Nữ chiến sĩ quân y bạc đầu từ thuở đôi mươi

08:10 | 16/05/2019;
Bằng sự nỗ lực phi thường, bằng niềm tin chiến thắng, những nữ chiến sĩ quân y đã vượt qua mọi chông gai, thử thách, thậm chí là cả hy sinh mất mát, để cùng tập thể cán bộ, y bác sĩ Viện Quân y 211 lập nên những chiến công vẻ vang, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuối năm 1965, 300 cán bộ, giáo sư, y, bác sĩ, hậu cần, quân nhu, quân trang, cận vệ, điều dưỡng thuộc 2 Bệnh viện Quân y 103 và 108 được tuyển chọn, trong đó có 24 nữ lên đường thành lập bệnh viện tuyến cuối của chiến trường B, Viện Quân y 211. Họ là những người ưu tú được lựa chọn với mệnh lệnh: Ưu tiên tất cả cho chiến trường.

 

co-thuc-oanh.jpg
Trung tá thấy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thục Oanh

 

Gần 3 tháng trời hành quân, đêm đi, ngày nghỉ, mắc võng ngủ rừng, trên trời máy bay quần thảo, chỉ cần một chút bất cẩn là trong tích tắc, máy bay phản lực ào tới biến tất cả thành tro bụi, dưới đất là muỗi rừng, vắt rừng nhiều vô kể. Biết bao khó khăn gian khổ, biết bao nỗi niềm khó nói mang tên “phụ nữ” không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, Chuẩn úy, chiến sĩ quân y ngày ấy và sau này là trung tá, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Thục Oanh đã có những chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam.

 

Phát khổ vì “đến tháng” 

Mỗi chị em được phát cho 3m vải màn. Chúng tôi xé nhỏ, khâu lại rồi để từng bọc trong túi. Khổ nhất là không có xà phòng. Mỗi lần “đến tháng”, chúng tôi phải nhờ giao liên dẫn đi khoảng 10 phút để thay. Nếu ở gần suối thì giặt, còn ở xa suối thì đành gói lại để vào ba lô. Đêm đến, chuột rừng ngửi thấy, bò vào cắn hết rồi khoét cả quần lót khiến tôi không có đồ để mặc. Tôi không biết làm thế nào. May quá, khi đến trạm nghỉ, thấy tôi có vẻ mệt mỏi, mọi người ưu tiên cho tôi, đổ ra 2 cân gạo để nấu cho có sức khỏe. Vậy là tôi nảy ra sáng kiến lấy phần đuôi bao gạo thừa ra, cắt lấy một đoạn rồi ngồi vá vào quần. Trời thì tối, đèn không có, tôi đành tận dụng ánh trăng lọt qua kẽ lá để khâu. Thấy tôi cứ hý hoáy không ngủ, có anh mắc võng ngủ gần đó trông thấy, sáng ra cứ trêu suốt: Sao bao gạo của Oanh còn ngắn thế? Kiểu này nếu còn sống cả, về miền Bắc thì phải viết báo mới được. Tôi xấu hổ lắm, cả ngày không dám nói một câu nào.

 

Rửa mặt bằng... chất độc da cam 

Trên đường hành quân, bỗng tôi thấy nước phun như mưa xuống. Mừng quá, tôi vội đưa tay ra hứng rồi xoa lên mặt cho mát. Khi đến chỗ dừng nghỉ, tôi mới kể chuyện rửa mặt bằng nước mưa, anh giao liên liền nói: Đồng chí Oanh xuống suối rửa mặt ngay. Đó không phải là nước mưa mà là chất độc da cam máy bay địch phun xuống. Mọi người kêu lên: Nhưng giờ khô hết mặt rồi còn đâu. Vì thế, tôi bị nhiễm chất độc da cam mà không biết.

 

Thật không ngờ, chỉ 1 tháng sau, tóc tôi đã điểm bạc. Tôi liền nhờ mọi người nhổ tóc bạc, nhưng khi tóc mọc lên lại bạc tiếp. Tháng thứ hai thì mọi người bảo: Chị bạc hết đầu rồi.

 

Bẻ hoa rừng thay nén nhang dâng đồng đội 

Trên đường hành quân vào chiến trường, tôi đã chứng kiến sự hy sinh rất đau lòng của đồng đội. Khi chúng tôi vừa tới Quảng Bình thì bom đã rơi trúng 1 chị y tá khiến chị văng đi. Một lần, dọc đường hành quân nhìn thấy 1 chiến sĩ đang nằm trên võng, khẩu súng AK vắt ngang người. Tôi lay người, chẳng thấy anh ấy động tĩnh gì. Hóa ra, anh ấy đã hy sinh từ lúc nào do sốt rét ác tính. Một lần khác, tôi bắt gặp 2 anh bộ đội cũng hy sinh trong trường hợp tương tự.

 

nu-chien-si-quan-y-tai-bv-da-chien-trong-kccm-cuu-nuoc.jpg
Nũ chiến sĩ quân y tại các bệnh viện dã chiến thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu

 

Khi vừa vào đến địa điểm tập kết, có 1 nữ chiến sĩ bị sốt rét ác tính biến chứng dẫn đến suy thận rồi hy sinh. Chúng tôi bọc cô bằng nylon, giập nứa bó lại rồi mang ra bờ suối chôn cất. Bờ suối nhiều đá sỏi, khó đào sâu, tôi chỉ lo nước lũ về cuốn trôi cô đi mất. Thương đồng đội, tôi vội lên rừng bẻ một bó hoa thay nén nhang thơm vĩnh biệt người bạn. Mọi người xót thương và cảm động lắm.

 

“Kho máu lưu động” 

Dù khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc, dù ốm đau mà chúng tôi thường phân biệt: Ốm đứng (ốm nhưng vẫn phải làm việc bình thường), ốm ngồi (không đứng được nhưng vẫn ngồi tiêm, băng bó không nghỉ tay cho thương bệnh binh) và ốm nằm (không thể dậy được, phải nằm tại giường) nhưng chúng tôi vẫn tổ chức điều trị đâu vào đấy, kiên quyết không để xảy ra trường hợp phải chết oan. Có lần, bệnh viện bị lộ phải sơ tán, vậy mà chỉ trong 1 ngày, với nỗ lực phi thường, các cán bộ, y bác sĩ đã vận chuyển toàn bộ 1.000 thương, bệnh binh đến địa điểm mới an toàn. Đặc biệt, tất cả cán bộ, y bác sĩ nơi đây trở thành... kho máu dự trữ lưu động. Bất cứ ai cùng nhóm máu đều sẵn sàng hiến để cứu thương binh.

 

Giờ đây, ở tuổi 85, trung tá, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Thục Oanh vẫn còn rất minh mẫn, giọng kể vẫn rành rọt bởi tất cả những trải nghiệm thời chiến quá đỗi bi thương và hào hùng đã khắc sâu vào trong tâm khảm. Với bà, dường như ký ức chưa một ngày nguôi ngoai. Bà bảo: Còn sống ngày nào, bà vẫn cần mẫn, cố gắng làm được điều gì đó để tri ân các anh hùng liệt sĩ, hỗ trợ chị em đồng đội - những người đã cùng bà thân gái dặm trường, “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước, góp phần làm nên chiến thắng, đem lại hòa bình cho dân tộc.

 

Bà cũng bảo: “Từ ngày về hưu, tôi cứ làm dần dần. Cứ thấy chị em nào khổ, khó, tôi lại không nhắm mắt bỏ qua được. Giờ vẫn còn một nỗi niềm đau đáu, một số chị em bị nhiễm chất độc hóa học, cuộc sống khó khăn mà vẫn chưa được hưởng chế độ”. Nói đến đây, bà nghẹn giọng: “Thương thân mình, thương chị em” bởi bản thân bà cũng bị nhiễm chất độc da cam và không có con.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn