Nữ chủ nhân của đàn đại gia súc lớn nhất Phìn Hồ

19:45 | 21/12/2022;
Buồi chiều miền sơn cước xuống nhanh. Chị Giàng Seo Thì vội vàng đi lên đồi rồi đưa đôi tay hú lên từng tràng dài. Chỉ thoáng sau, theo tiếng gọi của chị Thì cả trăm con trâu, ngựa, bò… từ bốn phía lao nhanh về khu chuồng. Chị Thì đứng đó nhìn đàn gia súc với tâm trạng vô cùng phấn chấn.

Chị Giàng Seo Thì, người dân tộc Hoa ở bản Đề Tinh 2 (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đang sở hữu cả trăm trâu, bò, ngựa. Suốt mấy chục năm qua, chị Thì đã nỗ lực gây dựng cơ nghiệp trên vùng đất khó.

Cao nguyên Phìn Hồ là nơi sinh sống của bà con người Hoa. Đất đai nơi đây rộng bát ngát nhưng cuộc sống của người dân còn gặp nhiều gian khó. Cái nghèo đến từ nhiều nhẽ: Thiếu vốn sản xuất và thiếu cả quyết tâm biến cái khó thành cái thuận lợi. Ấy vậy mà ở bản Đề Tinh 2, vợ chồng chị Giàng Seo Thì lại nghĩ khác. Họ đã không quản ngại khó khăn, từng bước xây dựng kinh tế gia đình vững vàng. Đến giờ, gia đình chị Thì có cả một đàn gia súc lớn.

Men theo lối mòn, chúng tôi tìm đến nơi chăn thả gia súc của chị Thì. Cả một vùng cao nguyên rộng lớn hiện lên giữa bốn bề mây núi. Gần tới trang trại đã nghe thấy tiếng mõ trâu lốc cốc, mõ bò leng keng và tiếng ngựa hí vang. "Bản nhạc" đó kéo dài bất tận như sua tan vẻ tĩnh mịch của miền sơn cước.

Người phụ nữ dân tộc Hoa sở hữu đàn gia súc lớn nhất ở Phìn Hồ - Ảnh 1.

Sau gần 20 năm, gia đình chị Thì đã có đàn gia súc lên đến cả trăm con

Chị Thì đang cùng chồng gia cố lại khu chuồng trại. Dãy chuồng dài cả trăm mét đó được chị che chắn bạt cẩn thận. Quanh khu chuồng cũng được dọn dẹp sạch sẽ. "Mấy hôm nay trời rét quá, vợ chồng tôi còn chuẩn bị cả củi để sưởi ấm cho trâu bò. Nhiệt độ nơi này có lúc xuống còn mấy độ, mình mà lơ đễnh là đám trâu, đám bò lăn ra ốm cả loạt", chị Thì vừa tranh thủ dọn chuồng vừa nói.

Thoáng cái, chị Thì đã dọn xong khu chuồng. Dãy chuồng được phân làm 3 khu để cho chúng ở.

Dọn chuồng trâu, trồng cỏ voi là hai việc mà bà con người Mông, người Hoa ở cao nguyên Phìn Hồ trước đây rất ít khi làm. Bao đời bà con chăn gia súc thả rông, ngày chúng lên đồi, lên núi kiếm sống, tối chúng về chuồng, chứ  ít người coi trọng việc chăm sóc chúng. Với chị Thì lại nghĩ khác, muốn nó sinh sôi nảy nở, người chủ cũng phải quan tâm tới chúng nhiều hơn. 

Buồi chiều miền sơn cước xuống nhanh. Mây mù xám xịt đã bao phủ bốn phía. Chị Thì vội vàng đi lên đồi rồi đưa đôi tay hú lên từng tràng dài. Chỉ thoáng sau, cả vùng thảo nguyên như có động rừng. Theo tiếng gọi của chị Thì cả trăm con trâu, ngựa, bò… từ bốn phía lao nhanh về chuồng. 

Đàn trâu béo mầm, đàn bò mập mạp, con nào con nấy tranh nhau kéo về chuồng. Đặc biệt là mấy chục chú ngựa phi nước đại trên thảo nguyên nom thật đẹp. Chúng biết, đến giờ chủ cho ăn ngô, nên con nào con nấy cố gắng về sớm nhất. Về đến dãy chuồng, đám trâu, bò, ngựa tự biết vào ô chuồng của mình.

Chị Thì đứng đó nhìn đàn gia súc với tâm trạng vô cùng phấn chấn. Cuộc đời chị chưa bao giờ nghĩ có một ngày gia đình chị có cả một đàn gia súc lớn đến vậy. Khi đàn gia súc đã yên ổn trong chuồng, chị mới lấy ngô, muối cho chúng ăn. Như cảm nhận được sự quan tâm của nữ chủ nhân, đám trâu, đám bò, con nào con nấy ngoan ngoãn hóng đợi. 

Chị Thì bảo: "Mình cho ăn muối để chúng quen chuồng. Có những ngày mình không lên trang trại, chúng sẽ tự về".

Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Gia đình chị Thì đã sống ở cao nguyên Phìn Hồ từ nhiều đời nay. Bao năm gia đình chị trồng ngô, trồng lúa, một nắng hai sương mà cuộc sống vẫn đói, vẫn khổ. Mỗi khi gia đình có ai ốm đau, đi khắp bản không vay đủ tiền để đưa người thân đi viện. 

Nhiều lần vợ chồng chị bàn nhau, xem làm gì để sống, chứ cứ bới đất lật cỏ mãi thế này không ổn. Bản thân chị Thì cũng chịu thương, chịu khó, hết lên nương, về nhà chị cũng tất bật với đàn lợn, đàn gà. "Mình làm từ sáng đến tối mà cuộc sống vẫn nghèo. Nhiều lúc đi nương, mình cũng than, sao mà đời dân mình khổ thế", chị Thì nhớ lại những năm tháng khó khăn trước đây.

Năm 2005, cơ hội đã đến với với gia đình chị Thì. Sau những buổi tập huấn về chăn nuôi do huyện mở ra. Gia đình chị được vay 5 triệu đồng để mua 1 con trâu cái. Lần đầu tiên chị vay tiền ngân hàng chính sách để làm ăn, chị lo lắm. Khoản tiền đó là cả một gia tài so với hoàn cảnh gia đình chị. Cuộc sống vất vả cứ lần hồi trôi qua.

Người phụ nữ dân tộc Hoa sở hữu đàn gia súc lớn nhất ở Phìn Hồ - Ảnh 2.

Đàn ngựa trị giá mấy trăm triệu đồng của gia đình chị Thì

"Nhà có công to, việc lớn gì, bán con trâu, con ngựa đi là có tiền. Mình chịu khó làm lụng nuôi chúng, nên đàn gia súc cũng thương mình hơn. Chúng ăn no, chóng lớn".

Chị Giàng Seo Thì, Phìn Hồ, Nậm Pồ, Điện Biên

Sau 2 năm, con trâu cái này đã đẻ được 1 con nghé. Chị chăm bẵm chúng như thành viên trong gia đình vậy. Ngày thả đi nương, tối về cho ăn thêm cỏ voi. Mùa đông chuồng trại được che chắn cẩn thận, chị còn bổ sung thêm cám gạo cho đám trâu.

Bẵng đi cả chục năm, từ một con trâu ban đầu, chị đã có cả một đàn trâu. Qua những năm nuôi nấng, chăm sóc đàn trâu, chị nhận thấy ở cao nguyên Phìn Hồ đất đai rộng ngút ngàn, nếu mình nuôi thêm bò, thêm ngựa nữa cũng sẽ có thu nhập. 

Vợ chồng chị lại vay mượn, mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình chị có cả trăm con gia súc. Ngày ngày vợ chồng chị lên trang trại của gia đình chăm sóc chúng. 


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn