Nữ chính khách là ‘mắt xích’ chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

22:32 | 02/06/2018;
Sau các nhân vật cấp cao Triều Tiên, trong đó có Kim Yo-jong - em gái của lãnh đạo Kim Jong-un và Đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui (54 tuổi) đang là nhân vật trọng yếu trong các công việc liên quan đến thượng đỉnh Mỹ - Triều, diễn ra tại Singapore ngày 12/6 tới.
choe-son-hui-3.jpg
Bà Choe Son Hui, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Kim Kye Gwan

 

Đóng vai trò là Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son Hui là một trong rất ít các phụ nữ giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền Triều Tiên. Là con gái cựu Thủ tướng Triều Tiên Choe Yong Rim, bà Choe là nhà ngoại giao kỳ cựu cùng Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Kim Kye Gwan (75 tuổi) có mặt tại các cuộc đàm phán quốc tế, trong đó có những cuộc đàm phán sáu bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) về giải trừ vũ khí hạt nhân được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2008.
 
Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình chỉ từ tháng 2/2012. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà Choe vẫn tiếp tục trao đổi quan điểm với các cựu quan chức Chính phủ Mỹ tại các hội nghị quốc tế. Bà Choe được cho là đã liên hệ với đặc phái viên Mỹ Joseph Yun tại Na Uy vào tháng 5/2017 để trao đổi về trao trả tự do cho sinh viên Mỹ từng bị Triều Tiên bắt giữ ở Bình Nhưỡng.
 
choe-son-hui-1b.jpg
Bà Choe Son Hui - lãnh đạo nữ hiếm hoi của ngoại giao Triều Tiên

 

Bà được thăng chức từ Vụ phó lên Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ từ năm 2016. Tiếp đến, cuối tháng 2/2018, bà Choe được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao. Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cho biết Choe là người phụ nữ giữ chức vụ cấp cao nhất trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên hiện nay. Các chuyên gia về đối ngoại kỳ vọng việc thăng chức của bà Choe có thể liên quan tới sự chuẩn bị của Triều Tiên cho các cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ.
 
Một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là điều cần thiết để hai bên hóa giải những bất đồng một cách thẳng thắn, đồng thời là cơ hội duy nhất để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Để đạt được điều đó đòi hỏi cả Mỹ và Triều Tiên cần sẵn sàng gạt bỏ những nghi kỵ lẫn bất đồng, cùng nhau xây dựng lòng tin và tìm được "mẫu số chung" để hướng tới mục đích phi hạt nhân hóa, qua đó mang lại nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
 
lanh-dao-my-trieu.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh

 

Ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông sẽ tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới. Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ sau cuộc gặp với ông Kim Yong-chol - Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên tại Nhà Trắng.
 
Dinh Istana là một trong những địa điểm được xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều do tính chất quan trọng của sự kiện. Istana là nơi ở và văn phòng làm việc của tổng thống và thủ tướng Singapore, tọa lạc trong một tổ hợp rộng lớn. Cấu trúc của tòa nhà gần giống với phong cách châu Âu, được các kỹ sư quân sự người Anh ở Ấn Độ thiết kế vào thế kỷ 18.
 
 
istana-singapore.jpg
Dinh Istana là một trong những địa điểm được xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

  

Ngoài ra, khách sạn Shangri-La, nơi thường xuyên tổ chức sự kiện Đối thoại Shangri-la với sự tham gia của nhiều lãnh đạo quốc tế, cũng đang được xem xét. Tuy nhiên, địa điểm cuối cùng sẽ được quyết định khi chi tiết hội nghị thượng đỉnh được định hình thông qua các cuộc đàm phán cấp cao ở Panmunjom và Singapore.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn