Nữ chiến sĩ Trường Sơn: Cả nhà cùng làm từ thiện

10:00 | 19/05/2019;
Gặp cô Trần Thị Chung, Ủy viên BCH Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nữ Chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Gia đình nữ Doanh nhân Trường Sơn, tôi không khỏi bị thuyết phục. Người nữ cựu binh đã ngoài 60 tuổi khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự năng động, quyết đoán không chỉ trong công việc mà còn trong công tác xã hội, từ thiện.

Trò chuyện với cô, tôi không thể hình dung cô lấy đâu ra sức lực để làm nhiều việc thiện đến thế. Mấy chục năm làm từ thiện, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, về nghỉ chế độ, bắt tay cùng chồng gây dựng kinh tế gia đình, cô đã có biết bao việc làm nghĩa tình để tri ân đồng đội, tri ân những người đã cống hiến và hy sinh cả tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước. Gần chục năm, dấu chân của cô in đậm trên những nẻo đường đến với đồng bào bị thiên tai, bão lũ, đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng chiến khu cách mạng.

 

Từ năm 2010 đến nay, năm nào cô cũng tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, năm ít nhất cũng trên 100 triệu đồng, năm nhiều nhất lên đến vài tỉ đồng. Có thể kể một số hoạt động tiêu biểu như: Dịp Tết nguyên đán xuân Tân Mão (2010), cô đã tổ chức thăm, tặng quà cho đồng bào Vân Kiều thuộc 3 bản làng giáp biên giới Lào thuộc xã Kinh Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, gồm 155 suất quà, mỗi suất 300 nghìn đồng và 20kg gạo, tổng trị giá 100 triệu đồng.

 

ts.jpg
Cựu chiến binh Trường Sơn, doanh nhân Trần Thị Chung

 

Năm 2011, khi bão lũ xảy ra ở miền Trung, cô đã cùng gia đình trực tiếp mang quần áo, chăn màn và đồ dùng thiết yếu trao tận tay đồng bào 2 xã Lâm Thủy, Trường Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) trị giá 230 triệu đồng. Năm 2012, cô đã tổ chức gặp mặt, tặng quà cho nữ CCB, ủng hộ đồng bào Nhật Bản bị động đất, sóng thần, tặng học bổng cho các cháu khuyết tật, hỗ trợ gia đình nghèo và các cụ già neo đơn tại Định Hóa, Thái Nguyên... tổng trị giá 115 triệu đồng. Năm 2013, cô hỗ trợ nhiều hoạt động: Xây điểm vui chơi cho trẻ, khám, phát thuốc miễn phí cho các cụ già có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, tổ chức cho CCB đi viếng các nghĩa trang Trường Sơn, Đường Chín Nam Lào..., nhận nuôi dưỡng thường xuyên 1 cụ già neo đơn... tổng trị giá trên 1 tỷ đồng.

 

Năm 2014, cô tham gia ủng hộ chiến sĩ Trường Sa, ủng hộ quỹ Nghĩa tình đồng đội, tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn và nhiều hoạt động khác với tổng trị giá 964 triệu đồng. Tương tự, năm 2015, cô đã tham gia nhiều hoạt động với tổng trị giá 108 triệu đồng, năm 2016 là 435 triệu đồng, năm 2017 là 394 triệu đồng, năm 2018 là 209 triệu đồng. Riêng số tiền xây nhà tình nghĩa, cô đã ủng hộ lên tới 735 triệu đồng.

 

Truyền cảm hứng cho các hoạt động thiện nguyện 

Với số tiền ủng hộ và quyên góp ủng hộ lên đến hơn 23 tỷ đồng và biết bao thời gian, công sức dành cho các hoạt động thiện nguyện, xây dựng các công trình công cộng, cô khó có thể thực hiện được nếu không có sự chung tay góp sức của gia đình và các đồng nghiệp. Cô bảo: Tôi thật may mắn vì chồng, con, thậm chí là cả hai cô con dâu cũng luôn nhiệt huyết, tận tâm với các hoạt động từ thiện. Nếu có việc gì, cả gia đình đều vui vẻ tham gia. Bản thân chồng cô cũng là cựu chiến binh, là lính sư đoàn 2, khu 5 năm xưa nên rất hiểu, ủng hộ các hoạt động thiện nguyện của cô. Cô cũng bảo: Ở tuổi tôi, người ta có tiền đi du lịch đó đây, ăn vận đồ hiệu, đi xe xịn, còn tôi thì đi làm từ thiện. Mỗi khi nhìn thấy những mảnh đời thiếu may mắn, tôi lại không đừng được.

 

chi-chung-trao-qua-cho-cac-nu-ts-kho-khan-phia-bac-2015.jpg
Cựu chiến binh Trường Sơn, doanh nhân Trần Thị Chung trao quà cho các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn khu vực phía Bắc

 

Gặp cô ở trường Mầm non Hà Nội - Montessori, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nơi cô là chủ trường với hơn 200 trẻ đang theo học, tôi không khỏi bất ngờ.Trường Mầm non Hà Nội - Montessori là một mô hình đào tạo, nuôi dưỡng trẻ tiên tiến, áp dụng chương trình giáo dục của Italia, đề cao tính tự lập của trẻ. Khác với những gì tôi hình dung ban đầu, ở cô toát lên sự năng động, trẻ trung, nhiệt huyết và đầy năng lượng.

 

Tôi càng ngạc nhiên hơn, khi ở Công ty tư nhân mà có Chi bộ và đầy đủ các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Chi đoàn thanh niên. Chi bộ do cô làm Bí thư lúc đầu chỉ có 3 đảng viên, đến nay phát triển lên đến 18 đảng viên. mấy năm gần đây, mỗi năm Chi bộ của công ty thường kết nạp từ 1-2 đảng viên.

 

Chia tay cô, tôi không khỏi thầm cảm phục ý chí và nghị lực của người CCB Trường Sơn năm nào. Mới 16 tuổi đã lên đường nhập ngũ, được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội nuôi quân. Với nhiều sáng kiến cải thiện bữa ăn cho bộ đội, 19 tuổi cô được đặc cách nhận danh hiệu nữ chiến sĩ quyết thắng. Trở về từ chiến trường, không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ được phân công tại trường Đại học Luật Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, cô còn cùng chồng gây dựng phát triển kinh tế gia đình: Năm 2000, cô cùng chồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh phát triển nhà và thương mại Hà Nội. Năm 2005, gia đình cô đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng trang trại tại Yên Bái, trồng hơn 108ha cây gió bầu (trầm hương), gỗ xưa đỏ, cây quế và chăn nuôi lợn rừng, ngựa bạch... Năm 2014, gia đình cô thành lập trường Mầm non Hà Nội Montessori.

 

Giờ đã mãn nguyện bên gia đình hạnh phúc, các con học hành giỏi giang, thành đạt nhưng cô vẫn đau đáu một nỗi niềm: Mong muốn xây một trạm đón tiếp các đồng đội năm xưa để cùng nhau tri kỷ, cùng nhau nhắc nhớ về những năm tháng bi hùng, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ đi sau, động viên nhau tiếp tục sống vui, khỏe và ý nghĩa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn