"Duyên" thiện nguyện
Từ khi cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM được thành lập, chị Thu An và các chị em trong nhóm thiện nguyện đã thực hiện chương trình "Bếp ăn yêu thương". Nhóm của chị mang đến những bữa cơm, cháo, bánh mì, sữa, mì tôm… 0 đồng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chương trình được tổ chức vào thứ 7 hằng tuần.
Chị Thu An cho biết, nhóm chị chọn Bệnh viện Ung bướu để thực hiện chương trình vì chị chứng kiến nhiều cảnh thương tâm. Bệnh nhân chạy chữa tốn kém, người nhà cũng phải tiết kiệm từng chút một để lo cho người thân của mình. Đa phần bệnh nhân đều ở tỉnh xa đến chữa trị. Vậy nên nhóm góp thêm những suất ăn giúp bệnh nhân cảm thấy ấm lòng, an tâm và lạc quan điều trị bệnh, còn người nhà đỡ phần lo lắng.
"Thời gian đầu, sau giờ làm, mấy chị em chúng tôi rủ nhau nấu cơm. Sau đó cứ 2 người chở nhau trên 1 chiếc xe máy đến giúp những người nghèo khó ở quanh nơi mình sinh sống. Dần dần, việc nấu ăn từ thiện trở thành một công việc khó bỏ với nhóm. Đôi khi, tôi không cầm được nước mắt khi thấy sự mừng vui của họ lúc nhận quà. Dù giá trị không đáng là bao nhưng đã ít nhiều giúp họ bớt vất vả. Cái duyên lớn hơn trong công tác thiện nguyện là được gặp một sư thầy ở quận 8. Thầy đã hướng dẫn, hỗ trợ để việc làm của nhóm ngày một nhân rộng hơn. Từ đây, nhóm thiện nguyện được nhiều người biết đến, mạnh thường quân hỗ trợ ngày càng nhiều. Bạn bè, người thân, mỗi người cùng góp một chút yêu thương để các suất ăn ngày càng nhiều hơn", chị An tâm sự.
Khi hỏi về việc đảm bảo chất lượng bữa ăn, an toàn cho sức khỏe bệnh nhân, chị An chia sẻ: "Đó là việc chúng tôi quan tâm hàng đầu. Tôi làm cho mọi người như cho chính mình. Nấu ăn phải ngon và sạch sẽ. Nguyên liệu được chọn cẩn thận, gạo dù được cho từ thiện nhưng vẫn phải dẻo thơm, vì dở sẽ không thể ăn nổi. Người ta đã bị bệnh mà còn ăn khô khan thì ăn sao được. Chuẩn bị các phần ăn miễn phí, nhóm phải cặm cụi nấu từ khuya, để sáng sớm kịp phát cho bà con. Nhiều lúc không đủ phát, tôi phải tự bỏ tiền túi ra để mua thêm để trao tiếp. Thấy bà con đợi từ sớm mà về tay không, tôi không đành lòng".
Chị Đàm Thìn - một mạnh thường quân thường xuyên đồng hành cùng chị Thu An - nhận xét: "Điều ấn tượng khi tôi đến nhà cô An là một căn nhà nhỏ, không hề giàu có khá giả. Cô làm nhiều việc để có thể giúp bệnh nhân ung thư và người nhà của bệnh nhân. Tôi thích làm việc vì cái tâm, nên khi gặp cô, tôi cảm thấy cô có lòng yêu thương, có những nghĩa cử cao đẹp. Cô An làm vì cái tâm muốn giúp người chứ không mưu cầu điều gì khác cho bản thân".
Nổi tiếng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"
Không chỉ dừng ở "Bếp ăn yêu thương", chị Thu An và nhóm thường xuyên hỗ trợ người dân ở khu phố vào các ngày Lễ Vu lan, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hay các dịp lễ kỷ niệm khác.
Vì thấy được năng lượng tích cực và trái tim bao dung của chị An nên khi chị cần giúp một ai đó, mọi người đều ủng hộ hết mình. Các hoạt động thiện nguyện của chị luôn minh bạch, rõ ràng và nhiệt huyết. Ai cũng hiểu bản thân chị là công nhân, mỗi ngày đi làm 20km tại một công ty phế liệu ở Bình Dương. Chiều về, ngoài công việc gia đình, chị năng nổ tham gia với khu phố hoặc chuẩn bị cho những phần ăn miễn phí. "Con cái và bạn bè thân thiết có khi cũng bảo tôi làm ít thôi nhưng biết sao được, duyên nợ với thiện nguyện nên tôi làm cho trót. Lúc nào tôi không đủ sức làm nổi nữa thì thôi", chị An tâm sự.
Chị Đinh Thị Mỹ Dung - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) - cho biết: "Tôi rất vui vì có một mô hình thật ý nghĩa tại địa phương giúp đỡ, hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Với vai trò là Chi hội trưởng, chị Thu An đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tổ chức những hoạt động thiết thực đến với hội viên; đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình"; quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ giúp đỡ những hội viên khó khăn".
Gặp, trò chuyện với chị Thu An về những câu chuyện trên vạn nẻo đường giúp người, chúng tôi thấy được luôn có những trái lấp lánh yêu thương ở mảnh đất Sài Gòn nhộn nhịp này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn