Đó là chia sẻ của chị Hoàng Thị Hoa (tạm trú đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TPHCM). Chị Hoa kể về cuộc sống chật vật khi cùng chồng quyết định lập nghiệp ở Sài thành. "Chật vật" ở đây không phải về mặt vật chất mà còn cả quỹ thời gian để chăm sóc con. Năm 2013, chị Hoa lập gia đình rồi sinh con. Đứa con đầu lòng chào đời, chồng khuyên chị nên nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con.
Làm công nhân may mặc ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM), chị Hoa không có mức lương cao như mong đợi nhưng cũng đủ tiền để cùng chồng lo cho tổ ấm. Anh chị thuê căn phòng trọ nhỏ ở quận 4. Cảnh ở trọ hôm nay ở quận này, ngày mai lại sang quận khác nên họ khó có thể xin được cho con vào học trường mẫu giáo công lập do không có sổ hộ khẩu, còn gửi con ở trường tư thục thì chi phí quá cao, không thể kham nổi. Bấm bụng, chị Hoa đành gửi con cho hàng xóm ở gần đó. Thỉnh thoảng đọc báo thấy thông tin những vụ việc trẻ đi lớp tư thục tự phát bị đánh đập, thậm chí tử vong, vợ chồng chị Hoa cũng rất lo nhưng vì hoàn cảnh nên anh chị chỉ mong đón con mỗi ngày được thấy bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn! Gửi con ở cơ sở mầm non tư thục có quy mô vừa phải, gia đình anh chị chấp nhận mức học phí thấp hơn, dịch vụ kém hơn, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.
Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Lê Thị Phương Hoàn (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) thi thoảng bị gián đoạn bởi những cuộc gọi điện thoại của khách đặt mua hàng online. Một tay bế con trai gần 1 tuổi, một tay chị tranh thủ bấm điện thoại trả lời khách. Vốn là công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), vì điều kiện quá khó khăn, chồng cũng là công nhân, 2 đứa con thiếu người chăm sóc, chị Hoàn quyết định xin nghỉ việc, ở nhà bán hàng online. Chị kể, lương công nhân của chị được 5-6 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca liên tục cả tháng thì mới nhích lên được 8-9 triệu đồng. Thay đổi công ty đến 3 lần do đồng lương bấp bênh, chị chưa một ngày nào cảm thấy ổn định, nhất là thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp.
"Thời điểm khó khăn nhất, các con liên tục ốm đau, mẹ tôi ở quê lên trông cũng chỉ được vài ngày rồi lại về lo việc bán buôn, vợ chồng tôi thì phải tăng ca. Đứa con đầu học ở cơ sở tư thục, mỗi tháng hết hơn 2 triệu đồng rồi, giờ gửi thêm 1 cháu nữa là gần hết tháng lương của tôi, quả thực không thể nào xoay nổi! Cực chẳng đã, tôi đành nghỉ việc, ở nhà bán hàng để tiện chăm con!", chị Hoàn chia sẻ.
Trường hợp chị Trần Thị Lan (quê Thanh Hóa) làm công nhân cho Công ty PouYuen tại khu công nghiệp Tân Bình (TPHCM) may mắn hơn. Cách đây 7 năm, chị Lan chật vật tìm nơi gửi con đầu lòng. Đúng thời điểm này, trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ vừa được khánh thành và đi vào hoạt động. Chị gửi con vào trường từ khi cháu mới 24 tháng tuổi. Hằng ngày, mẹ đến xưởng may, con vào trường học. Thời gian thấm thoắt trôi, khi con lớn vào lớp 1, chị Lan sinh thêm đứa thứ 2. Chị chia sẻ, nếu không có trường Mặt Trời Nhỏ, gia đình chị cũng chưa tính chuyện đón thành viên mới bởi nỗi lo tìm nơi gửi con.
Con số đáng lưu tâm này (dẫn nguồn từ Bộ GD&ĐT) được bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đưa ra khi tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuối tháng 1/2021. An sinh cho nữ công nhân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là vấn đề được Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nêu ra bởi đây là vấn đề nóng cần sự chung tay vào cuộc của nhiều cấp, bộ, ngành. Theo bà Hà Thị Nga, nguyên nhân khiến trẻ dưới 36 tháng chưa được đến trường có nhiều, trong đó không có nơi để gửi con là một trong những nguyên nhân chủ yếu. "Ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất đông lao động nhập cư, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. Hơn một nửa số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục. Ðiều đáng nói là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho hay.
Trước thực trạng này, từ năm 2015, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020". Tuy nhiên, Đề án mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu chính đáng của nữ công nhân có con dưới 36 tháng tuổi. Theo Hội LHPN Việt Nam, việc đảm bảo tính bền vững của các Nhóm trẻ độc lập tư thục còn nhiều khó khăn. Thực tế, các nhóm trẻ giải thể/tạm dừng hoạt động do phải trả mặt bằng thuê hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều nhóm trẻ... Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên, người lao động trong các nhóm trẻ không ổn định dẫn đến việc tư vấn, bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức hoạt động cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các nhóm này không có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này đóng BHXH nên rất khó để họ có thể yên tâm làm việc lâu dài.
Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhìn nhận: Điều kiện cơ sở vật chất và năng lực giáo viên ở một số nhóm trẻ độc lập tư thục vẫn còn hạn chế, vẫn tồn tại những nhóm trẻ nhỏ lẻ, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Bên cạnh đó, kinh phí trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục phần lớn ở mức thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhóm trẻ do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế. Đáng quan ngại hơn, vẫn tồn tại nhóm lớp độc lập tư thục hoạt động khi chưa được cấp phép, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý giáo dục với các cấp chính quyền chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết xử lý vi phạm.
"Không chỉ ở các khu công nghiệp, không chỉ đối với các gia đình di cư lao động, việc gửi con trẻ ở đâu, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi, còn là mối quan tâm chung của rất nhiều gia đình công chức, viên chức ở thành thị... Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần quan tâm thỏa đáng hơn nữa đến vấn đề này", trích tham luận của bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
(còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn