Nữ chiến sĩ Cảnh vệ xứ Thanh giàu lòng nhân ái

14:51 | 21/12/2021;
Sinh ra và lớn lên ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), Đại úy Nguyễn Thị Thảo (Phòng Kỹ thuật bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) được biết đến là người chiến sĩ Cảnh vệ đầy tâm huyết, trách nhiệm với công việc, có lòng say mê nghệ thuật và giàu lòng nhân ái.

Trong những năm còn là học sinh, Nguyễn Thị Thảo đã bộc lộ năng khiếu và có niềm đam mê ca hát. Chị là cán bộ văn - thể - mỹ và là đội trưởng đội văn nghệ của trường. Năm 2004, chị đã giành giải "Học sinh thanh lịch" toàn huyện. Thần tượng bố là chiến sĩ Công an nhân dân nên từ bé chị đã mơ ước và khao khát được khoác trên mình bộ sắc phục trang nghiêm của lực lượng Công an. Tuy nhiên, do năm đó Học viện An ninh nhân dân không tuyển nữ nên chị đã vào học chuyên ngành thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội rồi sau khi tốt nghiệp mới về công tác trong lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.

Từ khi vào Ngành, chị không những rèn luyện sức khỏe, chuyên môn, nghiệp vụ như: bắn súng, võ thuật, bơi lội, ngoại ngữ… mà còn trang bị những kỹ năng "mềm" như khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách trôi chảy, đồng thời phải thường xuyên tập trung quan sát xung quanh để nắm bắt, phán đoán tình huống, ứng xử linh hoạt trong các tình huống bất ngờ. Chị chia sẻ, công tác nghiệp vụ mang tính chất đặc thù nên chị khá bận rộn, vất vả khi thường xuyên phải trực quân số, chưa kể những chuyến công tác đột xuất. Khó khăn khi vừa phải cân đối giữa công việc và gia đình nhưng bản thân chị luôn tích cực học tập, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu rèn luyện trong mọi hoàn cảnh, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. "Tôi nguyện góp phần công sức bé nhỏ của mình xây dựng lực lượng Cảnh vệ - người cận vệ trung kiên bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ, "thanh bảo kiếm" của Đảng, trở thành lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại...", chị bộc bạch.

Bên cạnh công tác chuyên môn, chị còn là "hạt nhân" văn nghệ ở trong và ngoài đơn vị. Chị cùng đồng đội đã tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân toàn quốc năm 2018 và giành giải A toàn đoàn. Cũng trong năm ấy, chị bén duyên với truyền hình và hiện là cộng tác viên dẫn chương trình tại Trung tâm sản xuất truyền hình Công an nhân dân (ANTV) với nhiều chuyên mục. Năm 2021 chị đã giành giải Nhì cuộc thi "Sắc xuân Cảnh vệ" và đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc"… Chị còn vinh dự được các cấp hội phụ nữ đề nghị Hội Phụ nữ Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2021.

Có một "phần thưởng" mà chị dành được gần đây cũng phần nào nói lên sự tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng trong nữ chiến sĩ Công an nhân dân xứ Thanh này. Đó là chị đã giành giải trong cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến toàn quốc (do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức) với cuốn trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" của nhà thơ Lữ Mai. Hẳn với những ai xem phóng sự mà chị đều sẽ rất xúc động bởi chất giọng truyền cảm, một cảm xúc dâng trào mãnh liệt qua từng con chữ. Đó là cuốn sách nói về các cựu chiến binh hơn 10 năm qua đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm hài cốt đồng đội của mình còn nằm lại tại "đất khách" Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).

Đại úy Nguyễn Thị Thảo bộc bạch, bản thân là người lính được sinh ra trong hòa bình, trước những tác phẩm về đề tài chiến tranh, cách mạng, chị luôn đọc nó bằng niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc. Trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" là cuốn sách được viết nên bởi niềm rung cảm, một tấm lòng lớn, đặc biệt là sự trăn trở lớn của một công dân, một nhà văn có trách nhiệm. Chị tin rằng nó sẽ chạm vào trái tim mỗi con người một cách tự nhiên nhất và chắc hẳn, từ đó sẽ lan tỏa thêm nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn trong cuộc sống. Còn nhà thơ Lữ Mai thì cho rằng, là nữ chiến sĩ công tác trong ngành Công an, Thảo có cách phát hiện, tiếp nhận đề tài rất nhân văn. Trước đó Thảo đã mua sách, và bây giờ cô ấy dành toàn bộ tiền thưởng để ủng hộ các cựu chiến binh Trung đoàn Mũ sắt trên hành trình đi tìm hài cốt đồng đội.

Nữ chiến sĩ Cảnh vệ xứ Thanh giàu lòng nhân ái - Ảnh 1.

Đại úy Nguyễn Thị Thảo bên các em nhỏ ở Bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) được in trên lịch Công an nhân dân 2022

Bận rộn với công việc của một chiến sĩ Cảnh vệ nhưng Đại úy Nguyễn Thị Thảo luôn sắp xếp để tham gia các chuyến tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa. Trong tâm trí, chị còn nhớ trong cái giá rét của mùa Đông năm 2016, chị đã tham gia chương trình "Đông ấm vùng cao" tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị thiện nguyện, trong đó có Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện 198 Bộ Công an thực hiện. Có đến tận nơi chị mới biết rằng, cái lạnh ở thành phố không thấm vào đâu so với cái lạnh ở huyện miền núi Mường Lát, khi nhiệt độ có khi xuống âm độ. Nhìn những đứa trẻ không có quần áo ấm đứng co ro ven dọc đường khiến chị và đoàn công tác không khỏi chạnh lòng, xót xa. Chuyến từ thiện ấy, Thảo và đoàn công tác đã trao đến các em nhỏ và phụ huynh tiền, quần áo, sách vở, hỗ trợ khám, cấp phát thuốc cho bà con, đồng thời thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Là người có một số chuyến đi thiện nguyện cùng Đại úy Nguyễn Thị Thảo, Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Công an xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), nguyên Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tuy công tác tại Thủ đô nhưng mấy năm trước mỗi khi Đoàn Thanh niên Công an tỉnh có đợt thiện nguyện trên địa bàn tỉnh là Thảo lại xông xáo, nhiệt tình tham gia. Thảo là cô gái sống nội tâm, luôn chất chứa lòng thương người, không chọn cách thiện nguyện ồn ào, phô trương mà làm theo cách đơn giản nhất có thể để lan tỏa giá trị yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn".

Đại úy Thảo luôn tâm nguyện: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" bởi thế dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn sẵn sàng chia sẻ với tinh thần "Lá lành đùm lá rách". Theo Thảo thì cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn khi con người biết yêu thương, đùm bọc để tạo nên một cộng đồng gắn kết, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước là "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn