Nữ xạ thủ đạt giải cá nhân xuất sắc nhất môn bắn súng
Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Huế là tổ viên tổ bảo vệ kiêm nhân viên nấu ăn, với chất giọng nhẹ và nụ cười luôn thường trực trên môi. Ít ai ngờ người phụ nữ nhỏ nhắn ấy từng khiến đồng đội và bạn bè quốc tế nể phục khi chị giành giải cá nhân xuất sắc nhất ở môn bắn súng, trong dịp Phái bộ UNISFA tổ chức giải thi đấu thể thao kéo dài 10 ngày, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Phái bộ.
Vừa chăm sóc vườn rau xanh ngay nơi ở lúc cuối chiều muộn, nữ xạ thủ quê ở quận Hà Đông, Hà Nội, cười bảo: "Vườn rau này hình thành sau hơn 1 tháng sang đây, từ đó đến nay các bữa ăn của đồng đội không còn thiếu rau xanh nữa. Nhất là món rau bầu, rau bí được chúng tôi khai hoang, tăng gia ở nhiều mảnh đất trống giờ ăn không hết, nhiều lần còn đem tặng cho đội bạn quốc tế khác để cải thiện bữa ăn".
Nhắc đến lần đoạt giải cá nhân xuất sắc nhất môn bắn súng, Thu Huế hồ hởi khoe: "Hạnh phúc nhất của tôi là được bạn bè quốc tế để ý nhiều hơn đến màu cờ sắc áo của Việt Nam, đến nữ "chiến sĩ mũ nồi xanh" khi đi tham gia gìn giữ hoà bình tại Phái bộ".
Những đồng đội cùng đơn vị đều đã quen với bóng hình nữ xạ thủ nhỏ nhắn nhưng luôn hoạt bát, tươi cười và sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Đến Abyei, chị được phân công nhiệm vụ trái nghề là nấu ăn nhưng chị thường xuyên được chỉ huy tin tưởng, phân công bảo vệ cho đồng chí nhân viên tài chính đi lấy tiền cho đơn vị tại Enterbe, Uganda. Là người có năng khiếu về văn hoá, văn nghệ, thể thao nên mỗi khi có hoạt động tại đơn vị hay Phái bộ, dường như chưa khi nào vắng nữ xạ thủ năng động và đầy nhiệt huyết này.
"Tôi cũng rất nhớ gia đình và con trai cả năm trời vắng mẹ"
"Bố tôi tham gia quân ngũ, cho đến khi về hưu, ông là thương binh gương mẫu cho con cháu noi theo. Anh trai tôi hiện đang công tác trong quân đội ở tỉnh Điên Biên", chị vui vẻ "bật mí" về truyền thống nhà binh của gia đình.
"Tôi bắt đầu tập bắn súng từ năm 1997, khi đó tôi học ở trường Đại học Thể dục thể thao ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1998, trường thành lập đội tuyển bắn súng và tôi là một thành viên được chọn. Sau đó, tôi được tuyển vào đơn vị quân đội, tham gia nhiều đợt thi bắn súng của đơn vị từ năm 1998 đến năm 2008", chị Thu Huế chia sẻ và lý giải việc mình đạt giải nhất cá nhân môn bắn súng khi so tài với các đội nước bạn là không quá bất ngờ.
Năm 2019, Thu Huế được lựa chọn vào Cục Gìn giữ hoà bình để huấn luyện. Khi được xem các tư liệu về châu Pphi, chứng kiến những người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đang sống vô cùng khó khăn, chị bỗng có mong muốn sớm được đến lục địa đen giúp người dân ở đây phần nào vượt qua thời khắc khó khăn này.
Còn nhớ những ngày đầu chị đến Abyei, ai cũng mệt mỏi vì lệch múi giờ, lại thêm không khí oi bức, nắng bỏng rát ở châu Phi, khó nhất là nước dùng sinh hoạt lại thiếu trầm trọng.
"Vẫn là nguồn nước ấy nhưng dưới cái nắng nóng bỏng rát trên 40 độ C thì nước chỉ chảy ra nhỏ giọt, thậm chí đang chảy lại ngừng, chúng tôi chờ đợi để đón từng xô nước dùng cho sinh hoạt cũng là một khoảng thời gian kỳ công. Chính vì thế, nhiều chị đã nhờ anh em cắt giúp đi mái tóc dài của mình thành tóc ngắn. Các anh em nam giới còn húi tóc cao cho tiện tắm gội, tiết kiệm nước sinh hoạt", chị Thu Huế nhớ lại.
Vượt qua mọi khó khăn, sự khắc nghiệt của thời tiết, các anh chị em Đội công binh số 1 đều quen dần với cường độ làm việc và thời tiết ở Abyei.
"Chứng kiến cuộc sống của người dân ở đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, ngay cả đồ ăn và đồ dùng trong gia đình như xoong chậu nấu ăn, hay bát, đũa cũng không có. Nhất là màn ngủ cũng là thứ xa lạ với họ, trong khi ở đây muỗi nhiều vô kể. Có lần chúng tôi ra thăm nhà dân buổi tối, nhìn những vết muỗi chi chít nổi mẩn trên mặt, tay, chân trẻ nhỏ mà xót ruột", chị Thu Huế kể.
Trong một lần Đội công binh số 1 Việt Nam tổ chức đi khám sức khoẻ, tư vấn bệnh miễn phí cho người dân bản địa, khi khám xong, thấy người mắc bệnh nhiều, rất cần thuốc, cần cứu chữa nhưng dụng cụ y tế của đơn vị mình cũng như của các nước bạn cũng hạn chế, toàn đơn vị giúp họ mà không biết khi nào mới đủ.
"Thương nhất là nhiều em nhỏ muốn được học, được viết chữ nhưng sách vở, các em cũng thiếu, cái ăn, cái mặc không đủ, khiến người làm cha, làm mẹ như chúng tôi đều thấy nghẹn lòng", chị Thu Huế trầm giọng nói.
"Hôm có ý định ở lại tăng cường thêm 1 nhiệm kỳ, thêm 1 năm xa gia đình, tôi gọi điện về cho con trai đang học lớp 10 chia sẻ mong muốn của mẹ. Con trai im lặng một chút rồi bảo: Mẹ cứ yên tâm công tác thêm đi, con và mọi người ở nhà vẫn ổn, không sao đâu mẹ". Nghe con động viên, chị chợt thấy cổ họng nghẹn lại nhưng kèm theo đó là quyết tâm lớn hơn, thêm 1 năm xa con, rồi mẹ sẽ sớm trở về với gia đình mình thôi.
Sẵn sàng tâm thế nhưng đến ngày nhìn các đồng đội lên đường về nước sau 1 năm xa nhà, cảm xúc buồn tủi trong chị bỗng trào dâng: "Tôi cũng mong được về nhà, 1 năm đằng đẵng nhớ gia đình, nhớ con trai ngày một lớn không có mẹ ở bên... Nhưng được sự động viên của đồng đội, tôi lại nén lòng mình vì nhiệm vụ còn ở phía trước".
"Dù đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình xa nhà nhưng tôi cũng là người hạnh phúc, vì luôn được gia đình ủng hộ, động viên. Cả nhà đều tự hào mỗi khi nhắc đến công việc của tôi đang làm ở Liên hợp quốc", Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Huế nghẹn ngào bộc bạch.
Ngày nào cũng vậy, sau những giờ làm nhiệm vụ, chị và đồng đội lại dành ít thời gian nhắn tin, điện thoại hỏi thăm gia đình để phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà. Mỗi khi nhớ con, nhớ gia đình, chị lại xem đi xem lại những bức hình đã lưu trong điện thoại, nén nỗi nhớ nhà thật sâu tận đáy lòng để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn