Bà mẹ một con, chuyên gia tài chính nổi tiếng Canna Campbell từng nổi tiếng với bản hồ sơ tiết kiệm vô cùng ấn tượng, tiết kiệm 36.000 USD trong 13 tháng bằng cách cắt giảm chi tiêu và chuyển sang làm công việc mới.
Dựa trên kinh nghiệm của mình, Canna đã có những bài chia sẻ để giúp mọi người có được cách chi tiêu hợp lý hơn. Để nhanh chóng tăng quỹ tiết kiệm của mình, nữ chuyên gia tài chính khuyên bạn hãy tránh 8 sai lầm cơ bản mà chúng ta thường mắc. Những sai lầm này tuy nhỏ song lại khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái "cháy túi" cuối tháng.
Quá siết chặt ngân sách của mình
Nữ chuyên gia tài chính người Úc Canna Campbell
Nữ chuyên gia tài chính người Úc cho rằng, bạn không nên quá siết chặt ngân sách của mình vì điều đó chỉ làm cuộc sống của bạn thêm khó khăn hơn mà thôi.
"Nới lỏng ngân sách và khiến cuộc đời trở nên dễ thở hơn, đó chính là bí quyết. Hãy luôn nghĩ rằng có những thứ thực ra chênh lệch với mức giá trong tưởng tượng của bạn, chúng có thể đắt hơn bạn tưởng."
Cô "khoanh vùng" cho sự chênh lệch này rơi vào khoảng từ 10 USD đến 100 USD.
"Nếu như thẻ gym của bạn có mệnh giá là 85 USD một tháng, tôi khuyên bạn nên ước tính nó nằm ở khoảng 90 USD hoặc 100 USD trong ngân sách của mình. Việc ước lượng này có thể cho bạn một giới hạn lỗi, giúp bạn không bị bất ngờ trong lúc nhận hóa đơn và bỏ tiền ra chi trả. Hãy luôn ước tính trước các khoản tiền mà bạn cần phải chi trả".
Không thường xuyên kiểm tra ngân sách
Canna cho rằng sẽ rất khó để tiến tới mục tiêu ngân sách mà bạn đã đặt ra nếu bạn không thường xuyên kiểm tra ngân sách của mình.
"Ngay khi bạn nhận ra những chi phí phát sinh mới, bạn phải lập tức đưa nó vào ngân sách của mình. Đừng nghĩ rằng những khoản chi dù nhỏ rồi sẽ ổn thôi hay bạn sẽ sớm không chi vào đó nữa. Bạn đang làm khó chính bản thân mình trong việc quản lý ngân sách đấy."
Hãy kiểm tra kế hoạch tài chính của bản thân vào mỗi 2 tuần hoặc 1 tháng 1 lần. Mỗi lần kiểm tra ngân sách như vậy, hãy tự hỏi bản thân rằng liệu việc chi tiêu có đang ở mức tốt hay không. Sẽ tốt hơn khi bạn bổ sung vào kế hoạch chi tiêu những tình huống phát sinh, thay vì cố tảng lờ nó.
Không có một tài khoản dùng cho tình huống khẩn cấp
"Điều quan trọng là nhất định cần có một tài khoản cho các tình huống khẩn cấp".
Hãy luôn có khoản chuẩn bị cho những tình huống phát sinh. Ví dụ như một thiết bị nào đó trong nhà hỏng và bạn cần phải gọi thợ sửa chữa để đảm bảo cuộc sống của mình. Cần chắc chắn rằng bạn luôn có một khoản độc lập cho những tình huống này.
"Có thể lập khoản này bằng việc chi thêm một khoản mới hoặc tìm cách tiết kiệm từ các khoản khác. Điều quan trọng là nhất định cần có một tài khoản cho các tình huống khẩn cấp".
Tài khoản khẩn cấp tất nhiên sẽ không gây thiệt hại cho ngân sách của bạn, vì nó được lập ra và theo dõi một cách riêng biệt.
Quá nóng vội
Một trong những sai phạm lớn nhất mà nhiều người thường mắc phải trong quá trình lập lại cách chi tiêu cho mình chính là quá nóng vội. Chúng ta không cho phép bản thân mình một khoảng thời gian để thay đổi dần dần mà hấp tấp muốn mọi thứ phải ngay lập tức vào quỹ đạo mới.
"Việc này cũng giống như khi bạn tập thể thao hay rèn luyện các kỹ năng vậy. Chúng ta cần phải kiên nhẫn luyện tập. Ngân sách của bạn sẽ không vào trật tự mới một sớm một chiều. Bạn cần tìm cách để sắp xếp các khoản chi cũng như cho bản thân một khoảng thời gian để tất cả vận hành trơn tru".
Bí quyết hàng đầu của Canna chính là biến việc quản lý ngân sách trở thành việc bản thân cảm thấy thoải mái mỗi khi làm, chứ không phải là một thủ tục bắt buộc chỉ cần nghĩ đến đã thấy nhàm chán.
Không thừa nhận với chính bản thân
Canna Campbell chia sẻ chúng ta thường có xu hướng không chú trọng vào những chi tiêu thiết yếu trong cuộc sống, vờ như chúng ta không hề chi tiêu nhiều như chúng ta vẫn đang làm song sự thật không phải vậy.
"Nếu như bạn ngồi xuống và cộng dồn mọi thứ từ khoản chi nhỏ nhất vào, bạn sẽ nhận ra rằng những thứ mà bạn từng bỏ tiền lớn hơn nhiều những gì bạn nghĩ".
Bông đùa với bản thân không giúp gì bạn trong việc chi tiêu hợp lý. Hãy bổ sung các khoản chi thiết yếu và kiểm tra sao kê ngân hàng thường xuyên cũng như các khoản chi bằng tiền mặt.
Thiếu sự bàn bạc với người thân
Rất nhiều trong chúng ta nghĩ rằng không cần thiết phải chia sẻ, bàn bạc về ngân sách của mình với người thân.
Theo nữ chuyên gia tài chính, rất nhiều trong chúng ta nghĩ rằng không cần thiết phải chia sẻ, bàn bạc về ngân sách của mình với người thân trong gia đình hay bạn bè.
"Bạn nên ngồi xuống và thảo luận về vấn đề ngân sách của mình với người thân. Việc này vừa giúp bạn có thể nhận được lời khuyên hữu ích và cũng là cơ hội để bạn xem xét lại mình đang có gì."
Không cưỡng được những cám dỗ
Sự cám dỗ chính là một phần của cuộc sống và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn tốn không ít tiền phát sinh vào mỗi tháng.
"Hãy chấp nhận rằng đôi lúc bạn sẽ không kiềm được trước những cám dỗ, nhưng nhớ rằng điều bạn cần làm là phải ngay lập tức tìm cách bù lại khoảng tiền bạn đã bỏ ra cho cám dỗ đó."
Không có những khoản chi sáng suốt
Để không vỡ quỹ vì những khoản chi không trong kế hoạch, bạn cần lập danh sách gần với thực tế. Canna cho rằng, việc bạn phân chia các khoảng chi tiêu một cách hợp lý sẽ giúp bạn không phải rơi vào trạng thái "nhẵn túi" vào mỗi cuối tháng.
Hãy lập ra những khoản tiền cố định cho những thứ bạn cần phải chi trả, từ cốc cà phê nhỏ chẳng hạn. Điều này giúp bạn dễ dàng thực hiện được kế hoạch tài chính của mình hơn, quản lý chặt chẽ được ngân sách của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn