Nữ chủ tịch phường hứa ‘từ quan’ nếu vỉa hè không thông thoáng

18:05 | 11/03/2017;
"Nếu bản thân tôi không làm được chức năng quản lý vỉa hè, tôi sẽ dừng lại để đồng chí khác thay tôi" - đó là lời tuyên bố của bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM.
Tại hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị hôm 11/3, bà Trương Thị Minh Tín cam kết mạnh mẽ, đến hết quý 1/2017, phường Bình Trị Đông B sẽ dọn dẹp thông thoáng vỉa hè 3 tuyến đường trọng điểm đã đăng ký với thành phố là Vành đai trong, Tên Lửa và Hồ Học Lãm.
them-mot-lanh-dao-hua-tu-quan-neu-khong-dep-duoc-via-he-sai-gon-29-131854.jpg
 Bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B
Cũng trong quý 1/2017, phường sẽ lập lại trật tự lòng lề đường đối với 4 tuyến đường trọng điểm đã đăng ký với quận. Nếu đến hết năm 2017, phường Bình Trị Đông B không hoàn thành nhiệm vụ thì bà Trương Thị Minh Tín sẽ từ chức.

Không để ông Đoàn Ngọc Hải thành 'ngôi sao cô đơn'

Là nơi tiên phong trong việc quyết liệt ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, tạo sức lan tỏa cho các địa bàn khác, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, để tổ chức lại trật tự lòng lề đường, trong thời gian qua, quận 1 đã tuyên truyền, vận động, xây dựng 9 tuyến đường văn minh mỹ quan đô thị, triển khai mô hình “ô khu vực tự quản, nhóm hộ liền kề”... Đặc biệt, từ ngày 16/1/2017 quận 1 đã ra quân lập lại trật tự đô thị, tổ chức lại vỉa hè với 23 lượt tại 45 tuyến đường trọng điểm. Qua đó, lập biên bản xử lý 1.177 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vệ sinh môi trường, xử phạt gần 700 triệu đồng.
doan-ngoc-hai-2-8954-1489227310.jpg
Không để ông Đoàn Ngọc Hải thành 'ngôi sao cô đơn' - ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh
“Công tác ra quân lập lại trật tự đô thị đã được nhân dân sinh sống trên địa bàn quận 1 đồng tình, ủng hộ, kể cả dư luận trong nước. Nhiều hộ dân trên tuyến đường Trần Quang Khải, Võ Văn Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Lý Tự Trọng... cũng hưởng ứng bằng hành động tự vận động lẫn nhau tháo gỡ, giải tỏa các bục, tam cấp, bồn hoa; thậm chí các hộ kinh doanh trên tuyến đường Bùi Viện, Hoàng Sa, Nguyễn Đình Chiểu không còn để bàn ghế trên vỉa hè như trước đây. Qua đó đã có 45/134 tuyến đường thay đổi diện mạo, không còn tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán”, ông Trần Thế Thuận cho hay.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh: Hầu hết các quận, huyện đều nỗ lực trong việc thực hiện cam kết về giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, nhất là trên 159 tuyến đường trọng điểm đã đăng ký từ đầu năm 2012. Tình trạng buôn bán, đỗ xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường đã ký cam kết nhìn chung giảm đáng kể so với trước khi đăng ký, thể hiện rõ ở địa bàn một số quận như quận 2, 3, 4, 7, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi…
anh23_fult.jpg
Đa số người dân đồng tình với chủ trương của chính quyền thành phố trong việc quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường  
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Không để việc anh Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đơn lẻ như “một ngôi sao cô đơn” trong việc ra quân lập trật tự đô thị". Không thể đủ sức đưa toàn bộ lực lượng đi dọn hết từng chỗ, nên bắt buộc Bí thư, Chủ tịch UBND và Trưởng công an phường cũng phải ra hiện trường động viên, tiếp lửa, có như vậy mới xử lý dứt điểm”.

Tại hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho biết, đa số người dân đồng tình với chủ trương của chính quyền thành phố trong việc quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường nhưng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Bởi lẽ, vỉa hè gắn với chuyện mưu sinh của nhiều gia đình. Muốn giải quyết chính quyền cần có lộ trình cụ thể, có biện pháp chuyển đổi công ăn việc làm cho những người buôn bán hàng rong, có bãi giữ xe để người dân gửi, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố.

“Việc lập lại trật tự đô thị cần thực hiện qua 3 bước là cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động, tuyên truyền nhắc nhở, sau đó nếu vi phạm thì lập biên bản xử lý vi phạm hành chính sau đó mới tiến hành cưỡng chế, giải tỏa. Đằng sau mỗi gánh hàng rong là cả một gia đình, vì thế nhiệm vụ của chính quyền là vừa phải lập lại trật tự đô thị vừa phải tổ chức lại cuộc sống an cư lạc nghiệp cho người dân”, bà Tô Thị Bích Châu kiến nghị.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn