Dù mới hơn 9 giờ tối nhưng trên đường Láng (Hà Nội) đã thưa thớt người qua lại, thi thoảng mới nghe thấy tiếng xe máy chạy qua. Chị Nguyễn Thị Kim Nga (50 tuổi, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), công nhân vệ sinh môi trường, vừa đẩy rác lên xe tải chở rác trước điểm số 470 đường Láng (quận Đống Đa). Trong lúc cẩu rác, chị được một thanh niên lái xe cấp cứu xuống tặng cho một hộp cơm từ thiện. Đây là hộp cơm đầu tiên mà chị nhận được kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội tới nay.
Công việc của chị Nga bắt đầu từ lúc 3 giờ chiều. Chị thu gom rác trong các ngõ từ nút giao Yên Lãng - đường Láng đến nút giao Láng Hạ - đường Láng. 9 giờ tối, xe chở rác sẽ đến cẩu vòng một. Nghỉ ngơi 15 phút, chị Nga tiếp tục dọn vệ sinh ngoài mặt đường. Những ngày này, do lượng người đi lại trên đường ít, công việc của chị Nga tiến hành nhanh hơn, thường 11 rưỡi xe chở rác sẽ đến cẩu vòng 2, nên tầm 12 giờ đêm là chị có thể về đến nhà.
Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chồng chị Nga phải nghỉ việc. "Tôi trở thành lao động chính trong nhà. Chồng tôi nghỉ việc không lương kể từ khi giãn cách xã hội. Trước anh làm bảo vệ, dịch bệnh thế này nên công ty cho nghỉ", chị Nga chia sẻ. Hai vợ chồng anh chị có hai người con, cháu lớn học đại học, cháu thứ hai vừa vào lớp 10. Gánh nặng kinh tế giờ đây dồn lên đôi vai của chị Nga.
Với tính chất công việc như vậy, mỗi tháng tổng thu nhập của chị Nga là gần 7 triệu đồng. Trước đây, trên tuyến phố này có hai người làm việc nhưng vì lương thấp, không đủ tiền trang trải sinh hoạt phí nên một người đã xin nghỉ việc. Công việc của chị Nga vì thế mà tăng lên gấp đôi. Ở tuổi 50, chị Nga đã mang nhiều bệnh tật, nhất là đau đầu gối. Nhiều khi đau không chịu nổi, khi về nhà chị phải sử dụng thuốc giảm đau. Vì tính chất công việc như vậy, nên dù đã được 18 năm công tác rồi nhưng chị cũng không biết bản thân có thể theo được đến tuổi về hưu hay không. Mới đây, dù được công ty cho tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng chị Nga vẫn lo lắng bị lây nhiễm. "Trước tình hình này, tôi không chỉ mong công việc xong sớm, để tôi được về nhà an toàn", chị Nga bày tỏ.
Dành dụm cho con bước vào năm học mới
Cách đó một con phố, ở điểm cầu vượt Láng Hạ, chị Nguyễn Tuyết Nhung (30 tuổi, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa) và những đồng nghiệp đang tranh thủ đóng gói các bao bì, bìa giấy, lon bia. Số phế thải này được mọi người thu gom mấy ngày qua, bán đi sẽ được vài trăm nghìn đồng, họ sẽ chia nhau. Chồng chị Nhung cũng phải nghỉ việc không lương, giờ đây chị trở thành lao động chính trong nhà. "Bây giờ tôi đang dành dụm để chuẩn bị cho con vào năm học mới. Năm học tới, các con của tôi đứa vào lớp 1, đứa đi học mẫu giáo, nên tôi phải dành dụm từ bây giờ mới lo được. Lương công nhân có mấy triệu đồng, làm sao đủ ăn", chị Nhung chia sẻ.
Trên tuyến phố nơi chị Nhung làm việc những ngày qua xuất hiện ổ dịch ở 95 Láng Hạ. Khi vào đây thu gom rác, chị phải mặc đồ bảo hộ kín người. Có mặc lên người bộ đồ bảo hộ nóng nực, chị mới hiểu thêm về những vất vả, khó khăn của đội ngũ nhân viên y tế. "Tôi mong muốn cấp trên xem xét có những chính sách, chế độ, trợ cấp cho những công nhân môi trường lao động trong hoàn cảnh dịch bệnh", chị Nhung bày tỏ mong muốn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn