gian đầu năm học mới, chị Loan cũng tất bật vận động các mạnh thường quân triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sách giáo khoa, chi phí sinh hoạt cho các em nhỏ mồ côi vì dịch Covid-19 và các em gặp khó khăn khi học trực tuyến.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn